Nông sản khó xuất vì đồng ruộng “ngập” vỏ chai thuốc BVTV

ThienNhien.Net – Thay vì bị vứt bừa bãi trên đồng ruộng, thả xuống dòng sông, kênh, rạch…, gần đây mỗi vụ lúa ở ĐBSCL đã có khoảng 35 tấn vỏ chai, bao bì thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) được thu gom và tiêu hủy đúng cách. Kết quả này là nỗ lực của nông dân và ngành BVTV trong chương trình “Cùng nông dân bảo vệ môi trường”.

Nông sản khó xuất khẩu vì… vỏ chai

Ông Lê Quốc Cường – Giám đốc Trung tâm BVTV phía Nam thông tin, nhiều năm qua, thói quen vứt bừa bãi vỏ bao bì, chai nhựa thuốc BVTV ngay trên đồng sau khi sử dụng đã dẫn tới tình trạng ô nhiễm môi trường sản xuất. Các loại vỏ chai, bao bì thuốc BVTV còn chứa dư lượng các chất độc hại ngấm vào đất và nguồn nước, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người và đời sống của các loài sinh vật.


Lực lượng chức năng cùng nông dân thu gom vỏ chai thuốc BVTV trên đồng ruộng tại An Giang. Ảnh: T.H

Việc sử dụng tràn lan rồi vứt rác thải các sản phẩm thuốc BVTV ra đồng cũng dẫn tới tình trạng tồn dư lượng thuốc BVTV trong nông sản, ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng cũng như bị các đối tác xuất khẩu từ chối nhập hàng trong thời gian qua.

 Thống kê của Bộ NNPTNT, mỗi năm, Việt Nam sử dụng từ 15.000 – 25.000 tấn thuốc BVTV. Bình quân mỗi ha gieo trồng sử dụng 0,4 – 0,5kg thuốc BVTV. Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên – Môi trường) cũng xác định, mỗi năm, Việt Nam phát sinh khoảng 9.000 tấn chất thải nông nghiệp nguy hại, chủ yếu là thuốc BVTV.

Ông Hoàng Trung – Cục trưởng Cục BVTV, thừa nhận, nông sản Việt Nam dù có chất lượng tốt, được nhiều “bạn hàng” trên thế giới ưa chuộng, tuy nhiên, trở ngại lớn nhất trong xuất khẩu nông sản hiện nay là dư lượng thuốc BVTV và các loại kháng sinh độc hại. Đã có nhiều nông sản xuất khẩu bị đối tác cảnh báo như thủy sản, lúa gạo, trái cây…

Trong khi đó, theo tính toán của ông Võ Thanh Tân – Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt – BVTV An Giang, trung bình mỗi ha sản xuất lúa 3 vụ/năm, nông dân sẽ thải ra môi trường khoảng 1,7kg vỏ bao bì thuốc BVTV. Chỉ tính riêng huyện Thoại Sơn, với 40.000ha làm 3 vụ lúa, mỗi năm sẽ có khoảng 68 tấn vỏ bao bì độc hại thải ra môi trường.


Phần lớn trên các vỏ bao bì đều cảnh báo về yếu tố độc hại của thuốc BVTV và phải sử dụng đúng cách để tránh ảnh hưởng đến con người và môi trường. Ảnh minh họa

Do đó, nếu không có biện pháp xử lý một cách thích hợp sẽ làm cho môi trường ô nhiễm ngày càng nặng, rất khó khắc phục. Trong 5 năm qua, Trung tâm BVTV phía Nam cùng nông dân các tỉnh đã thu gom mỗi vụ lúa trên 10 tấn vỏ chai thuốc BVTV đem đi tiêu hủy. Cùng với Tập đoàn Lộc Trời, gần 35 tấn bao bì thuốc BVTV đã qua sử dụng ngoài đồng ruộng được thu gom, tiêu hủy đúng quy định.

Hướng tới môi trường

Theo nhận định của một số chuyên gia, việc không tuân thủ các nguyên tắc an toàn khi sử dụng thuốc BVTV, vứt rác bừa bãi trên đồng ruộng… đã khiến việc quản lý tồn dư hoạt chất độc hại trong nông sản gặp nhiều khó khăn. Trong 5 năm qua, chương trình “Cùng nông dân bảo vệ môi trường” đã được Cục BVTV, Trung tâm BVTV phía Nam, Tập đoàn Lộc Trời cùng 22 Chi cục BVTV các tỉnh phía Nam thực hiện nhằm hướng dẫn nông dân thu gom, tiêu hủy đúng cách rác thải độc hại trên đồng ruộng.

Kết quả, chương trình đã tổ chức tập huấn cho hơn 500.000 nông dân ở 22 tỉnh, thành về bảo vệ môi trường, xây dựng 83 mô hình sản xuất tiên tiến áp dụng các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp, phát triển mô hình “ruộng lúa bờ hoa”, giảm sử dụng phân bón và thuốc hóa học, từ đó, nâng cao thu nhập cho nông dân…


Các lọ thuốc bảo vệ vứt bừa bãi sau khi sử dụng đã được người nông dân thu gom để tiến hành tiêu hủy. Ảnh: P.V/Vietnam+

Theo nhận định của ông Cường, các mô hình này đang đem lại hiệu quả cao ở An Giang, giúp tăng lợi nhuận từ 2,5 – 3 triệu đồng/ha và giảm giá thành sản xuất 8 triệu đồng/ha. Mô hình “ruộng lúa bờ hoa” giúp thu các hút thiên địch có lợi, từ đó, giảm chi phí sử dụng thuốc BVTV để trừ sâu, bệnh, giảm công phun xịt…

Giai đoạn 2 của chương trình sẽ có chủ đề “Nông sản an toàn” với sự đồng hành của 15 doanh nghiệp sản xuất – kinh doanh thuốc BVTV tại các tỉnh phía Nam. Chương trình sẽ lựa chọn các xã NTM phát triển cây trồng chủ lực để đầu tư, hỗ trợ phát triển mô hình HTX kiểu mới, các liên kết sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn…

Theo ông Hoàng Trung, ngành BVTV cũng đang rà soát và giảm số lượng thuốc BVTV gốc hóa học được sử dụng trong nông nghiệp. Hiện tại, trên danh mục có khoảng 4.000 loại, đến năm 2021 sẽ giảm còn 30%. Trong khi đó, ngành sẽ tạo điều kiện để các sản phẩm thuốc BVTV gốc sinh học được đăng ký mới, thương mại hóa trên thị trường.