ThienNhien.Net – Nhiều người dân xóm Bẫu Châu, xã Lục Ba, huyện Đại Từ (Thái Nguyên) phản ánh tới báo Pháp luật Việt Nam (PLVN) về việc Công ty CP đầu tư bất động sản và khoáng sản Đại Việt (Công ty Đại Việt) “núp bóng” dự án nạo vét lòng Hồ Núi Cốc và tận thu sản phẩm để khai thác mỏ khoáng sản với trữ lượng lớn cát, sỏi?…
Quy trình cấp dự án nạo vét tận thu sản phẩm…
Theo tìm hiểu được biết, ngày 26/8/2014, UBND tỉnh cấp cho Công ty Đại Việt thực hiện đầu tư dự án nạo vét lòng Hồ Núi Cốc và kết hợp tận thu sản phẩm cát, sỏi… Sau hơn 02 năm thực hiện, doanh nghiệp đã nạo vét lòng Hồ Núi Cốc tận thu sản phẩm bằng tổ hợp tàu cuốc, xà lan… để đáp ứng tiến độ và yêu cầu của dự án Công ty Đại Việt đã triển khai tiếp tổ hợp ô tô, máy xúc, máy ủi lên phía thượng nguồn để nạo vét, tổng sản lượng nạo vét cát đã lên tới gần 1.000.000 m3, Công ty xây dựng 05 bãi thải theo hướng dẫn của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường.
Theo khảo sát tìm hiểu giá thị trường tại Thái Nguyên mỗi m3 cát vàng đang được bán với giá 190.000 đến 200.000 đồng. Với số lượng nhiều chiếc tàu cuốc và tổ hợp ô tô, máy xúc công suất lớn hoạt động suốt ngày, với 3 năm triển khai nạo vét tại đây doanh nghiệp này đã tận thu hàng chục tỉ đồng từ lòng hồ, mà chưa m3 bùn nào được đưa lên(!?).
Thực tế tại khu vực Công ty Đại Việt thực hiện dự án nạo vét hồ Núi Cốc như một đại công trường khai thác khoáng sản. Nhân dân quanh khu vực lòng Hồ Núi Cốc đã phản đối gay gắt hoạt động nạo vét tận thu sản phẩm của Công ty Đại Việt. Đỉnh điểm vào những ngày tháng 6/2017, khoảng 9 người dân xóm Bẫu Châu, xã Lục Ba đã dựng lều bạt, thay nhau túc trực ngày đêm, ngăn cản hoạt động nạo vét của Công ty Đại Việt.
Trao đổi với PV báo PLVN Bà Nguyễn Thị Sáng (xóm Bẫu Châu) cho biết: Dự án xây dựng Hồ Núi Cốc được thực hiện từ năm 1975, thời điểm đó nhà nước có hỗ trợ di chuyển nhà ở cho các hộ dân, hàng năm dân chúng tôi vẫn canh tác khi nước rút, phần đất này không được cấp GCN QSD đất. Đất của nhân dân nhà nước chưa đền bù, chưa hỗ trợ Công ty Đại Việt về đây “khai thác” cát, sỏi rầm rộ trên bãi soi của chúng tôi mà không bồi thường, không thông báo đến nhân dân là không đúng, đề nghị huyện xem xét, giải quyết bồi thường mà diện tích dân đang canh tác.
Công ty Đại Việt thực hiện việc nạo vét lòng hồ nhưng hiện nay nhiều nơi sa lầy, bùn lội mà Công ty Đại Việt lại không khai thác nạo vét mà chỉ nạo vét ở khu vực mỏ cát, đề nghị kiểm tra xem xét.
“Chúng tôi không hiểu sao cơ quan thẩm quyền lại cấp phép nạo vét Hồ Núi Cốc bởi người dân thấy rất rõ, Công ty Đại Việt hàng ngày dùng tàu cuốc để khai thác cát sỏi, chất cao như núi, bán ra thị trường thu lợi nhuận lớn. Còn nạo vét, người dân chưa bao giờ nhìn thấy 1m3 đất bùn thải được Công ty Đại Việt đưa lên từ khu vực lòng hồ tới các bãi thải”. – Bà Dương Thị Lục (xóm Bẫu Châu) bức xúc cho biết thêm.
