ThienNhien.Net – Nguồn vốn cấp cho công tác giảm nghèo tại Đắk Lắk mỗi năm cả ngàn tỉ đồng nhưng tỉ lệ hộ nghèo của tỉnh vẫn cứ cao. Thất bại của Chương trình 755 tại tỉnh này là bài học lớn cho công tác xóa đói giảm nghèo
Là tỉnh có tỉ lệ hộ nghèo cao, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 37% nên hằng năm, tỉnh Đắk Lắk được bố trí vốn khá lớn để thực hiện các chương trình hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo và chống tái nghèo trên địa bàn.
Chi ngàn tỉ đồng mỗi năm
Theo báo cáo của Sở Lao Động – Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Lắk, chỉ tính riêng các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, từ đầu năm 2017 đến nay, Đắk Lắk được bố trí hơn 100 tỉ đồng. Nguồn kinh phí này nhằm phục vụ các dự án thuộc chương trình lớn trên, trong đó có Chương trình 135 về hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất cho các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, các thôn, buôn đặc biệt khó khăn.
Bên cạnh đó, trung ương cũng bố trí cho tỉnh Đắk Lắk hàng trăm tỉ đồng mỗi năm để thực hiện chính sách giảm nghèo chung theo Nghị quyết 80/NQ-CP ngày 19-5-2011 của Chính phủ. Trong đó thực hiện nhà ở cho hộ nghèo giai đoạn 2 (2016-2017), tỉnh Đắk Lắk đã hỗ trợ xây dựng hơn 1.000 căn nhà cho hộ nghèo. Đối với các chính sách ưu đãi về tín dụng, hỗ trợ khuyến nông, lâm và phát triển thủy sản, hỗ trợ học nghề, hỗ trợ y tế… hằng năm cũng tiêu tốn rất nhiều ngân sách.
Đặc biệt, với mục tiêu giảm nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo, trong giai đoạn 2016-2020, tỉnh Đắk Lắk tập trung triển khai các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2016-2020 theo Quyết định 1722/QĐ-TTg ngày 2-9-2016 của Thủ tướng Chính phủ; Chương trình 135; hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn các xã ngoài Chương trình 30a và Chương trình 135. Một phần ngân sách cũng dành cho các dự án như dự án truyền thông và giảm nghèo về thông tin; dự án nâng cao năng lực và giám sát, đánh giá thực hiện chương trình. Để thực hiện các chương trình, dự án trong giai đoạn 2016-2020, nguồn vốn dự kiến phân bổ cho Đắk Lắk trên 3.900 tỉ đồng, chủ yếu là ngân sách trung ương. Trong đó kinh phí thực hiện các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên 1.046 tỉ đồng; kinh phí thực hiện các chính sách giảm nghèo chung theo Nghị quyết 80/NQ-CP hơn 2.908 tỉ đồng.
Với hàng loạt chương trình, dự án triển khai, nhất là gắn giảm nghèo với xây dựng nông thôn mới nên bộ mặt nông thôn ở Đắk Lắk từng bước thay đổi, đời sống của người dân từng bước được cải thiện.
Bài học từ Chương trình 755
Mặc dù vậy, công tác xóa đói giảm nghèo ở tỉnh Đắk Lắk đối mặt nhiều thách thức. Nghịch lý là dù được cấp ngân sách cho giảm nghèo khá lớn nhưng hiện tỉnh Đắk Lắk có 76.434 hộ nghèo, chiếm 17,83%; 41.377 hộ cận nghèo, chiếm 9,65%. Ngoài những nguyên nhân khách quan như năng lực tiếp cận dự án của hộ nghèo với chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số hạn chế, còn có một nguyên nhân khác là do các chương trình, dự án triển khai thiếu hiệu quả. Điển hình là Chương trình 755.
Năm 2013, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 755/QĐ-TTg (gọi chung là Chương trình 755) về hỗ trợ đất ở, đất sản xuất và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo. Thực hiện quyết định này, ngày 9-10-2014, UBND tỉnh Đắk Lắk ra quyết định phê duyệt Đề án thực hiện chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo ở các xã, thôn, buôn đặc biệt khó khăn. Mục tiêu của đề án là đến năm 2015, phấn đấu giải quyết trên 70% số hộ nghèo chưa có đất ở và thiếu đất sản xuất; cơ bản giải quyết tình trạng thiếu nước sinh hoạt hợp vệ sinh cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn, buôn đặc biệt khó khăn. Tổng kinh phí của đề án khá lớn, trên 743 tỉ đồng, trong đó nguồn vốn trung ương đầu tư 579 tỉ đồng, vốn địa phương 164 tỉ đồng. Sau 1 năm triển khai, đề án đã không thực hiện được mục tiêu đề ra. Nguyên nhân là do một số địa phương không còn quỹ đất hoặc còn nhưng khó khăn trong quá trình chuyển đổi mục đích sử dụng nên nhiều hộ dân chưa được giải quyết. Đến nay, sau gần 3 năm, đề án xem như thất bại hoàn toàn. Theo Ban Dân tộc tỉnh Đắk Lắk, hiện toàn tỉnh chỉ mới cấp đất ở cho 39 hộ trong tổng số 4.900 hộ, chiếm chưa tới 1%. Còn đất sản xuất cũng chỉ cấp được khoảng 1.000 hộ trong tổng số 9.100 hộ, chiếm 11,5%. Theo một lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh Đắk Lắk, với tình hình hiện tại, nếu tiếp tục triển khai Chương trình 755 là hoàn toàn không khả thi.
Và do thất bại của một chương trình lớn, UBND tỉnh Đắk Lắk cho phép các địa phương chuyển sang thực hiện hỗ trợ mua bò sinh sản, mua sắm máy móc nông cụ, đào tạo nghề để chuyển đổi nghề nghiệp… từ kinh phí Chương trình 755.
Hiệu quả từ các dự án, mô hình giảm nghèo bị xé nhỏ này đến đâu thì cần có thời gian kiểm chứng. Tuy nhiên, một khi chủ trương lớn, đúng đắn của Đảng, nhà nước triển khai không sát thực tiễn thì dù có đổ vào ngàn tỉ cũng trôi sông đổ bể. Chương trình 755 là bài học lớn cho tỉnh Đắk Lắk cũng như các địa phương khác trong công cuộc xóa đói giảm nghèo.
Toàn tỉnh Đắk Lắk hiện có 3 huyện có tỉ lệ hộ nghèo trên 50%; 62 xã có tổng tỉ lệ hộ nghèo và cận nghèo từ 45% trở lên. Do đó, mặc dù là tỉnh đạt trên 1 triệu tấn lương thực/năm nhưng dịp Tết nguyên đán vừa qua, tỉnh Đắk Lắk phải cứu đói cho trên 15.000 hộ, hơn 50.000 khẩu với hơn 750 tấn gạo. |