ThienNhien.Net – Mở rộng phát triển thủy điện sẽ giúp châu Á hướng tới một tương lai carbon thấp, hay chỉ càng khai thác quá mức hệ sinh thái vốn mong manh?
Trong suốt 2 thập kỷ qua, phát triển điện than tại nhiều thành phố đã khiến Trung Quốc phải đối mặt với thực trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng, ngày càng gây áp lực nhanh chóng chuyển sang các lựa chọn thay thế như điện gió, quang năng, điện hạt nhân và thủy điện. Vốn là quốc gia có tiềm năng thủy điện lớn nhất thế giới, Trung Quốc có thể khai thác tới 540 GW nhằm giảm phát thải carbon cho các hoạt động kinh tế nước nhà. Trong hai thập kỷ qua, Trung Quốc đã trở thành trung tâm của cuộc đua xây đập chưa từng có trong lịch sử, với tổng công suất thủy điện được xây dựng trên 300 GW. Một động cơ khác ít quan trọng hơn chính là nhu cầu mua điện tại Đông Nam Á, đặc biệt là Thái Lan và Việt Nam.
Hầu hết các hoạt động xây đập diễn ra tại phía Tây bắc Trung Quốc, nơi những con sông có địa hình dốc, chảy ra những hẻm núi hẹp, tạo nên những dòng chảy xiết – “thiên đường” dành cho các nhà xây đập. Kế hoạch khai thác năng lượng dài hạn từ những con sông lớn như Mê Kông, Salween, Dương Tử, Brahmaputra, sông Hồng, và nhiều con sông khác tại Tây Tạng đã được xây dựng, trước khi nguồn năng lượng này “biến mất” vào đại dương.
Trên thực tế, trong gần 3 thập kỷ qua, tỉnh Vân Nam vốn được coi là “cục pin” của miền Nam Trung Quốc, cũng như các quốc gia hạ nguồn như Việt Nam, Lào, Campuchia và Thái Lan. Vào giai đoạn 2000-2016, năng suất thủy điện của tỉnh Vân Nam đã tăng gấp hơn 10 lần tới 62 GW, gần bằng Mỹ và Canada (khoảng 79 GW mỗi nước) và lớn hơn cả Nga, Ấn Độ (khoảng 49 GW mỗi nước).
Thế nhưng, nghiên cứu cho thấy công suất thủy điện trên là vượt quá so với nhu cầu của Trung Quốc và Đông Nam Á, ít nhất là trong ngắn và trung hạn. Vì sao vẫn cần phát triển thủy điện quy mô lớn trên toàn khu vực? Và liệu lượng điện dư thừa có đủ khả năng thay thế các nhà máy nhiệt điện than và giảm ô nhiễm hay không?
Tỉnh Vân Nam dẫn đầu cuộc đua thủy điện
Bên cạnh tỉnh Vân Nam, danh hiệu “cục pin của khu vực” cũng được dành cho Lào, Myanmar, Bhutan và Đông Bắc Ấn Độ. Thế nhưng, riêng tỉnh Vân Nam và các quốc gia láng giềng phía hạ nguồn đã khai thác tới 91 GW công suất lắp đặt từ thủy điện, con số chỉ thấp hơn tổng toàn Trung Quốc và Brazil.
Hầu hết các hoạt động xây thủy điện từ những năm 1990 đến những năm 2000, đều được thúc đẩy nhờ cải thiện đường xá và phát triển nhiều cơ sở hạ tầng khác tại tỉnh miền núi Vân Nam. Trong khi dự báo gia tăng nhu cầu tại Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng (GMS) đã dẫn đến những chính sách ủng hộ như chính sách “Truyền điện Vân Nam đi khắp nơi”, thì trên thực tế, nhu cầu điện của Thái Lan và Việt Nam tăng khá chậm, nhất là sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997.
