ThienNhien.Net – Nhận chìm ở biển là một nội dung không thể thiếu trong bảo vệ môi trường biển và hải đảo. Nhiều chất thải, vật thải như bùn cát nạo vét khi xây dựng cảng, duy trì luồng tàu, tàu thuyền cũ, hỏng… không thể thải ở trên bờ mà phải nhận chìm ở biển.
Do vậy, việc nhận chìm ở biển đã được cho phép trong luật pháp quốc tế và luật pháp của nhiều nước. Trong đó Công ước về ngăn ngừa ô nhiễm biển do nhận chìm các chất thải và các chất khác được thông qua ngày 29/12/1972, tại cuộc họp Liên chính phủ tổ chức tại Luân Đôn (Anh) với sự tham dự của hơn 90 quốc gia (Công ước Luân Đôn).
Đây là công ước mang tính toàn cầu nhằm ngăn chặn việc nhận chìm chất thải và các chất khác có thể ảnh hưởng xấu tới môi trường biển. Bởi vậy, vấn đề đặt ra là việc phân vùng khu vực biển sử dụng để nhận chìm cần dựa trên các tiêu chí về các điều kiện tự nhiên, kinh tế – xã hội, an ninh – quốc phòng, thỏa mãn tính tổng thể hài hòa và lựa chọn phương án tối ưu nhất để không ảnh hưởng đến tài nguyên và môi trường biển.
Hoạt động nhận chìm ở biển trên thế giới
Theo nhận xét của Tiến sĩ Đào Văn Hiền, Cục Kiểm soát Tài nguyên và Bảo vệ môi trường biển, hải đảo (Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam): Do nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội, một lượng lớn vật, chất được cấp phép cho nhận chìm ở biển theo quy định của Công ước Luân Đôn 1972 và Nghị định thư 1996. Đó là vật liệu nạo vét, các chất hữu cơ có nguồn gốc tự nhiên, bùn thải, chất thải từ thủy sản và các hoạt động chế biến thủy sản, tàu thuyền, giàn nổi…
Tuy vậy, theo số liệu của Tổ chức Hàng hải quốc tế năm 2016, vật liệu nạo vét chiếm khoảng 80-90% các vật, chất được phép nhận chìm, với khoảng 250-500 triệu tấn được cấp phép nhận chìm ở biển hàng năm. Báo cáo của Tổ chức Hàng hải quốc tế năm 2013 đã chỉ ra rằng, một số nước ở châu Âu có khối lượng nhận chìm vật liệu nạo vét lớn như Bỉ (khoảng 20-50 triệu tấn/năm), Pháp, Hà Lan (khoảng 20 triệu tấn/năm).
Mỹ cũng là nước nhận chìm vật, chất xuống biển với khối lượng khoảng 27 triệu tấn vật liệu nạo vét xuống biển; Canada có khoảng 3-4 triệu tấn vật liệu được nhận chìm ở biển; Braxin khoảng 19,7 triệu tấn vật liệu nạo vét xuống biển.
Ngoài vật liệu nạo vét, một số nước vẫn cho phép nhận chìm chất trơ và chất thải từ chế biến thủy sản xuống biển. Năm 2014, Na Uy cho phép khoảng 3,1 triệu tấn chất trơ được nhận chìm xuống biển. Năm 2013, Vương Quốc Anh cho phép khoảng 1.200 tấn chất thải từ thủy sản và hoạt động chế biến thủy sản được nhận chìm xuống biển.
Như vậy có thể thấy, nhu cầu và thực trạng nhận chìm vật, chất xuống biển tại các quốc gia trên thế giới là rất lớn, do vậy cần có giải pháp quản lý phù hợp để đảm bảo việc nhận chìm không gây ra các tác động tiêu cực đến môi trường biển nhưng vẫn đảm bảo các hoạt động phát triển kinh tế – xã hội.
Cơ chế pháp lý
Theo Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, “nhận chìm” là sự trút bỏ có ý thức xuống biển các chất thải, hoặc các chất khác từ tàu thuyền, phương tiện, giàn nổi hoặc công trình khác được bố trí ở biển.
Theo Điều 210 của Công ước Luân Đôn, các quốc gia phải thông qua các luật và quy định về phòng ngừa, hạn chế và ngăn chặn ô nhiễm môi trường biển do sự nhận chìm, đồng thời thi hành tất cả các biện pháp cần thiết để ngăn ngừa, hạn chế ô nhiễm. Các luật, quy định và biện pháp phải bảo đảm không có sự nhận chìm nào không được cơ quan có thẩm quyền cho phép.
