ThienNhien.Net – Trước sự phản đối của dư luận xã hội, dự án lấp sông Đồng Nai của Cty Toàn Thịnh Phát đã phải ngừng thi công từ cuối tháng 3/2015. Sau hơn 2 năm trôi qua, khúc sông bị san lấp dang dở này trở thành bãi cỏ dại hoang hóa, cùng rác thải, xác động vật chết đã gây ô nhiễm cho khu dân cư tại phường Quyết Thắng, TP Biên Hòa (Đồng Nai).
Theo ghi nhận của PV Báo Xây dựng, hiện nay đang là mùa mưa, nhưng dự án san lấp sông Đồng Nai sau 2 năm dừng thi công đã trở thành bãi cỏ dại mọc um tùm xen lẫn giữa những đống sắt thép của cầu Ghềnh bị sập được tập kết là cát đá, máy móc, ống cống thoát nước và nhiều vật dụng khác bị bỏ lại trên công trường.
“Những bụi cỏ dại, cùng những vũng nước đọng là môi trường thuận lợi cho ruồi muỗi sinh sôi, phát triển tấn công khu dân cư, làm tăng nguy cơ mắc bệnh sốt xuất huyết đang bùng phát trên diện rộng”, bà Hoàng Thị Thanh, ngụ KP2, đường Cách Mạng Tháng Tám, TP Biên Hòa, Đồng Nai, cho biết.
Ở phía ngoài, khu vực cát đá san lấp dang dở là đủ loại rác, bèo theo nước thủy triều dạt vào. Thảm thực vật đang phân hủy với dòng nước đen ngòm này rất gần với trạm bơm của nhà máy xử lý nước TP Biên Hòa, nơi cung cấp nguồn nước cho hàng vạn hộ dân. Cùng với đó, các hộ dân có nhà ngay sát dự án san lấp sông Đồng Nai dang dở (thuộc KP2, phường Quyết Thắng, TP Biên Hòa) luôn phải chịu cảnh hôi thối bốc lên từ các đám bèo tây, rác, lẫn với xác chết động vật đang phân hủy bị cuốn dạt vào khu vực này.
“Dự án san lấp sông Đồng Nai dang dở dừng thi công đã hơn 2 năm vô tình tạo thành cái eo chứa đủ loại rác, xác chết động vật cùng bèo tây. Khi nước sông lên xuống, rác cứ thế dạt vào, bốc mùi hôi thối gây ô nhiễm môi trường đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống và sinh hoạt của người dân khu vực này”, ông Nguyễn Văn Thanh, nhà ở gần Đình Phước Lư, phường Quyết Thắng, TP Biên Hòa, cho biết.
“Ở phía sau trường Đại học Công nghiệp TP.HCM (cơ sở tại Biên Hòa), nay là trường trung cấp Mai Linh tiếp giáp gần với cù lao xã Hiệp Hòa, trước khi có dự án san lấp sông Đồng Nai là bến sông luôn thu hút người dân tập trung sinh hoạt, ngắm cảnh và hít thở không khí trong lành, nhưng nay, hình ảnh về bến sông thơ mộng đã hoàn toàn biến mất, thay vào đó là mùi hôi thối của rác, bèo, xác động vật chết trôi dạt đang phân hủy cứ thế bốc lên”, ông Thanh, cho biết thêm.
“Tình trạng ô nhiễm làm các hộ kinh doanh nhà hàng, quán ăn, quán cà phê, giải khát như tôi ở ven sông Đồng Nai rơi vào tình trạng ế ẩm, vắng khách bởi cả đoạn sông đang bị ô nhiễm vì dự án lấp sông Đồng Nai dang dở”, đại diện một nhà hàng tại khu vực, cho biết.
