Quảng Ngãi quyết theo thủy điện “siêu nhỏ” 0,7 MW

ThienNhien.Net- Một dự án thủy điện dạng “siêu nhỏ” 0,7 MW đang được giới lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi tiếp tục xin ý kiến để ra “chủ trương đầu tư”.

Một dự án thủy điện nhỏ đang được xây dựng trong rừng Quảng Ngãi – Ảnh: Lê Đình Dũng

Chính quyền và nhân dân “đồng thuận”

Dự án trên có tên là thủy điện Núi Ngang (vị trí tại xã Ba Liên, huyện Ba Tơ, Quảng Ngãi), công suất thiết kế 0,7MW với 2 tổ máy, quy mô công trình cấp IV, diện tích sử dụng đất dự kiến là 4.217 m2.

Dự án do Công ty TNHH đầu tư và xây dựng HDT có địa chỉ tại số 291 Nguyễn Công Phương (TP.Quảng Ngãi, Quảng Ngãi) làm chủ đầu tư với tổng vốn đầu tư là 19 tỉ đồng (trong đó vốn góp của công ty là 5,7 tỉ đồng, vốn vay là 13,3 tỉ đồng).

Mới đây, ông Trần Ngọc Căng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi đã ký công văn trình lên Ban Thường vụ Tỉnh ủy để “xin ý kiến về chủ trương đầu tư” dự án thủy điện này.

Theo ông Căng, ngày 16.2.2017, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tổ chức cuộc họp để cho ý kiến và có kết luận thống nhất chủ trương bổ sung dự án thủy điện này vào quy hoạch thủy điện nhỏ tỉnh Quảng Ngãi. Bộ Công Thương đã phê duyệt bổ sung quy hoạch tại quyết định số 2022/QĐ-BCT ngày 6.6.2017. Nhà đầu tư đã hoàn chỉnh hồ sơ đề xuất dự án, theo kết quả thẩm định, dự án cơ bản đáp ứng các điều kiện để cấp quyết định chủ trương đầu tư theo quy định.

Theo công văn xin ý kiến của UBND tỉnh Quảng Ngãi, thủy điện “siêu nhỏ” này có thời gian hoạt động 49 năm kể từ ngày được cấp quyết định chủ trương đầu tư. Dự kiến quý 4/2018 sẽ hoàn thành dự án và phát điện thương mại.

“Dự án không sử dụng công nghệ hạn chế chuyển giao; toàn bộ thiết bị công nghệ đều là mới, chế tạo sau khi hợp đồng cung cấp thiết bị có hiệu lực hoặc tương đương tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn châu Âu và các nước thuộc G7”.


Quảng Ngãi hiện đang có rất nhiều dự án thủy điện nhỏ

Theo lãnh đạo Quảng Ngãi, dự án thuộc lĩnh vực đặc biệt ưu đãi đầu tư và đầu tư tại địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn nên được hưởng các ưu đãi sau: thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế xuất nhập khẩu, dự án được hỗ trợ chi phí đào tạo lao động và các nội dung khác.

Cũng theo ông Căng: “Dự án thủy điện Núi Ngang được chính quyền và nhân dân huyện Ba Tơ; các sở, ngành đồng thuận”.

“Các thông số kỹ thuật chính của dự án cơ bản không thay đổi. Đây là dự án thủy lợi kết hợp thủy điện, tận dụng lượng nước cấp cho hạ du vào mùa khô và lượng nước thừa mùa lũ để phát điện, quy mô đầu tư dự án không lớn, diện tích chiếm đất không nhiều; về nguồn vốn chủ sở hữu nhà đầu tư cơ bản đáp ứng theo quy định của Bộ Công Thương; dự án đầu tư tại địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khan, khi đi vào hoạt động sẽ góp phần cung ứng một phần nhỏ năng lượng điện phục vụ phát triển kinh tế – xã hội; đồng thời tạo công ăn việc làm cho người dân tại địa phương…”.

Vấn đề đằng sau dự án

Giữa tháng 6.2017, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Ngọc Căng đã ký công văn yêu cầu Sở Công Thương tạm thời chưa tham mưu UBND tỉnh xem xét việc bổ sung quy hoạch đối với các dự án thủy điện có quy mô công suất nhỏ hơn hoặc bằng 3 MW.


Công văn xin chủ trương đầu tư của UBND tỉnh Quảng Ngãi

Nhận định về thủy điện “siêu nhỏ” 0,7 MW này trên Một Thế Giới, ông Vũ Trọng Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy lợi cho rằng loại thủy điện này chủ yếu là do các hộ gia đình họ làm. Còn đã lên đến tỉnh thì không bao giờ họ làm những dự án nhỏ như vậy. Do đó, ông Hồng cho rằng cần thiết phải xem xét lại những vấn đề đằng sau dự án.

“Khi mùa cạn người ta cần nước thì anh có để nước cho người ta hay anh tích nước phát điện, đến mùa lũ thì lại xả? Còn những điều như không phải di dân, không phải đền bù có thể chỉ để che đậy”, ông Hồng nói.

Cũng theo ông Hồng, quy trình tích nước và xả nước của thủy điện hoàn toàn ngược với thủy lợi. Thủy điện là quy trình điều tiết ngày, trong ngày chỉ mở 2-3 lần thôi, còn lại phải tích nước đủ để phát điện. Bản thân người dân hạ du sẽ lấy nước ở đâu để phục vụ cuộc sống? Hạ du không cần thủy điện nhỏ làm gì.

“Thủy điện nhỏ này không đóng góp gì cho điện năng nhà nước. Có thể họ có mục đích khác khi đầu tư vào những thủy điện nhỏ như vậy như khai thác rừng, khoáng sản chứ không phải khai thác điện”, chuyên gia này nhận định.