Tại Việt Nam, trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2014, Điều 50 về kiểm soát, xử lý ô nhiễm môi trường biển và hải đảo quy định: “Việc nhận chìm, đổ thải ở biển và hải đảo phải căn cứ vào đặc điểm, tính chất của loại chất thải và phải được phép của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền”. Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo quy định từ Điều 57 đến Điều 62 về nhận chìm ở biển.
Với vấn đề phân vùng khu vực biển sử dụng để nhận chìm, Luật đã lồng ghép nội dung về phân vùng khai thác, sử dụng tài nguyên vùng bờ; các phân vùng này sẽ được quy định chi tiết trong Quy hoạch tổng thể khai thác sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ. Theo Luật, nguyên tắc của phân vùng khai thác, sử dụng tài nguyên vùng bờ và khu vực biển sử dụng để nhận chìm được quy định tại Điều 33 về nguyên tắc phân vùng khai thác, sử dụng tài nguyên vùng bờ.
Việc phân vùng cần dựa trên các tiêu chí về các điều kiện tự nhiên, kinh tế – xã hội, an ninh – quốc phòng; thỏa mãn tính tổng thể hài hòa và lựa chọn. Một số khó khăn, vướng mắc trong việc phân vùng khu vực biển sử dụng để nhận chìm hiện nay là văn bản quy phạm pháp luật về việc nhận chìm chưa hoàn chỉnh.
Việc phân vùng biển sử dụng để nhận chìm mới chỉ được quy định trong Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo mà chưa có các quy định dưới Luật để hướng dẫn, do vậy việc áp dụng nội dung này vào thực tế vẫn còn khó khăn. Các số liệu điều tra cơ bản phục vụ phân vùng biển nói chung vẫn chưa đầy đủ, đồng bộ nên chưa tạo ra sự tin cậy trong kết quả phân vùng.
Mặt khác, việc phân vùng khu vực biển sử dụng để nhận chìm được xây dựng với mục đích hài hòa nhu cầu phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường. Do vậy, việc phân vùng rất khó có sự đồng thuận của các bên liên quan.
Các tiêu chí phân vùng:
Theo đề xuất của chuyên gia Hà Thanh Biên, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam: Việc phân vùng khu vực biển sử dụng để nhận chìm cần dựa trên các tiêu chí như lựa chọn khu vực biển sử dụng để nhận chìm. Trong đó, việc đánh giá thông tin cơ bản về tài nguyên môi trường biển khu vực nghiên cứu phải được thu thập đầy đủ, với các số liệu về đặc điểm vật lý, hóa học, sinh học của khối nước và đáy biển khu vực biển nghiên cứu; giá trị vị thế và giá trị sử dụng của khu vực biển đó (ví dụ, các khu vực biển gần bờ, hoặc có tiềm năng sử dụng cho các luồng tàu, khu vực chuyển tiếp hàng hải, khu vực đánh cá, du lịch…); đánh giá các dòng chảy kết hợp với khảo sát thông lượng các chất thải tại khu vực biển; tính khả thi về kinh tế và kỹ thuật thi công trong quá trình nhận chìm. Các khu vực biển sử dụng để nhận chìm phải được thiết kế tại khu vực gần nơi phát sinh các chất nhận chìm như nạo vét luồng hàng hải, xử lý các chất thải rắn, các công trình, tàu thuyền trên biển… Hoạt động này tập trung chủ yếu tại các khu vực như cảng biển, khu công nghiệp, khu dân cư. Vật liệu nhận chìm không được vận chuyển quá xa để giảm giá thành khoảng cách. Do vậy, khi phân vùng sử dụng biển cho các hoạt động như cảng hàng hải, khu dân cư ven biển, công nghiệp, các công trình trên biển… cần bố trí phân vùng khu vực biển sử dụng để nhận chìm với một khoảng cách hợp lý. Cần dự báo được một số biến đổi bất thường ở quy mô lớn như biến đổi khí hậu, các cơn bão… Ngoài ra, để có thêm lựa chọn chính xác khu vực biển sử dụng để nhận chìm cần tiến hành điều tra bổ sung, các thông tin điều tra bổ sung gồm đặc điểm của đáy biển (độ sâu, địa hình, đặc điểm địa