ThienNhien.Net – Các doanh nghiệp được cấp phép khai thác cát đua nhau “đục khoét” lòng sông, gây cạn kiệt nguồn tài nguyên, sạt lở hai bên bờ sông.
Thời gian gần đây, giá cát xây dựng tăng đột biến, người dân các địa phương dọc sông Thu Bồn, tỉnh Quảng Nam sử dụng các loại tàu thuyền ồ ạt khai thác cát trái phép. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp được cấp phép đua nhau “đục khoét” lòng sông, gây cạn kiệt nguồn tài nguyên, sạt lở hai bên bờ sông.
Các bến bãi tập kết cát mọc lên “như nấm sau mưa”, công tác quản lý gặp nhiều khó khăn. Chính quyền tỉnh Quảng Nam đang tiến hành quy hoạch lại bến bãi, chấn chỉnh hoạt động khai thác cát tràn lan.
Thị xã Điện Bàn là địa phương có nhiều bến bãi tập kết cát và phương tiện tàu thuyền vận chuyển cát. Tại đây, hiện có 21 bến bãi tập kết cát tồn tại hàng chục năm qua. Riêng phường Điện Ngọc đã có đến 8 bến bãi tập kết cát, phục vụ chủ yếu cho thành phố Đà Nẵng; 10 mỏ cát đã được cấp phép. Các mỏ này không chỉ phục vụ cho nhu cầu cát xây dựng mà cả những công trình lớn như đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi, các khu đô thị, khu dân cư.
Ông Phan Minh Dũng, Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn cho biết, hiện có 7 bến bãi tập kết cát đang tạm dừng hoạt động, 14 bến bãi bị đình chỉ để tiến tới chấm dứt hoạt động bến bãi tập kết vào cuối tháng 9 tới. 7 mỏ cát đang hoạt động dọc 2 bên bờ sông Thu Bồn không được cung cấp cát cho các ghe thuyền có thiết bị hút cát; nếu phát hiện mỏ nào vi phạm sẽ xử lý nghiêm.
Ông Dũng khẳng định, ngoài 1 mỏ cát đã hết hạn khai thác, chính quyền địa phương cương quyết đóng cửa mỏ của 2 doanh nghiệp do ảnh hưởng đến trụ điện và người dân phản đối.
“Sau khi cấm bến, bãi khai thác tỉnh sẽ phải làm quy hoạch phù hợp với quy hoạch phát triển đô thị Điện Bàn đến năm 2030. Để đảm bảo quản lý, Điện Bàn quy hoạch thành 2 giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất đến năm 2020 sẽ có 7 bến bãi khai thác. Sau năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 tỉnh sẽ rà soát lại”, ông Dũng cho biết.
Thời gian gần đây, nhu cầu cát xây dựng tăng cao dẫn đến tình trạng hàng chục tàu thuyền đua nhau hút cát trái phép trên sông Thu Bồn. Trong 6 tháng qua, lực lượng công an tỉnh Quảng Nam đã phát hiện và xử lý 56 vụ khai thác cát trái phép, lập biên bản xử phạt 60 đối tượng với số tiền hơn 1,7 tỷ đồng, thu giữ 8 phương tiện vận chuyển cát lậu.
Đáng lo ngại, tỉnh Quảng Nam đã cấp quá nhiều giấy phép khai thác khiến nguồn cát ngày càng cạn kiệt. Đến nay UBND tỉnh Quảng Nam đã cấp 82 giấy phép khai thác cát sỏi, đất san lấp là vật liệu xây dựng thông thường. Trong đó, có 35 giấy phép khai thác cát, sỏi với diện tích hơn 150 ha, trữ lượng hơn 5,6 triệu mét khối.
Trung tá Hồ Song Ân, Trưởng phòng Cảnh sát Môi trường – Công an tỉnh Quảng Nam cho biết, do thiếu sự quản lý, giám sát đầu ra tại các bến bãi tập kết cát, sạn nên lượng cát bán ra rất lớn.
“Khi tư nhân vào bãi mua 5 đến 10 khối cát, những điểm tập kết nguyên liệu bán và ghi vào 1 cuốn sổ riêng. Sổ để báo cáo thuế, hợp thức hóa hợp đồng mua từ mỏ về bán sẽ được ghi ra 1 sổ khác. Khi xuống kiểm tra bất ngờ, lực lượng chức năng sẽ thu ngay cuốn sổ riêng”, Trung tá Hồ Song Ân cho biết.
Tại tỉnh Quảng Nam, cát sỏi chủ yếu tập trung ở lưu vực các con sông lớn như Vu Gia và Thu Bồn. Sông ở đây có độ dốc lớn, lại bị chặn dòng ở đầu nguồn để làm thủy điện nên lượng lớn cát, sạn đọng lại ở lòng hồ. Khu vực hạ du theo quy định, địa điểm cấp mỏ cát lòng sông phải cách bờ tối thiểu 100m nhưng thực tế tại nhiều địa phương, có nơi chỉ cách bờ chỉ 70m. Đây cũng là một trong những nguyên nhân gây sạt lở bờ sông.
Ông Trương Xuân Tý, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Quảng Nam cho biết, hiện nay ngành nông nghiệp đang chịu sức ép về sạt lở bờ sông. “Như vậy vấn đề đánh giá tác động môi trường khi cấp phép hoạt động mỏ có nêu vấn đề sạt lở bờ sông do vận chuyển hay không?”, ông Tý đặt câu hỏi và cho rằng, thực tế hiện nay, sông Vĩnh Điện sạt lở rất nhiều do vận chuyển cát, nhưng chưa có quy định 1 chiếc tàu vận chuyển bao nhiêu khối, chạy với vận tốc bao nhiêu trên sông để hạn chế gây sạt lở.
Trong khi đó, ông Đinh Văn Thu, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam khẳng định, đến năm 2020 sẽ loại bỏ 10 bến bãi tập kết cát ra khỏi quy hoạch, từ 48 bến bãi xuống còn 38 bến bãi; cho phép chủ mỏ được đầu tư bến bãi tập kết hoặc ký hợp đồng với chủ bến bãi thay vì người dân tự phát thành lập như lâu nay.
“Tỉnh vẫn phải tận dụng vận tải đường thủy để đến điểm tập kết một số bãi, các bãi đó gắn liền với thị trường có cự ly vận chuyển đến chân công trình ngắn nhất để vừa giảm giá thành, vừa đảm bảo giao thông. Sau năm 2020, mỗi địa phương chỉ có vài ba điểm để tập trung quản lý, có thể 1 doanh nghiệp được cấp 2 – 3 điểm mỏ nhưng phải làm tốt công tác quản lý”, ông Thu cho biết.