Tuy nhiên, nhu cầu tại Trung Quốc tiếp tục gia tăng. Thiếu hụt năng lượng đã diễn ra tại khắp miền Nam Trung Quốc trong suốt giữa những năm 2000, bao gồm cả trung tâm sản xuất hàng hóa tại Lưu vực sông Châu Giang. Điều này càng thúc đẩy phát triển thủy điện tại miền núi phía Tây Nam, kèm theo đường dây tải điện đường dài về phía Đông.
Sản lượng điện tại Vân Nam (262 TWh vào năm 2015) vượt nhiều lần mức tiêu thụ trong tỉnh (khoảng 167 TWh), phần còn lại chủ yếu chuyển sang Quảng Đông (93,5 TWh) và các quốc gia hạ nguồn Đông Nam Á (1,4 TWh). Mạng lưới điện tỉnh Vân Nam thừa nhận rằng bên cạnh những con số trên, còn khoảng 95TWh điện không được tiêu thụ trong khoảng thời gian đó, tương đương với sản lượng điện từ thủy điện trên toàn Đông Nam Á là 105 TWh.
Cần nhận định cuộc đua xây thủy điện trong bối cảnh toàn danh mục năng lượng của các nước. Gần như tất cả các quốc gia đều phát triển các nhà máy nhiệt điện truyền thống bên cạnh thủy điện và năng lượng tái tạo, ngoại trừ Bhutan và Thái Lan vốn xác định phát triển thủy điện ngay từ ban đầu.
Ở tầm vĩ mô, Thái Lan, Việt Nam và Vân Nam có mức tiêu thụ điện tương đương nhau, khoảng 160-180 TWh mỗi năm. Nhu cầu điện tại Việt Nam đang tăng nhanh hơn, có thể sẽ trở thành quốc gia tiêu thụ điện nhiều nhất chỉ trong vài năm tới. Trong khi nhu cầu điện tại Thái Lan và Việt Nam chủ yếu là từ gia tăng quy mô phát triển công nghiệp, thì tỉnh Vân Nam tăng nhu cầu chủ yếu do các ngành công nghiệp tiêu tốn nhiều điện như nung nhôm và silicon, vốn có lợi thế từ nguồn thủy điện rẻ (đặc biệt là trong mùa mưa) và nguồn tài nguyên kim loại giầu có của tỉnh này. Thế nhưng những mặt hàng trên lại có thị trường bất ổn, cùng với đó là địa thế hiểm trở của tỉnh Vân Nam làm tăng chi phí vận chuyển và khiến những khoản đầu tư này trở nên khá rủi ro.
Trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc chậm tăng trưởng và dần phụ thuộc nhiều hơn vào dịch vụ, nhu cầu điện năng có thể sẽ không gia tăng trong tương lai. Mặc dù vậy, Vân Nam vẫn tiếp tục nỗ lực tăng cường khả năng xuất khẩu diện do định hướng của chính quyền tỉnh cũng như sự phụ thuộc của nền kinh tế tỉnh vào năng lượng. Đường điện cao thế chất lượng quốc tế đã thay thế lưới điện địa phương, trực tiếp kết nối các trạm điện thế tại Vân Nam tới các trung tâm tiêu thụ tại Quảng Đông.
Chuỗi đập bị trì hoãn trên sông Salween cũng được xem là một phần nguồn cung năng lượng cho Quảng Đông và Lưu vực sông Châu Giang, mặc dù trên thực tế những con đập này nằm trong kế hoạch 5 năm tới. Chưa kể, Vân Nam sẽ không còn là nguồn năng lượng của Quảng Đông bởi nguồn điện hạt nhân tại đây dự kiến sẽ tăng từ 6,3 GW lên 16,3 GW vào năm 2018. Điện hạt nhân chắc chắn sẽ ít rủi ro và ổn định hơn so với thủy điện vốn phụ thuộc vào mùa trong năm và ở cách đó những 2.000 km.