hóa, địa chất, thành phần sinh học, hệ sinh thái và các hoạt động khác tác động đến khu vực đáy biển). Tính chất của cột nước (tính chất vật lý; sự phân tầng của cột nước theo độ sâu; tầng mặt và tầng đáy cột nước; đặc điểm sóng, gió; các chất lơ lửng và sự biến đổi các tính chất trên do gió bão và theo mùa). Các đặc tính hóa học và sinh học của cột nước (pH, độ mặn, ôxy hòa tan ở bề mặt và tầng dưới, BOD, COD, các chất dinh dưỡng và năng suất sơ cấp). Các dữ liệu này phải được lập dưới dạng dự báo ngắn hạn và dài hạn, ngoài ra cần xem xét cả các yếu tố khác phát sinh trong quá trình nhận chìm và sau khi nhận chìm. Trong quá trình lựa chọn, phân vùng cũng cần xem xét khoảng cách từ khu vực biển sử dụng để nhận chìm đến các khu vực biển sử dụng cho mục đích khác như các khu vực du lịch, đánh bắt nuôi trồng hải sản, bảo tồn, hàng hải, an ninh – quốc phòng… Khoảng cách này phải được xác định dựa trên điều kiện thực tế đảm bảo nguyên tắc việc nhận chìm không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của các khu vực trên. Kích thước khu vực nhận chìm phải đảm bảo các yêu cầu đủ lớn để chứa các vật liệu nhận chìm, hoặc kiểm soát được các tác động của vật liệu nhận chìm sau khi xả thải. Với các khu vực được quy hoạch để nhận chìm các vật liệu phân tán thì các vật liệu nhận chìm phải giảm kích thước (xay, nghiền) để dễ dàng phân hủy, hòa tan. Kích thước khu vực nhận chìm phải đủ rộng để có thể chứa được tất cả các thành phần của vật liệu nhận chìm; đồng thời phải đảm bảo khả năng chứa các vật liệu nhận chìm trong thời gian được quy hoạch. Song kích thước của khu vực nhận chìm không nên vượt quá khả năng theo dõi, quản lý của các cơ quan chức năng. Công suất của khu vực nhận chìm là năng lực tiếp nhận các vật liệu của khu vực biển và phụ thuộc vào các yếu tố khả năng tiếp nhận vật liệu nhận chìm trên một đơn vị thời gian (ngày, tuần, tháng, năm). Mức độ phân tán của vật liệu trong khu vực nhận chìm cũng như độ sâu cho phép mà tại đó vật liệu bị phân hủy. Khối lượng thay đổi do quá trình vật liệu nhận chìm bị hòa tan vào nước và do việc hợp nhất giữa vật liệu nhận chìm với vật liệu dưới đáy biển. Mặt khác phải xem xét các tác động của nhận chìm, chẳng hạn có phá hủy môi trường sống, hoặc thay đổi địa hình và trầm tích tại các bãi thải; vận chuyển huyền phù từ các bãi thải đến các khu vực nhạy cảm như thảm cỏ biển, rạn san hô; giảm lượng ánh sáng do các trầm tích lơ lửng tác động đến các sinh vật ưa sáng và môi trường sống của chúng. Các chất nhận chìm có làm vùi lấp các sinh vật đáy, gây va chạm với các động vật biển hay làm thay đổi dòng chảy và chế độ sóng. Trong các điều kiện cho phép nhất định, có thể lựa chọn các vị trí nhận chìm để tạo ra các cảnh quan hữu dụng, ví dụ sử dụng vật liệu nhận chìm để tạo ra các doi đất, kè để bảo vệ bờ biển, hoặc các rạn san hô nhân tạo… Về thời gian phân vùng, các điều kiện tự nhiên ở biển tác động đến việc nhận chìm biến đổi rất khó lường, nên việc cấp phép cũng cần phải chú ý đến vấn đề này. Kinh nghiệm ở một số nước phát triển như Canađa, Na Uy, thời gian cấp phép cho một khu vực nhận chìm đổ thải là không quá một năm. Trong trường hợp việc nhận chìm đã có tiền lệ lâu dài hoặc xảy ra hàng năm (duy tu bảo trì các luồng hàng hải, xử lý các chất thải rắn…) thì việc đánh giá khu vực nhận chìm có thể kéo dài trong thời gian 5 năm, nhưng việc cấp phép vùng biển chỉ kéo dài 1 năm, năm tiếp theo sẽ được tiến hành với các thông tin từ lần phân vùng nhận chìm trước đó và các điều kiện xung quanh khu vực nhận chìm. |