ThienNhien.Net – Tỉnh Sóc Trăng cần xây dựng và nhân rộng các mô hình sinh kế giảm nghèo bền vững, hạn chế thấp nhất tình trạng tái nghèo nhất là trong đồng bào dân tộc thiểu số; góp phần tăng thu nhập bình quân đầu người của các hộ nghèo năm 2020 gấp 2 lần so với hiện nay, phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 3%/năm.
Đây là nội dung tại Thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng.
Cũng theo Thông báo này, để thực hiện tốt Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020 và đạt được mục tiêu phát triển toàn diện, nhanh và bền vững, Phó Thủ tướng yêu cầu tỉnh Sóc Trăng tiếp tục chỉ đạo triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc Khmer theo Chỉ thị số 68-CT/TW ngày 18/4/1991 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa VI “Về công tác ở vùng đồng bào dân tộc Khmer”; Thông báo Kết luận số 67-TB/TW, ngày 14/3/2007 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa X “Về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 68-CT/TW”. Tăng cường phát huy vai trò của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, tuyên truyền, vận động đồng bào chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; không để kẻ xấu lợi dụng, lôi kéo, kích động đồng bào dân tộc thiểu số gây mất an ninh trật tự.
Bên cạnh đó, tập trung mọi nguồn lực thực hiện có hiệu quả các chính sách dân tộc lồng ghép kết hợp với các chính sách đầu tư của Chính phủ như: Đầu tư hạ tầng, nhà ở, nước sạch, hỗ trợ phát triển sản xuất; y tế, giáo dục đào tạo, tăng cường giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm; tín dụng ưu đãi; giải quyết tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, các chính sách hỗ trợ giảm nghèo…. từng bước thay đổi tập quán sản xuất, mở rộng quy mô và dịch vụ phục vụ sản xuất, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm cây trồng, vật nuôi, góp phần cải thiện đời sống, giảm nghèo bền vững cho nhân dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.
Đồng thời, phát huy mọi tiềm năng, thế mạnh của Tỉnh nhất là kinh tế biển; chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giảm tỷ trọng nông nghiệp, tăng tỷ trọng dịch vụ và công nghiệp; thúc đẩy sản xuất, nghiên cứu việc chuyển đổi giống cây trồng, nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế hiệu quả như: trồng cây ăn trái, cây dược liệu, nuôi tôm, nuôi bò thịt và bò sữa… tạo động lực để phát triển kinh tế của địa phương. Khai thác, lưu giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Khmer, Hoa trên địa bàn tỉnh, tích cực quảng bá các lễ hội truyền thống, các trò chơi dân gian vốn có từ lâu đời, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng.
Tỉnh cũng cần đột phá trong cải cách thủ tục hành chính để thu hút mọi nguồn lực vào phát triển nông nghiệp, nông thôn nhất là đầu tư của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, góp phần giải quyết việc làm tại chỗ cho người dân địa phương.
Nâng cao chất lượng chăm sóc sức khoẻ nhân dân, công tác khám chữa bệnh cho đồng bào dân tộc, nhân rộng các bài thuốc quý trong nhân dân; xây dựng gia đình văn hoá, góp phần xây dựng nông thôn mới; thực hiện tốt chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình; xoá bỏ các tập tục lạc hậu, mê tín dị đoan, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá các dân tộc. Gắn phát triển kinh tế – xã hội với bảo vệ môi trường.
Phát triển chất lượng nguồn nhân lực dân tộc thiểu số theo Nghị quyết số 52/NQ-CP ngày 15/6/2016 của Chính phủ; ưu tiên nguồn nhân lực là người dân tộc thiểu số, quan tâm đầu tư các trường Dân tộc nội trú. Thực hiện tốt chính sách cử tuyển dành cho con em người dân tộc thiểu số vào học tại các trường đại học, cao đẳng và trường nghề để bổ sung nguồn lực sau này cho địa phương. Triển khai nội dung của Quyết định số 1557/QĐ-TTg về một số chỉ tiêu thực hiện các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ đối với đồng bào dân tộc thiểu số gắn với mục tiêu phát triển bền vững sau năm 2015.
Ban hành văn bản cụ thể hóa việc bồi dưỡng, đào tạo, tuyển dụng và bổ nhiệm cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số. Đẩy mạnh công tác tạo nguồn, quy hoạch, đào tạo, sử dụng, phát triển cán bộ người dân tộc thiểu số… Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ của hệ thống chính trị ở xã, nhất là cán bộ chủ chốt, cán bộ là người dân tộc thiểu số; xây dựng đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị ở cơ sở đủ về chất lượng, hợp lý về cơ cấu, đảm bảo về chất lượng, uy tín. Cơ cấu cán bộ dân tộc phù hợp với tỉ lệ dân số từng địa phương.