Liên quan đến dự án san lấp sông Đồng Nai, ngày 18/7 vừa qua, Văn phòng Chính phủ đã ban hành văn bản số 7509/VPCP-NN truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo đơn vị tư vấn nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông Vận tải, Xây dựng để đánh giá cụ thể, định lượng các tác động của dự án đến sông Đồng Nai và giao về cho địa phương tự quyết. Sau đó, Mạng lưới sông ngòi Việt Nam (VRN) đã gửi văn bản lên Thủ tướng Chính phủ cùng các Bộ, ngành và tỉnh Đồng Nai, kiến nghị dừng dự án cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai.
Theo VRN, dự án cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai là một dự án từng bị dư luận và các nhà khoa học đánh giá sẽ gây nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường, phát triển kinh tế, xã hội tại lưu vực sông Đồng Nai, dẫn tới việc Chính phủ ra quyết định dừng dự án này vào năm 2015. Nay Chính phủ tiếp tục đồng ý cho tỉnh Đồng Nai tự quyết định việc xây dựng dự án sẽ tạo tiền lệ cho việc gia tăng vi phạm và lấn chiếm hành lang thoát lũ, dòng chảy của các con sông của Việt Nam.
VRN cho rằng, sông Đồng Nai hiện đang chịu nhiều áp lực do phát triển, trong đó có việc xây dựng hàng loạt các thủy điện trên dòng chính, dòng nhánh, ô nhiễm nguồn nước do phát triển công nghiệp và đô thị ven sông. Vì thế, bất cứ hoạt động nào can thiệp liên quan đến dòng chính đều có tác động toàn diện đến toàn bộ lưu vực.
VRN dẫn chứng, trong tổng số 8,4ha của dự án thì có đến 7,2ha là do lấn lòng sông Đồng Nai để xây dựng 2 chung cư 25 tầng, 34 biệt thự liền kề và một khu thương mại. Thực chất dự án không phải là một dự án chỉnh trang sông ngòi, cải tạo cảnh quan của con sông mà là dự án lấn chiếm sông, kiếm lợi từ nguồn tài nguyên và không gian chung của cộng đồng dân cư sinh sống tại khu vực này.
Ngoài ra, hiện nay còn nhiều câu hỏi chưa được giải đáp trong đánh giá tác động môi trường (ĐTM). Các báo cáo ĐTM của dự án chưa làm rõ một số vấn đề quan trọng về đặc trưng dòng chảy sông Đồng Nai. Trong khi đó, nằm ở khu vực phía Nam, sông Đồng Nai sẽ phải đối mặt với những diễn biến khí hậu bất thường xảy ra trong tương lai.
Lo ngại với những tác động đã diễn ra và những tác động tiềm tàng có thể làm tiền lệ xấu cho các hoạt động lấn chiếm sông hồ khác, VRN đề nghị Chính phủ và các các tỉnh dọc theo lưu vực sông Đồng Nai dừng hẳn việc thực hiện dự án. Đồng thời, chỉ xem xét thực hiện dự án theo hướng chỉnh trang bờ sông, cảnh quan đô thị trong giới hạn bờ sông Đồng Nai hiện hữu trở vào trong. Ngoài ra, cần sớm giải tỏa những hạng mục đã xây dựng của dự án này để ngăn ngừa những tác động tiêu cực về môi trường trong tương lai.
Dự án The Pagasus Riverside “lấp sông Đồng Nai” thuộc địa bàn phường Quyết Thắng, TP Biên Hòa, đã được UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt và cấp phép thực hiện cho Cty Toàn Thịnh Phát vào năm 2011 có quy mô rộng 8,4 ha, trong đó có hơn 7,2 ha lấn sông Đồng Nai. Chiều dài của dự án kéo dài 1,3 km dọc theo sông Đồng Nai và đoạn rộng nhất lấn ra lòng sông gần 100 mét. Dự án có tổng vốn đầu tư 3.200 tỷ đồng và được Cty Toàn Thịnh Phát khởi công vào tháng 9/2014. Theo hồ sơ dự án, khi hoàn thành nơi đây sẽ là dãy nhà phố, khách sạn năm sao, cao ốc văn phòng, trung tâm thương mại, công viên.