ThienNhien.Net – Hiện tượng trái đất ngày càng nóng dần lên sẽ gây tác động vô cùng to lớn đến châu Á và châu Đại Dương.
Báo cáo tổng kết gần đây của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Viện Nghiên cứu Khí hậu Potsdam (PIK) của Đức dự đoán khu vực châu Á- Thái Bình sẽ phải hứng chịu những hậu quả nặng nề do sự biến đổi khí hậu.
Năm 2016, ngân hàng ADB đã đầu tư 3,7 tỉ USD cho những sáng kiến tháo gỡ vấn đề biến đổi khí hậu và kinh phí này dự kiến sẽ tăng lên 6 tỉ USD vào năm 2020. Hãng Phát thanh và Truyền hình Quốc tế Đức (DW) đã có cuộc trò chuyện với bà Kira Vinke, chuyên gia nghiên cứu thuộc viện PIK, về nguyên nhân vì sao khu vực này đặc biệt chịu ảnh hưởng bởi sự biến đổi khí hậu.
Tại sao khu vực châu Á – Thái Bình Dương lại chịu ảnh hưởng bởi những hậu quả của sự biến đổi khí hậu thời tiết mạnh đến vậy?
Có hai nguyên nhân chính. Trước hết, có những khu vực tại châu Á dễ chịu tổn thương về mặt địa lý, ví dụ các khu vực châu thổ sông lớn hay khu vực Himalaya là nguồn cung cấp nước sạch cho trên 1 tỉ dân. Nguyên nhân thứ hai đó là tại châu Á có một bộ phận lớn dân cư nghèo sống ở các khu vực rủi ro như Bangladesh, nước vốn hay phải hứng chịu các cơn bão nhiệt đới đang ngây ra lũ lụt thảm khốc hơn bao giờ hết.
Các kịch bản nào đã được mô phỏng trong báo cáo mới nhất của ADB?
Chúng tôi đã so sánh hai kịch bản trong báo cáo này. Kịch bản thứ nhất được định hướng để đạt các mục tiêu đề ra trong Hiệp định Paris về hạn chế sự nóng lên của trái đất ở mức dưới 2 độ C. Chúng tôi còn hình dung ra một kịch bản thứ hai, trong đó mọi thứ tiếp tục diễn ra như trước đây và tnhiệt độ toàn cầu sẽ tăng lên khoảng 4 độ C vào cuối thế kỷ này. Đối khu vực đất đai rộng lớn ở châu Á, điều đó có nghĩa là nhiệt độ trung bình sẽ tăng khoảng 6 độ C. Khi đó, con người không thể thích nghi với cái nóng này. Ví dụ, như tại New Delhi, hiện nay khi nhiệt độ ngoài trời là 45 độ C thì hầu như không thể ở ngoài trời nếu không có phương tiện chống nắng.
Điều này có ý nghĩa như thế nào đối với sự tăng tốc phát triển tại châu Á trong những năm gần đây?
Tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương trên thực tế có một số thành công lớn trong công cuộc xoá đói, giảm nghèo và cứu trợ khi có thiên tai. Song những hậu quả của sự biến đổi khí hậu có thể kìm hãm tốc độ phát triển này.
Ví dụ, các số liệu cho thấy sự biến đổi khí hậu nếu không thuyên giảm có thể làm tăng lượng mưa đến 50¨% ở nhiều nước trong khu vực này, đồng thời giảm lượng mưa tại các nước như Afghanistan và Pakistan. Sản lượng gạo tại một số nước có thể giảm một nửa trước năm 2100. Những hiện tượng thời tiết khắc nghiệt như siêu bão Haiyan sẽ diễn ra thường xuyên hơn. Điều này có nghĩa là chúng ta sẽ phải chiến đấu trên cả hai trận địa chống nghèo đói và biến đổi khí hậu. Không có cuộc chiến nào trong đó có thể thành công nếu không song hành cùng nhau.
Các nước trong khu vực đã áp dụng những biện pháp nào để giải quyết các hậu quả của sự biến đổi khí hậu?
Chưa có một câu trả lời chung cho mỗi nước. Song sự thực là một phần lớn các khí thải toàn cầu phát sinh từ hoạt động sản xuất tại châu Á và những hàng hoá được tiêu thụ tại phương Tây. Các quốc gia châu Á hầu hết sẵn sàng gánh trách nhiệm. Điều này được phản ánh qua thực tế là các nước như Trung Quốc và Ấn Độ ủng hộ các mục tiêu về khí hậu.
Châu Á đã có nhận thức về biến đổi khí hậu, song các biện pháp cụ thể nào được áp dụng?
Điều này cũng có sự khác biệt lớn theo khu vực. Có những khu vực tiên phong như Palawan ở Philippines đã quyết định chuyển đổi hoàn toàn sang dùng năng lượng tái sinh. Song cũng có những nước không duy trì các tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường và khí hậu. Chúng ta thấy điều này qua tình trạng ô nhiễm tại Ganges (Ấn Độ). Các quy định đã được ban hành song công tác thực thi ít thành công vì nó có thể đe doạ đến kế sinh nhai của nhiều người.
Cuộc chiến giảm phát thải còn bị cản trở bởi những yếu tố kinh tế. Ví dụ, rõ ràng rằng chúng ta không thể tiếp tục mãi xây dựng bằng sắt và xi măng vì hoạt động sản xuất các nguyên liệu này đòi hỏi mức phát thải vô cùng lớn. Các thành phố tương lai đang được xây dựng tại châu Á không thể xây dựng như trước đây. Chúng ta cần xây dựng bằng gỗ hoặc sợi carbon.
Qua trải nghiệm của mình tại châu Á, bà tiên liệu gì về hậu quả của sự biến đổi khí hậu?
Tôi đã có mặt ở Bangladesh để thực hiện công trình nghiên cứu của mình và tôi đã nói chuyện với những người cần di cư vì bão khắc khiệt và vì đất của họ bị ngập úng hay muối phá huỷ. Họ buộc phải chuyển đến các khu nhà ổ chuột ở các thành phố lớn. Tôi đã tới thăm một số người và hỏi liệu họ có nghĩ môi trường đang thay đổi và họ hoàn toàn nhất trí với ý kiến này. Mưa không còn đều đặn. Sau các giai đoạn khô hạn kéo dài là mưa lũ. Hầu hết những người này có trình độ học vấn thấp và không được giải thích điều gì đang diễn ra với khí hậu nơi mình sống và đó là điều nguy hiểm. Những người này không nhận ra rằng cơn bão tiếp theo dâng lên có thể tăng gấp đôi về quy mô.
Điều gì có thể được thực hiện để đối phó với tình trạng này?
Tôi nghĩ những nước phát ra nhiều khí thải cần có trách nhiệm giúp đỡ các nước nhỏ hơn, ví dụ, thông qua chuyển giao công nghệ. Các nước nghèo nhất như Bangladesh sản xuất hàng hoá giá rẻ cho phương Tây mà không đóng góp vào những lợi ích tăng trưởng kinh tế. Ngược lại, những khoản lợi nhuận “khủng” thu được tại phương Tây đang sản sinh ra một lượng lớn khí phát thải đang gây ảnh hưởng tiêu cực lớn đến người dân Bangladesh. Vì thế, có thể nói rằng châu Á đang phải trả giá vì những phát thải do phương Tây.