ThienNhien.Net – Hơn 10 năm trước, câu chuyện phân loại rác tại nguồn đã được nói đến, một số địa phương đã thực hiện việc phân loại này nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tái sử dụng nguồn thải nhưng đến nay vẫn chưa thể triển khai trên diện rộng, thậm chí nhiều địa phương đã quay trở lại con số 0.
Thói quen khó đổi
Cứ khoảng 5 giờ chiều, chị Nguyễn Hoa (Ba Đình, Hà Nội) lại đem túi nilon đựng rác thải sinh hoạt của gia đình xuống thùng rác tại khu chung cư. Tất cả rác sinh hoạt, thức ăn thừa, bát vỡ cho đến bóng đèn hỏng… đều được gói gọn trong một chiếc túi, không hề có sự phân loại nào. Chị Hoa cho biết, thường nhà chị và cả những hộ khác trong khu chung cư tại đường Thụy Khuê đều không có thói quen phân loại rác, mỗi nhà chỉ có một thùng đựng tất cả các loại rác.
“Cả khu chung cư chỉ có một thùng rác duy nhất nên tất cả rác đều bỏ vào đó, nếu chúng tôi có phân loại tại nhà thì nhân viên vệ sinh cũng để lẫn vào nhau”, chị Hoa cho biết.
Những hộ dân này còn “may mắn” khi có thùng rác để đựng, còn khu dân cư bên cạnh tìm đỏ mắt không thấy thùng rác, nên người dân tự quy ước để rác tại chân cầu đầu ngõ, tất cả các loại rác từ sinh hoạt đến xây dựng, đều tập kết một chỗ, chồng chất lên nhau.
Chị Nguyễn Ngọc, nhân viên thu gom rác thải tại quận Ba Đình cho biết, việc phân loại rác tại nguồn của người dân hiện nay hầu như là không có. Tất cả rác đều được để trong túi nilon, nhiều nơi người dân vứt ra ngay bên đường. Quá trình đi thu gom, chị em công nhân tranh thủ nhặt những chai nhựa, sắt thép… để bán đồng nát, còn lại đều thu gom lên xe chở rác.
Thực tế, tại một số thành phố lớn như Hà Nội đã có thí điểm mô hình 3R, phân loại rác tại nguồn cách đây 10 năm, nhưng đến nay, tất cả dường như trở về con số 0. Người dân tại một số phường trên địa bàn Hà Nội như Phan Chu Trinh, Thành Công… người dân đã thực hiện tốt mô hình này, nhưng đến nay họ không phân loại rác nữa, vì dù có phân loại thì công ty môi trường vẫn thu gom về một mối chứ không tách riêng.
Đại diện công ty môi trường cho biết, do không đủ kinh phí để bố trí 2 xe chở 2 loại riêng và mỗi xe phải đủ khối lượng thì mới có thể chuyển rác về xử lý nên không tách riêng hai loại rác được.
Theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, tổng lượng chất thải rắn (CTR) mỗi năm của cả nước ước tính khoảng 28,5 triệu tấn/năm, trong đó CTR sinh hoạt khoảng 19 triệu tấn/năm, đặc biệt là 2 thành phố lớn, trong đó tại Hà Nội lượng CTR sinh hoạt lên đến gần 7.000 tấn/ngày, và TP Hồ Chí Minh là gần 8.000 tấn/ngày. Theo tính toán mức gia tăng của giai đoạn từ 2011 đến 2015 đạt trung bình 12% mỗi năm và về xu hướng, mức độ phát sinh CTR sinh hoạt đô thị tiếp tục tăng trong thời gian tới. Tuy nhiên, việc phân loại CTR tại nguồn chưa có chế tài áp dụng và không đồng bộ cho các công đoạn thu gom, xử lý.
Xây dựng hệ thống đồng bộ
Các chuyên gia về môi trường cho rằng việc phân loại rác tại nguồn sẽ góp phần tiết kiệm được tài nguyên, bởi có đến 50 – 70% lượng rác thải có chứa những hợp chất có thể tái chế, tạo ra nguồn năng lượng mới. Đồng thời giúp giảm thiểu ô nhiễm, tiết kiệm chi phí thu gom, vận chuyển, xử lý.
Ông Hoàng Dương Tùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường cho biết, cần tuyên truyền để người dân có ý thức phân loại rác tại nhà và có chính sách, yêu cầu các công ty môi trường đô thị có sự phân loại rác thải tại nguồn, đặc biệt là thu gom riêng biệt chất thải nguy hại trong CTR sinh hoạt.
Bởi hiện nay chất thải nguy hại trong sinh hoạt như pin, ắc quy, bóng đèn, bao bì chất tẩy rửa, lọ sơn móng tay, bình xịt muỗi, kim tiêm của các đối tượng nghiện hút ma túy… vẫn chưa được thu gom, xử lý riêng và bị lẫn vào CTR sinh hoạt để đưa đến bãi chôn lấp. Việc chôn lấp xử lý chung sẽ gây ra nhiều tác hại cho những người tiếp xúc trực tiếp với rác, ảnh hưởng tới quá trình phân hủy rác và hòa tan các chất nguy hại vào nước rỉ rác, gây nguy hại môi trường đất, nước.
Cũng theo ông Tùng, cần hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích thực hiện xã hội hóa việc thu gom, vận chuyển, tái sử dụng, tái chế và xử lý CTR. Triển khai đồng bộ các quy định về ưu đãi trong đầu tư xử lý CTR.
“Cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động xử lý chất thải đảm bảo các quy định về bảo vệ môi trường. Nghiên cứu, đánh giá, xây dựng và nhân rộng các mô hình công nghệ xử lý CTR thu hồi năng lượng, mô hình xử lý/tái chế CTR tiên tiến và phù hợp với điều kiện của Việt Nam. Đặc biệt, phải đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng trong phân loại chất thải rắn tại nguồn, tái sử dụng và tái chế chất thải để tận dụng tốt nguồn “tài nguyên” này”, ông Hoàng Dương Tùng khẳng định.
Hiện nay, một số địa phương đã thực hiện phân loại chất thải tại nguồn, mới đây, TP Hồ Chí Minh vừa ban hành kế hoạch mở rộng chương trình phân loại rác tại nguồn ở những khu vực công cộng. Theo kế hoạch, mục tiêu đến năm 2020 sẽ thực hiện trên địa bàn 24 quận huyện toàn thành phố, tao thuận lợi cho việc tái chế, tái sử dụng, thu hồi năng lượng và giảm chôn lấp CTR sinh hoạt tại thành phố.
Bên cạnh việc đầu tư các cơ sở tái chế rác có đủ năng lực tiếp nhận và phân loại, tái chế toàn bộ lượng rác thải được phân loại sơ bộ từ nguồn được đưa đến hàng ngày, TP. Hồ Chí Minh có các chính sách khuyến khích, vận động và bắt buộc các cơ quan, gia đình và từng người dân tham gia phân loại rác tại nguồn. Chương trình phân loại rác tại nguồn của TP Hồ Chí Minh nếu thực hiện thành công sẽ tái chế được 60% tổng lượng rác thải. Nếu như mô hình của TP Hồ Chí Minh thành công thì sẽ là mô hình điển hình cho các địa phương khác.