ThienNhien.Net – Trong báo cáo quốc tế về “Tình trạng khí hậu” công bố ngày 10/8, Chính phủ Mỹ khẳng định năm 2016 là năm nóng kỷ lục trên toàn cầu trong vòng 137 năm qua, với nhiệt độ bề mặt Trái Đất được ghi nhận ở mức cao nhất mọi thời đại.
Theo báo cáo của Cơ quan Khí quyển và Đại dương quốc gia (NOAA), phần lớn các chỉ số về biến đổi khí hậu trong năm 2016 đều trong xu hướng ấm dần lên.
Một số chỉ số trong đó có nhiệt độ đại dương và trên đất liền, mực nước biển và sự tập trung khí thải gây hiệu ứng nhà kính trong không khí đều phá những mốc kỷ lục được ghi nhận một năm trước đó.
Những số liệu cập nhật hàng năm do các nhà nghiên cứu thuộc NOAA và hơn 450 chuyên gia thuộc gần 60 quốc gia trên thế giới đưa ra đều cho thấy nhiệt độ Trái Đất đã phá kỷ lục trong 3 năm liên tiếp, trong đó chỉ số về khí thải gây hiệu ứng nhà kính lập kỷ lục cao nhất, đặc biệt mật độ khí carbon dioxide (CO2), methane và nitrous oxide cũng đều tăng lên mức kỷ lục mới trong năm 2016.
Mật độ CO2 trung bình toàn cầu trong năm 2016 là 402,9 ppm (phần triệu), tăng 3,5ppm so với năm 2015 và là mức tăng hàng năm lớn nhất trong vòng 58 năm qua.
Cùng với hiện tượng El Nino phát triển mạnh, năm 2016 cũng là thời điểm được ghi nhận có mức nhiệt độ bề mặt đại dương và trên đất liền cao kỷ lục và là năm thứ ba tăng liên tục.
Mức tăng nhiệt độ được ghi nhận là từ 0.45-0.56 độ C so với giai đoạn 1981-2010. Trong khi đó, nhiệt độ trung bình mặt nước biển cũng ở mức cao nhất trong năm 2016 với mức tăng từ 0,36-0,41 độ C so với giai đoạn 1981-2010, thậm chí vượt 0,01-0,03 độ C so với mức kỷ lục ghi nhận được trong năm 2015.
Theo báo cáo trên, mực nước biển trung bình toàn cầu cũng đạt kỷ lục mới với mức tăng khoảng 82 mm so với năm 1993 và là năm thứ sáu tăng liên tiếp.
Liên quan đến vấn đề biến đổi khí hậu, tạp chí Khoa học của Mỹ ra ngày 10/8 đăng bài cho biết hiện tượng Trái Đất ấm dần lên cũng đang làm thay đổi thời điểm lũ lụt tại châu Âu, khiến mực nước tại một số sông lên xuống thất thường, tác động trực tiếp tới cuộc sống của những người nông dân trên toàn châu lục.
Theo Giáo sư Guenter Bloeschl, trưởng nhóm nghiên cứu thuộc Viện quản lý nguồn nước và ống dẫn nước của Đại học Công nghệ (TU) tại Vienna (Áo), ở các nước vùng Đông Bắc châu Âu như Thụy Điển, Phần Lan và các nước Baltic, tình trạng lũ lụt hiện nay có xu hướng đến sớm hơn 1 tháng so với giai đoạn những năm 1960 và 1970.
Ở thời điểm đó, lũ lụt thường xảy ra vào tháng 4, còn hiện nay, lũ đến từ tháng 3. Các nhà khoa học cho rằng nguyên nhân một phần có thể do hiện tượng tan băng sớm hơn trong năm và khí hậu ấm lên.
Lũ lụt vào mùa Đông tại các nước Tây Âu nằm dọc bờ Đại Tây Dương cũng có chiều hướng đến sớm hơn, thậm chí đến từ mùa Thu.
Trong khi đó, lũ lụt tại các vùng như miền Bắc nước Anh, miền Tây Ireland, bờ biển Bắc Âu và miền Bắc nước Đức lại có xu hướng chậm hơn 2 tuần so với cách đây 2 thập kỷ.