ThienNhien.Net – Chuyên gia cho rằng, trong nghiên cứu khoa học thì vẫn có những dự đoán đúng và những dự đoán không đúng, nhưng hiện nay Trái đất đang nóng lên là thực tế đang diễn ra, và không ai có thể chối cãi về điều này.
Trong bài trả lời phỏng vấn PV VTC News liên quan đến vấn đề biến đổi khí hậu, TS Ngô Quang Toàn, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu ứng dụng Khoa học và Công nghệ Biển (IARMST), thành viên Tổng hội Địa chất Việt Nam cho rằng, Trái đất đang dần bước vào thời kì giá lạnh mới, vì vậy nói nhiệt độ Trái đất đang nóng dần lên là lừa đảo và câu chuyện “hiệu ứng nhà kính” thực chất chỉ là “kịch bản lừa đảo vĩ đại của thế kỉ 21”.
Tuy nhiên, ở một góc độ khác, TS Vũ Thế Long, nguyên Trưởng ban nghiên cứu Con người và Môi trường (Viện Khảo cổ học Việt Nam) lại có cái nhìn hoàn toàn ngược lại. TS Long cho rằng, biến đổi khí hậu đã và đang là vấn đề mang tính toàn cầu được cả thế giới quan tâm, ngoài ra hiện tượng Trái đất đang nóng dần lên là thực tế đang diễn ra không thể phủ nhận.
– Là người đã có nhiều năm nghiên cứu về biến đổi môi trường và những tác động của nó đến con người trong lịch sử, ông đánh giá thế nào về vấn đề biến đổi khí hậu hiện nay, phải chăng Trái đất đang nóng dần lên như nhiều nhà khoa học đã dự báo?
Tôi là người đã từng tham gia nghiên cứu về biến đổi khí hậu và biến đổi hệ sinh thái trong lịch sử. Từ nghiên cứu về môi trường, thu thập chứng cứ và căn cứ vào những chứng cứ cổ sinh vật học để từ đó tìm hiểu về biến đổi khí hậu ở Việt Nam cũng như ở khu vực Đông Nam Á và thế giới.
Ngày nay trên thế giới, sau nhiều năm quan sát và sau nhiều nghiên cứu thì các nhà khoa học đã nhận ra là khí hậu đang có sự biến đổi và ảnh hưởng đến cuộc sống của con người. Nhiệm vụ đặt ra cho tất cả các nhà khoa học là thu thập các dữ liệu này và đưa vào tính toán để từ đó đưa ra được những dự báo kịp thời.
Theo quan điểm của tôi, hiện nay thế giới đang phải chứng kiến hiện tượng nhiệt độ tăng và nóng một cách khủng khiếp. Trái đất đang nóng lên là thực tế đang diễn ra và không thể chối cãi.
Khi biến đổi khí hậu đã trở thành vấn đề toàn cầu rồi thì chúng ta phải hết sức lưu tâm. Bởi rõ ràng, trước vấn đề biển đổi khí hậu thì Việt Nam là nước bị thiệt hại vào loại lớn nhất trên thế giới nếu như nước biển dâng lên.
– Vừa qua, cũng có ý kiến của nhà khoa học cho rằng dự báo biến đổi khí hậu theo xu hướng Trái đất đang nóng lên chỉ là “kịch bản lừa đảo”, bởi thực tế thì Trái đất đang bước vào kỷ băng hà mới. Ý kiến của ông về vấn đề này thế nào?
Trong lịch sử nghiên cứu khoa học thì cũng có xảy ra rất nhiều chuyện, có những dự đoán đúng nhưng cũng có những dự đoán sai. Thậm chí có cả những chuyện bịp bợm, lợi dụng những hiện tượng của tự nhiên để thực hiện cho mục đích làm cái này, cái khác.
Tiên đoán tương lai là rất cần thiết, bởi từ đó ta sẽ tìm ra được những giải pháp cụ thể để khắc phục và thích ứng với môi trường.
Thường thì các nhà khoa học hay đưa ra rất nhiều lý thuyết. Mà lý thuyết thì có thể đúng, có thể không đúng. Quan điểm trái ngược nhau là bình thường. Có thể người này theo quan điểm này, người kia theo quan điểm khác và họ đều đưa ra những luận điểm, lý lẽ để chứng minh cho quan điểm của mình là đúng. Song theo tôi chân lý thì chỉ có một thôi.
Tôi cho rằng có hai nghiên cứu lớn khi tiếp cận về vấn đề biến đổi môi trường: Thứ nhất là nghiên cứu quy luật vũ trụ, nghiên cứu về sự biến đổi của khí hậu toàn cầu trong một giai đoạn rất dài. Thứ hai là nghiên cứu về những hiện tượng khí hậu, thiên nhiên cụ thể và những hậu quả của nó gây ra. Mà hiện tượng cụ thể ở đây như chúng ta thấy là nhiệt độ Trái đất đang tăng lên qua các năm. Bởi vậy mà không thể nói là nhiệt độ Trái đất giảm hay đang lạnh đi được.
Rõ ràng trước mắt con người đang phá hoại thiên nhiên, làm quy luật tự nhiên bị tác động, dẫn đến những thay đổi cả về mặt khí hậu. Đây là điều không thể phủ nhận.
– Về quan điểm cho rằng xu thế chủ yếu trong tương lai thì biển sẽ lùi ra xa chứ không tiến thêm vào đất liền như dự báo, ông nhận xét thế nào?
