ThienNhien.Net – Loài người đã và đang mang lại nhiều hiểm họa cho sự tồn vong của các loài động vật ăn thịt lớn thông qua các hoạt động săn bắn, đánh bẫy, lấn chiếm sinh cảnh… đặc biệt trong các trường hợp bảo vệ vật nuôi.
Mặc dù nhiều hiểm họa đã được kiểm soát đáng kể, đến nay vẫn chưa có nghiên cứu nào tập trung riêng tới vấn đề thu hẹp phạm vi sinh sống đối với các loài động vật ăn thịt lớn còn tồn tại trên khắp hành tinh.
Nhằm lấp khoảng trống này, hai nhà nghiên cứu Christopher Wolf và William Ripple thuộc Đại học Bang Oregon (Hoa Kỳ) đã tiến hành so sánh bản đồ phạm vi hiện tại của 25 loài ăn thịt lớn (từ 15kg trở lên) với bản đồ phạm vi trước đây. Kết quả nghiên cứu mới được giới thiệu trên Tạp chí Royal Society Open Science vào tháng 7 vừa qua.
Nhóm nghiên cứu nhận thấy các loài ăn thịt lớn trên thế giới đang bị thu hẹp sinh cảnh một cách đáng ngại, với 22 trong số 25 loài, tương đương 80% số loài được nghiên cứu đã mất đi hơn 20% phạm vi sinh sống.
Riêng loài sói đỏ (Canis rufus) đã mất tới 99,7% nơi cư trú, theo sau là loài sói Ethiopia (Canis simensis) mất đi 99,3%, hổ (Panthera tigris) 95%, sư tử (Panthera leo) 94%, chó hoang châu Phi (Lycaon pictus) 93% và báo săn (Acinonyx jubatus) 92%.
Ngoài sói đỏ, toàn bộ 13 loài ăn thịt lớn bị thu hẹp phạm vi phân bố nhiều nhất đều đang đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng, suy giảm số lượng quần thể, theo Sách đỏ IUCN.
6 loài ăn thịt ít bị thu hẹp phạm vi nhất bao gồm linh miêu Á-Âu (Lynx lynx) 12%, chó dingo (Canis lupus dingo) 12%, linh cẩu vằn (Hyaena hyaena) 15%, linh cẩu đốm (Crocuta crocuta) 24%, sói xám (Canis lupus) 26%, và linh cẩu nâu (Parahyaena brunnea) 27%.
Một số loài ăn thịt sống dưới nước không bao gồm trong nghiên cứu là rái cá (Lutrinae) và gấu trắng Bắc Cực (Ursus maritimus). Loài sói bờm cũng không được phân tích do không có dữ liệu lịch sử đáng tin cậy.
Theo các bản đồ phạm vi phân bố trước đây, khoảng 96% diện tích đất liền (không bao gồm Nam Cực) từng tồn tại ít nhất một loài ăn thịt lớn. Ngày nay, chỉ còn lại 34% diện tích trái đất vẫn tồn tại các loài ăn thịt.
Phân tích tình trạng của các loài ăn thịt cùng quần xã – nói cách khác là các loài có cùng điều kiện tài nguyên như nhau – có thể là chìa khóa mang lại những chiến lược bảo tồn hiệu quả. Theo ông Wolf, sự phục hồi của các loài ăn thịt tại châu Âu và Mỹ có thể giúp đảo ngược lại xu hướng suy giảm phạm vi sinh sống trong dài hạn mà nhóm đã quan sát được. Với những con số thu hẹp phạm vi đáng lo ngại, việc bảo tồn toàn bộ một quần xã là vô cùng cần thiết để có thể duy trì chức năng hệ sinh thái và phòng tránh hiểm họa tuyệt chủng.
Các động vật ăn thịt vốn từng xuất hiện nhiều nhất ở Đông và Đông Nam Á, nơi có tới 9 loài ăn thịt lớn trong cùng sống một hệ sinh thái, và châu Phi với 6 loài từng đồng tồn tại. Vì vậy không mấy ngạc nhiên khi đây là những nơi suy giảm động vật ăn thịt lớn nhiều nhất với trung bình 2,9 loài bị mất đi, trong khi toàn bộ phần còn lại của châu Á mất đi trung bình 2,8 loài. Châu Đại Dương, châu Âu và châu Mỹ mất đi trung bình 1 hoặc ít hơn 1 loài, trong đó cần nhấn mạnh rằng một số nơi tại châu Âu và Tây Mỹ đã mất đi 100% các loài từng tồn tại.
Theo hai tác giả, sự thu hẹp phạm vi của các động vật ăn thịt lớn có liên quan chặt chẽ tới tốc độ gia tăng dân số nông thôn, kèm theo chăn nuôi gia súc và mở rộng diện tích đất canh tác. Kết luận này đi ngược với các nghiên cứu trước đó, cho rằng các loài ăn thịt lớn phải đối mặt với rủi ro tuyệt chủng do cần những con mồi lớn hơn và sinh cảnh rộng hơn.
Tăng lòng bao dung của con người đối với động vật ăn thịt lớn, đồng thời xây dựng các khu bảo vệ là vô cùng cấp thiết để bảo tồn các loài ăn thịt khỏi nguy cơ tuyệt chủng bởi mất đi những loài này đồng nghĩa với việc mất đi những hiệu ứng sinh thái quan trọng.
Các động vật ăn thịt lớn giúp duy trì các dịch vụ sinh thái và kinh tế đang trực tiếp và gián tiếp giúp duy trì sự đa dạng các loài động vật có vú, các loài chim, động vật không xương sống và lưỡng cư. Thêm vào đó, chúng còn tác động lên các quy trình và điều kiện sinh thái khác.
Mặc dù dân số các khu vực nông thôn được dự đoán ngày càng gia tăng, các loài động vật ăn thịt vẫn có thể được an toàn nếu từ người dân đến chính sách đều ủng hộ bảo tồn. Thực tế này đã được chứng minh với sự phục hồi các loài ăn thịt tại châu Âu và nhiều nơi khác, như loài sói xám tại Mỹ. Đồng thời, các biện pháp nông nghiệp thân thiện với các loài săn mồi có thể sẽ giúp giảm tác động của việc mở rộng canh tác đối với phạm vi sinh sống của chúng – một lĩnh vực vẫn cần thêm nhiều nghiên cứu và thực tiễn.
Minh Anh (Theo Mongabay)