Để không phải chứng kiến người chết do lũ quét, lở đất

ThienNhien.Net – Nhiều năm gần đây chúng ta liên tục phải chứng kiến những tổn thất nặng nề do lũ quét và trượt lở đất. Phải chăng những thảm họa thiên nhiên này là không thể tránh, chúng ta phải chấp nhận sống chung và không có biện pháp nào giảm thiểu thiệt hại?

‘‘Trận lũ quét vừa xảy ra ngày 3/8/2017 tại Sơn La và Yên Bái khiến 34 người chết, mất tích, nhiều khu vực bị chia cắt, thiệt hại rất lớn về tài sản. Theo báo cáo nhanh của các tỉnh Yên Bái, Lai Châu, Sơn La, mưa lũ đã khiến 7 người chết, 27 người mất tích, 12 người bị thương’’ [1].

‘‘Theo Ban chỉ đạo Trung ương phòng chống thiên tai công bố, trong năm 2016, mưa lớn, lũ quét, và trượt lở đất diễn ra ngày càng nghiêm trọng, xảy ra trên 14 tỉnh khu vực miền núi phải Bắc gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Đặc biệt trượt lở đất sau bão số 3 xảy ra tại huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái, khu vực huyện Văn Bản, Tỉnh Lào Cai làm chết và mất tích nhiều người’’[2].

‘‘Trong năm 2015, thiên tai đã làm 154 người chết, trong đó có 94 người chết do lũ, lũ quét và trượt lở đất, 1.242 nhà bị đổ, sập là những con số cũng do Ban chỉ đạo cung cấp’’ [3].

Trên đây là những tổn thất nặng nề do lũ quét và trượt lở đất không chỉ 3 năm trở lại đây mà còn nhiều năm qua chúng ta đau đớn phải chứng kiến. Lũ quét thường xảy ra trong khoảng thời gian rất ngắn, từ vài phút cho đến khoảng vài giờ đồng hồ. Lũ quét phá hủy mọi thứ trên đường đi của nó, là nguyên nhân gây ra trượt lở đất, gây ra những thiệt hại về người và của cải.

Hầu hết lớn các trận lũ quét đều xảy ra vào tháng 8 hàng năm tại các tỉnh vùng núi phía Bắc. Phải chăng những thảm họa thiên nhiên này là không thể tránh khỏi, chúng ta phải chấp nhận và không có biện pháp nào giảm thiểu được thiệt hại? Câu trả lời cần được giải quyết bởi các bên liên quan như chính quyền địa phương, cơ quan chuyên trách và các nhà khoa học.

Thị trấn Mù Cang Chải nham nhở sau cơn lũ quét. Ảnh: VietNamNet

Tại sao thường xảy ra ở vùng núi Tây Bắc?

Lũ quét và trượt lở đất xảy ra ở vùng núi Tây Bắc do rất nhiều yếu tố. Trong đó, có hai yêu tố quan trọng nhất là lượng mưa lớn trong thời gian dài và độ dốc lớn. Theo các kết quả nghiên cứu, lũ quét thường xảy ra sau khi mưa lớn khoảng 6 giờ đồng hồ [4]. Số liệu khí tượng thủy văn trong nhiều năm qua cho thấy, thời gian mưa bình quân ở vùng núi Tây Bắc hơn 3 giờ đồng hồ với lượng mưa trung bình khoảng từ 120 đến 210 mm [5]. Như vậy, khả năng xảy ra lũ quét ở vùng này có nguy cơ rất cao và thường xuyên.

Độ dốc lớn cũng là một yếu tố quan trọng góp phần gây ra lũ quét và trượt lở đất. Bên cạnh độ dốc tự nhiên của bề mặt địa hình, độ dốc ở Tây bắc nói chung còn do con người tạo ra. Dọc theo các chân núi, người dân bạt chân núi để làm nhà, tạo các mái taluy có độ đốc vào khoảng từ 80 – 90 độ mà không được gia cố hệ thống kè chắn. Với độ dốc như vậy cộng với kết cấu đất đã bị phá vỡ do tác động của con người và lớp phủ bề mặt suy thoái đã làm tăng nguy cơ trượt lở.

Thêm vào đó, nạn chặt phá rừng đầu nguồn để khai thác gỗ, khoáng sản, xây dựng thuỷ điện, phát triển nông nghiệp… làm cho thảm thực vật trên lưu vực ngày càng suy thoái. Theo báo cáo của UNDP năm 2012, kể từ năm 1945, diện tích che phủ của rừng ở Việt Nam đã giảm từ 43% xuống còn khoảng 28%[6]. Do đó, cường độ của lũ lụt đi nhanh, mực nước dâng cao rất nhanh, mất đi khả năng điều tiết nước thượng nguồn khi mưa lớn, đây là một nguyên nhân khiến lũ quét và trượt lở đất ngày thêm trầm trọng.

