ThienNhien.Net – Nhiều vùng đồi cát hoang hóa ở huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận đã được phủ xanh bằng những cánh rừng.
Những năm qua, nhờ sự nỗ lực của Ban quản lý rừng phòng hộ Lê Hồng Phong và người dân địa phương, nhiều vùng đồi cát hoang hóa ở huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận đã được phủ xanh bằng những cánh rừng trồng hiệu quả, qua đó góp phần chống sa mạc hóa, giảm ảnh hưởng của thiên tai, lưu trữ nguồn nước ngầm cho sản xuất nông nghiệp trong khu vực.
Giếng Hộc là một trong những vùng khắc nghiệt nhất ở xã Hòa Thắng, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận. Đất đai ở đây chủ yếu là những triền cát, đồi cát trải dài, quanh năm thốc gió. Những năm trước, gần như đây là vùng sa mạc toàn đất trống đồi trọc. Nhưng nay trên những dải đồi cát ấy đã có những mảng xanh liên tiếp nối dài, vươn lên sức sống mới. Những cánh rừng phi lao và keo lưỡi liềm được trồng từ hơn hai năm trước đang phát triển xanh tươi.
Ông Võ Trường Giang, Trưởng trạm Quản lý bảo vệ rừng Giếng Hộc thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ Lê Hồng Phong cho biết: “Khu vực này rất khó vận chuyển cây để trồng rừng. Anh em cũng đã vận dụng theo nhân công tại địa phương và dụng cụ thô sơ để trồng và thực hiện chăm sóc. Các cây đã hai năm tuổi, mới được xanh tốt như hôm nay”.
Ngoài vùng Giếng Hộc, Ban Quản lý rừng phòng hộ Lê Hồng Phong đã triển khai trồng rừng chống sa mạc hóa và biến đổi khí hậu tại nhiều khu vực khác ở huyện Bắc Bình. Hằng năm, đơn vị tiến hành trồng trung bình khoảng hơn 334 héc-ta rừng. Cây giống được chuẩn bị kỹ lưỡng, trồng theo kỹ thuật bổ sung hạt tích nước trong đất, nên tỷ lệ sống sót cao với mật độ 1.166 cây/héc-ta. Đây là đơn vị được đánh giá đi đầu về trồng rừng chống sa mạc hóa trên địa bàn Bình Thuận.
Ông Lê Văn Tình, Trưởng phòng Tổ chức hành chính – Ban Quản lý rừng phòng hộ Lê Hồng Phong cho biết: “Đến nay đơn vị đã trồng được hơn 4.476 héc-ta. Qua thực hiện các dự án mang lại hiệu quả chống cát bay, hạn chế được thiên tai lũ lụt. Đặc biệt là bảo vệ được diện tích hoa màu của nhân dân địa phương nơi đơn vị đóng chân”.
Nhờ có sự tham gia của người dân địa phương, công tác này mang lại hiệu quả tích cực. Ông Nguyễn Văn Tám (người thôn Hồng Lâm, xã Hòa Thắng) là một trong những hộ nhận khoán chăm sóc và bảo vệ rừng đã hơn 5 năm cùng tham gia công tác trồng rừng ở đây chia sẻ: sau khi được nhận khoán, tôi trồng cây bảo vệ chống cháy, ngăn không cho trâu bò vào phá. Hàng năm tôi làm cỏ, chăm sóc rừng. Trồng lên được rất tốt. Nói chung có lợi cho địa phương, cho nhân dân ở đây”.
Mùa mưa năm nay, Ban quản lý rừng phòng hộ Lê Hồng Phong đang tiếp tục trồng thêm rừng theo kế hoạch do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận phân bổ. Hàng trăm héc-ta rừng trồng mới đang được bổ sung sẽ góp phần chống hiện tượng sa mạc hóa trên các vùng đất khô cằn của địa phương.