Thêm nhiều con đập phía hạ nguồn
So với Quảng Đông, các quốc gia Đông Nam Á nhập điện không đáng kể từ Vân Nam. Các nước láng giềng này cũng tự phát triển thủy điện để tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, thông thường với nguồn đầu tư và hỗ trợ kỹ thuật từ các doanh nghiệp Trung Quốc.
Các công ty năng lượng Trung Quốc như Sinohydro và Huaneng cũng đang để mắt tới nguồn thủy điện tiềm năng tại Bhutan, Myanmar và Lào, trong khi các siêu dự án thủy điện tại Đông Bắc Ấn tiếp tục bị trì hoãn, chủ yếu do gặp trở ngại kỹ thuật trong việc chuyển điện tới Tây Ấn qua vị trí “nút cổ chai” giữa Bangladesh, Bhutan và Nepal.
Nếu như nguồn cung thừa thãi là quá rõ ràng thì tại sao phát triển thủy điện quy mô lớn vẫn tiếp diễn tại Vân Nam và các khu vực lân cận? Có lẽ các nhà hoạch định vẫn bám lấy kế hoạch xuất khẩu điện từ Vân Nam sang Quảng Đông, đồng thời Trung Quốc vẫn mong muốn xuất khẩu khả năng chuyên môn trong xây dựng thủy điện của mình. Kế hoạch xây dựng mạng lưới điện kết nối các quốc gia ASEAN sẽ giúp chia sẻ điện năng xuyên biên giới, mặc dù vấn đề tài chính còn khá phức tạp. Đồng thời, sản lượng thủy điện có thể điều chỉnh sẽ cân bằng một cách hiệu quả sản lượng không ổn định từ năng lượng tái tạo trên tổng lưới điện.
Lựa chọn thay thế cho than đá
Liệu thủy điện có thể thay thế được than đá hay không vẫn là một câu hỏi phức tạp bởi hai nguồn năng lượng này hoàn toàn khác biệt về mặt kỹ thuật. Trong khi hệ số công suất của một nhà máy nhiệt điện than có thể lên tới 90%, thì thủy điện chỉ có hệ số công suất khoảng 40-50% bởi đập và sông còn nhiều chức năng khác như điều tiết lũ, duy trì đa dạng sinh học, vận tải…Vì vậy, nhiệt điện than thường đạt chỉ tiêu tải trọng tốt hơn, với công suất ổn định góp vào lưới điện. Thủy điện, ngược lại, có thể điều chỉnh theo các dao động, do đó đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển lưới điện thông minh từ các nguồn tái tạo.
Bởi các lãnh đạo Trung Quốc và nhiều nơi đang tìm cách giảm phụ thuộc vào các nguồn năng lượng ô nhiễm, thủy điện sẽ ngày càng được đánh giá cao. Cuộc đua xây đập tại Vân Nam có thể được coi là hành động khai thác quá mức tại các khu vực nhạy cảm, nhưng cũng là một trong nhiều bước hướng tới một tương lai giảm phát thải carbon.
Vì vậy, câu hỏi cần thiết phải đặt ra cho hiện tại và những năm tới là, chính quyền cùng các công ty năng lượng sẽ coi trọng ra sao đến sự cần thiết của việc giảm thiểu các tác động kinh tế xã hội, lý sinh và địa chính trị từ những dự án thiếu thận trọng. Dù là dự án to hay nhỏ, đập thủy điện đều buộc người dân bản địa phải di dời, phá vỡ hệ sinh thái, giảm phù sa, gây sạt lở phía hạ nguồn, thay đổi dòng chảy và dẫn đến hàng loạt vấn đề khác. Xây dựng quá mức trong khi chưa khai thác triệt để sản lượng thủy điện sẵn có tại các khu vực nhạy cảm, giầu văn hóa và đa dạng sinh học sẽ chỉ càng nhân lên những tác động này.
Đan Khuê/ Theo Thethirdpole.net