Chẳng lẽ tiếp tục chứng kiến nhà đổ, người chết do lũ, Việt Nam đã nghiên cứu, đầu tư xây dựng các trạm cảnh báo sớm lũ dọc lưu vực sông tại Yên Bái năm 2005 và Lào Cai năm 2008, các dự án này do Bộ TN&MT thực hiện. Nguyên lý hoạt động của các trạm cảnh báo này là tự động đo lượng mưa, khi lượng mưa đạt đến mức độ có nguy cơ gây ra lũ quét, các trạm này sẽ tự động hú còi để báo cho người dân biết. Tuy nhiên, từ khi lắp đặt hệ thống trên chưa bao giờ phát tín hiệu báo động lũ (Yên Bái) hoặc phát báo động giả làm cho người dân không mất lòng tin vào các cảnh báo này (Lào Cai) [7].

Các kết quả nghiên cứu khoa học ứng dụng cả trong và ngoài nước về lũ quét và trượt lở đất khu vực vùng núi Tây Bắc cũng được thực hiện từ rất sớm. Một loạt các mô hình dự báo nguy cơ xảy ra lũ quét và trượt lở đất theo các mức độ nguy hiểm, một số các mô hình này đã được chuyển giao cho địa phương. Khi chồng ghép với bản đồ dân cư, chúng ta sẽ biết được những khu vực người dân sinh sống nào bắt buộc phải di dời. Tuy nhiên, chưa thấy có bất kỳ động thái gì về việc ứng dụng các mô hình này tại các tỉnh vùng núi phía Bắc.

Vì vậy, cần thiết phải có các biện pháp được thực thi đồng bộ từ công tác phòng chống và giảm nhẹ của các bên liên quan cả về công cụ chính sách, chế tài và các công cụ hỗ trợ tin cậy trong việc ra quyết định, làm giảm thiệt hại về người và tài sản khi có thiên tai xảy ra.

Đối với các nhà khoa học, cần phải nhanh chóng cập nhật số liệu mới cho các mô hình dự báo, chạy lại mô hình và công bố bản đồ nguy cơ cho địa phương các tỉnh vùng núi Tây Bắc.

Đối với chính quyền địa phương, đề nghị xem xét ứng dụng các kết quả của mô hình dự báo đưa ra trong việc quy hoạch sử dụng đất, bắt buộc di dời những khu vực dân cư nằm trong khu vực cảnh báo có nguy cơ xảy ra lũ quét và trượt lở đất.

Đối với cơ quan chuyên môn (Bộ TN&MT, Bộ NN&PTNT), cần thiết phải nâng cấp hệ thống cảnh báo sớm đã xây dựng trong trường hợp còn có thể tái sử dụng hoặc xây dựng hệ thống cảnh báo mới có mức độ tự động cao hơn, ghi nhận nhiều dữ liệu đầu vào, phát tín hiệu khẩn cấp qua phương tiện truyền thông và thiết bị liên lạc, hoạt động liên tục toàn thời gian.

Thiên tai là bất định, thiệt hại là vô cùng, chỉ khi chú trọng vào những biện pháp phòng chống và cảnh báo sớm, chúng ta sẽ không còn chứng kiến những mát như hiện nay.


Tham khảo

[1] Vietnamnet, 2017. Lũ quét cuốn phăng mọi thứ, 34 người chết, mất tích.

[2] Ban chỉ đạo Trung ương phòng chống thiên tai, 2017. Báo cáo Tổng kết công tác chỉ đạo điều hành phòng chống thiên tai năm 2016 và kế hoạch công tác năm 2017.

[3] Ban chỉ đạo Trung ương phòng chống thiên tai, 2016. Báo cáo Tổng kết công tác chỉ đạo điều hành phòng chống thiên tai năm 2015 và kế hoạch công tác năm 2016.

[4] NOAA, 1992. Flash flood and floods.

[5] Cổng TTĐT Yên Bái, 2016. Khí Hậu.

[6] UNDP, 2015. Báo cáo quốc gia: Kết quả 15 năm thực hiện các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ của Việt Nam.

[7] Tuổi trẻ, 2008. Trạm cảnh báo lũ: có cũng như không, Tuổi trẻ, 16/08/2008.