Phải nói rằng khi nghiên cứu về vấn đề môi trường thì có rất nhiều cách nghiên cứu, tùy từng đối tượng và cách tiếp cận. Tôi lấy đơn cử như có một số học giả bên Trung Quốc họ nghiên cứu biến đổi khí hậu và môi trường qua những tư liệu lịch sử, văn chương viết lại, cụ thể như là năm A thì có loài chim lạ xuất hiện, năm B thì xuất hiện loài cây lạ kia… Tức là có rất nhiều các chứng tích khảo cổ có thể tìm thấy và dùng nó cho nghiên cứu.
Hay như khi tìm hiểu về sự tồn tại của nhiều tầng vỏ ốc, sò… thì chúng ta sẽ thấy đó là minh chứng do nước biển lấn vào, đây cũng là những chứng tích quan trọng. Những cái này thể hiện trong lịch sử đã từng có hiện tượng biển tiến. Nhưng quá trình biển tiến không đồng đều, có lúc tiến lên nhưng rồi lại có lúc rút đi, rồi lại tiến lên và rút đi, quá trình ấy lặp đi lặp lại như thế.
Các nhà khoa học cũng ghi nhận được có nhiều đợt biển tiến trong lịch sử loài người. Những đợt biển tiến này vừa có cả tính chất cục bộ địa phương nhưng cũng vừa có cả tính toàn cầu. Thời kì biển tiến cuối cùng ở khu vực Đông Nam Á và Việt Nam thì biển chỉ tiến một quãng ngắn rồi rút đi. Khi thể hiện trên biểu đồ thì nhận thấy rất rõ điều này.
Vậy câu hỏi đặt ra là chu kì biển tiến bao năm là sẽ đạt đến cực đại, sau bao năm thì sẽ rút đi và rút đi bao xa? Không ai có thể trả lời được chính xác điều này.
Nhưng vấn đề là qua đó, các nhà nghiên cứu sẽ tìm hiểu được những cái gì đã từng xảy ra trong quá khứ, còn dự đoán tương lai sẽ như thế nào thì hiện nay còn rất nhiều ý kiến khác nhau, chưa thể đưa ra một kết luận cuối cùng được.
– Ý kiến của ông thế nào khi có quan điểm cho rằng biến đổi khí hậu là ảnh hưởng từ quy luật chung của vũ trụ, ví dụ Mặt trời xa dần Trái đất dẫn đến ánh sáng, nhiệt độ giảm… chứ không phải do con người gây ra?
Ngày nay, trên thế giới, sau nhiều năm quan sát và sau nhiều nghiên cứu thì các nhà khoa học đã nhận ra là khí hậu đang có sự biến đổi và ảnh hưởng đến cuộc sống của con người. Nhiệm vụ đặt ra cho tất cả các nhà khoa học là phải thu thập các dữ liệu này và đưa vào tính toán để từ đó có những dự báo.
Có nhiều nguyên nhân để dẫn đến biến đổi khí hậu và môi trường. Tôi nói đơn cử như hậu họa ngay trước mắt là mấy năm trở lại đây hiện tượng lũ lụt rất kinh khủng. Những trận lũ lụt thì ngày xưa cũng có xảy ra, bởi nếu ta nhìn lại tất cả các số liệu thống kê đã được ghi chép trong lịch sử thì những trận lũ lụt lớn đã từng xảy ra, thế nhưng ở quy mô lớn và phức tạp như ngày nay thì không có. Vậy những thiên tai khủng khiếp này là do đâu, nếu không phải là do chính con người gây ra?!
Con người đã tàn phá môi sinh một cách tàn bạo. Tôi lấy ví dụ như Tây Nguyên ngày xưa là rừng mênh mông, nhiều chỗ là rừng nguyên sinh, ngay cả những năm tháng chiến tranh cũng không bị tàn phá như bây giờ. Nhưng hiện nay thì do tham lam và điều hành, quản lý một cách thiếu khoa học nên rừng đã bị tàn phá khủng khiếp, không thương tiếc.
Ở đây, tôi phải nói thẳng là chính các nhà lãnh đạo đã có những bước đi và hành động rất sai lầm khi đã chặt phá rừng Tây Nguyên và nhiều khu vực có rừng khác.
Không đâu như ở Việt Nam, tàn phá rừng, tàn phá thiên nhiên, giết động vật hoang dã mà vẫn được xem là hành động anh hùng. Bởi thế, hậu quả thiên tai mà chúng ta phải gánh hiện nay là do chính chúng ta gây ra.
Tự nhiên có quy luật của nó, con người là một bộ phận của tự nhiên. Nhưng chính con người đã và đang tàn phá môi trường một cách kinh khủng dẫn đến tác động vào quy luật của tự nhiên. Rõ ràng con người đã phạm tội cực lớn khi đã không giữ gìn môi trường sinh thái có tính nhân văn.
Hiện nay thế giới đang phải chứng kiến hiện tượng nhiệt độ tăng và nóng một cách khủng khiếp. Bởi vì nếu so sánh thì sẽ thấy chỉ đầu thế kỷ trước thôi cũng đã làm gì nhiều ô tô, nhà máy, công xưởng, khí thải nhiều như bây giờ…
Chính điều này đã dẫn đến hệ quả rất rõ ràng là dẫn đến biến đổi khí hậu, mà con người chính là tác nhân chính gây ra, không còn nghi ngờ gì nữa.
– Xin trân trọng cảm ơn ông.