ThienNhien.Net – Đại sứ Mỹ Ted Osius khẳng định Mỹ cam kết sát cánh cùng Việt Nam tìm ra các biện pháp để bảo vệ sức khỏe con người, phát triển kinh tế và bảo tồn các tài nguyên thiên nhiên cần thiết cho sự sống.
Phát biểu tại tại Hội thảo Cộng đồng Nghiên cứu Việt Nam do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức sáng nay tại Hà Nội, Đại sứ Ted Osius cho biết Mỹ ủng hộ hoạt động nghiên cứu khoa học trong các dự án với các đối tác tại Việt Nam như Đại học Khoa học Tự nhiên, Chương trình Chống lao Quốc gia và Đại học Quốc gia…
Trong khuôn khổ các chương trình này, các nhóm nghiên cứu gồm các nhà khoa học Mỹ và Việt Nam được thành lập để tìm ra các tiếp cận mới nhằm cải thiện chính sách và thúc đẩy mục tiêu phát triển chung bền vững.
Các nhà khoa học Việt Nam và Tổ chức Khoa học Quốc gia Mỹ đang chung sức tăng cường sức chống chịu của các cộng đồng ven biển và vùng châu thổ ở Việt Nam. Bên cạnh đó, họ cũng đang sử dụng công nghệ ADN để cải thiện việc quản lý nguồn thủy sản mà các cộng đồng đang đánh bắt mà vẫn bảo vệ được tính đa dạng của vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Theo Đại sứ Ted Osius, người sắp kết thúc nhiệm kỳ 3 năm tại Việt Nam, các nhà nghiên cứu đang tìm ra các nguồn năng lượng sạch mới và giảm chi phí sản xuất điện từ các nguồn năng lượng tái tạo, cũng như cải thiện năng suất nông nghiệp và quản lý đất đai.
Tại hội thảo, các nhóm của hai nước lần lượt trình bài các dự án nghiên cứu về chất lượng không khí, nước ngầm, bảo tồn đa dạng sinh học, chống mua bán bất hợp pháp động vật hoang dã bằng khoa học ADN, phòng chống bệnh lao, và đề xuất chính sách cho quản lý nguồn nước và giảm nhẹ thiên tai.
Nhân dịp này, Đại sứ Ted Osius đã công bố một khoản tài trợ trong khuôn khổ Chương trình Quan hệ Đối tác Thúc đẩy Tham gia Nghiên cứu (PEER) cho Tiến sĩ Ngô Thị Thúy Hường và nhóm nghiên cứu thuộc Viện Khoa học địa chất và khoáng sản.
Dự án này sẽ tập trung nghiên cứu giải pháp sáng tạo ứng dụng cỏ vetiver trong phục hồi đất ô nhiễm dioxin tại sân bay Biên Hòa. Phương pháp sử dụng cây xanh để xử lý đất ô nhiễm đã được Thái Lan sử dụng tại nước này.