Tại biên bản họp, ngày 21/6, ông Phạm Duy Hùng – Chủ tịch UBND huyện Đại Từ kết luận: “Tiếp thu các ý kiến, kiến nghị của các hộ dân và giao cho các cơ quan chuyên môn giải quyết theo đúng quy định của Pháp luật. Việc nhân dân dựng lán trại tại khu vực đường vào bãi chứa vật liệu của Công ty Đại Việt là không đúng theo quy định của Pháp luật… Căn cứ vào quy định tại điều 82 Luật Đất đai năm 2013 thì phần diện tích đất thuộc lòng Hồ Núi Cốc (dưới cos 46,25) do nhà nước quản lý không được cấp GCN QSD đất và không được bồi thường, hỗ trợ khi nhà nước thu hồi đất…”
Công ty Đại Việt đang thực hiện dự án nạo vét kết hợp với tận thu sản phẩm cát, sỏi lòng Hồ Núi Cốc: Số liệu khảo sát địa hình, địa chất dự án nạo vét cho thấy khối lượng nạo vét trong 15 năm trên 11 triệu m3. Trong đó, có hơn 9,4 triệu m3 là cát, sỏi; bùn các loại chỉ có hơn 1 triệu m3; phương tiện thực hiện dự án nạo vét chủ yếu là tàu cuốc…, tổng mức đầu tư của DA hơn 101 tỉ đồng trong khi nguồn lợi thu được từ việc bán cát sỏi lên tới gần 900 tỉ đồng. Như vậy, thực hiện dự án, Công ty Đại Việt sẽ có lợi nhuận gần 800 tỉ đồng. Đây quả là một món lợi khổng lồ!. Có thể nói, thực hiện dự án này, Công ty Đại Việt đã nhận được quá nhiều sự ưu ái của tỉnh Thái Nguyên, trong khi đó, số tiền Công ty Đại Việt sẽ đóng góp vào ngân sách tỉnh Thái Nguyên lại chưa đến 19 tỉ đồng.
… khó kiểm soát khối lượng tài nguyên khai thác!
Trao đổi với PV báo PLVN, ông Nguyễn Bá Chính – Phó giám đốc Sở TN&MT Thái Nguyên cho biết: Dự án nạo vét Hồ Núi Cốc được UBND tỉnh Thái Nguyên giao cho Sở NN&PTNT chủ trì, vai trò của Sở Tài nguyên trong dự án chỉ là kiểm tra giám sát về đất đai, bồi thường GPMB và những tác động đến môi trường trong quá trình triển khai thực hiện. Việc doanh nghiệp khai thác được bao nhiêu cát, sỏi hay các loại khoáng sản khác Sở TN&MT không quản lý và thuế tài nguyên doanh nghiệp sẽ phải nộp bao nhiêu Sở cũng không nắm rõ.
“Đây là dự án nạo vét lòng Hồ Núi Cốc kết hợp tận thu sản phẩm. Hàng tháng, cơ quan quản lý dựa trên kê khai và nộp thuế tài nguyên, phí môi trường của Công ty Đại Việt để nắm bắt tình hình thực hiện dự án nạo vét lòng hồ Núi Cốc. Cái khó dự án nạo vét này là thực tế cơ quan quản lý khó giám sát, kiểm soát được việc doanh nghiệp thực hiện dự án nạo vét với khối lượng chính xác các sản phẩm là bao nhiêu, có kê khai, nộp thuế tài nguyên nạo vét đúng với trữ lượng thu được hay không?” – ông Chính băn khoăn cho biết thêm.
Phải khẳng định chủ trương nạo vét lòng Hồ Núi Cốc là đúng và hết sức cần thiết. Tuy nhiên, cách thức triển khai khiến dư luận băn khoăn và cho rằng, ai đã “vẽ” ra cho Công ty Đại Việt dự án nạo vét tận thu sản phẩm để “núp bóng” khai thác mỏ khoáng sản lòng Hồ Núi Cốc?.
Báo Pháp luật Việt Nam tiếp tục thông tin đến bạn đọc.