ThienNhien.Net – Biển Hồ (Hồ Tonle Sap) – hệ sinh thái quan trọng nhất Campuchia, nguồn thủy lợi và thủy sản nuôi sống hàng triệu người – đang rơi vào tình trạng khủng hoảng. Sự hủy diệt của hồ này sẽ dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng cho Campuchia.
Tonle Sap đang bị “đày đọa”
Hệ sinh thái hồ khổng lồ với chu kỳ lũ hàng năm là trái tim của Campuchia, nguồn sống của hàng triệu người dân, đang bị hủy hoại nghiêm trọng, đặt ra nhiều vấn đề về an ninh lương thực, kinh tế và nhân khẩu học. Các chuyên gia tham dự Hội nghị chuyên đề quốc tế về Các Hệ sinh thái ngập lũ diễn ra vào tuần trước tại Siem Reap, Campuchia đều nhất chí rằng nếu không sớm thực hiện các biện pháp quyết liệt thì Campuchia sẽ phải đối mặt với những hậu quả nặng nề.
Tonle Sap và vùng ngập nước xung quanh đang chịu những tác động thấy rõ của biến đổi khí hậu, đánh bắt quá mức và xây dựng đập. Trong khi đó, những thay đổi về lượng mưa và nhịp lũ hàng năm – lũ theo chu kỳ mang nước từ sông Mê Kông cho hồ Tonle Sap là yếu tố quan trọng đối với sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản vùng đồng bằng quanh hồ.
Thủy sản trong bối cảnh mới
Giáo sư Mauricio Arias, Đại học South Florida, chuyên gia thủy văn hàng đầu, từng nghiên cứu về nhịp lũ trong hơn một thập kỷ qua, cho biết các đập xây dựng thượng ở nguồn sông Mê Kông và biến đổi khí hậu gây ra những tổn hại không thể cứu vãn đối với hồ Tonle Sap.
Biến đổi khí hậu và các con đập chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến năng suất của vùng ngập nước Tonle Sap, vốn phụ thuộc vào sự biến thiên tự nhiên của nhịp lũ hàng năm. Hiện nguồn thủy sản hồ Tonle Sap chiếm khoảng 75% lượng thức ăn giàu protein của Campuchia.
Nằm trên danh sách các mối đe dọa về sinh thái, đánh bắt quá mức cũng đang làm gia tăng căng thẳng cho nghề cá nước ngọt của Campuchia.
Ông Ratha Chea, nhà sinh thái học và thủy văn nước ngọt, Đại học Battambang, cho biết: “Dân số ở khu vực hạ lưu sông Mê Kông tăng gấp đôi trong vòng 30 năm qua cũng là nhân tố chính dẫn đến sự thay đổi. Hậu quả là các ngư dân đang phải làm việc lâu hơn và phải đi xa bờ hơn trước đây để mang về cùng một lượng cá.
Dữ liệu đánh bắt cá được thu thập trong vòng 15 năm, kết thúc vào năm 2015, cho thấy tổng sản lượng đánh bắt vẫn duy trì ổn định nhưng thành phần sản phẩm đánh bắt đã thay đổi đáng kể.
Ông Ngor Peng Bun, cán bộ của cơ quan Quản lý Nghề cá, nghiên cứu sinh Đại học Toulouse, người đã tham gia phân tích dữ liệu thủy sản khu vực cho hay lưới đánh bắt của ngư dân càng ngày càng có nhiều cá nhỏ, các loại cá lớn đang trở lên hiếm hoi.
Trong khi đó, ông Kevin McCann, nhà sinh thái học, Đại học Guelph nhận định dữ liệu này là rất “đáng sợ”. Là chuyên gia về mô hình hoá các hệ sinh thái, McCann cho hay những thay đổi trong quần thể cá của hồ Tonle Sap thể hiện rằng khả năng tự nhiên để đáp ứng với đánh bắt cá của hồ đã đạt đến giới hạn.
Ông Evan Fraser, chuyên gia về an ninh lương thực, Đại học Guelph, cho rằng nếu không có một chính sách cung cấp việc làm khác cho người dân thì họ chỉ biết gia tăng đánh bắt. Tới khi sản lượng đánh bắt giảm, người dân sẽ di chuyển, góp phần làm gia tăng những quan ngại hiện tại về vấn đề di cư.
Tác động xã hội
Bà Chris Jacobson, nhà nghiên cứu Đại học Sunshine Coast, Australia là người đã dành hai năm 2015 và 2016 để thực hiện một nghiên cứu ở khu vực về những khó khăn tài chính của cộng đồng người dân vùng ngập lũ.
Bà phát hiện ra rằng một nửa số dân ở bốn xã, thuộc ba tỉnh xung quanh hồ Tonle Sap, đã phải di cư do biến đổi khí hậu. Di cư cũng đã ảnh hưởng đến một nửa số hộ gia đình nơi đây, trong đó có cả các hộ nông dân sở hữu đất và gần một phần tư số hộ có ít nhất một người trong gia đình di cư.
Bà Jacobson cho rằng một nhu cầu rất quan trọng là cần có thêm thông tin về các biện pháp giải quyết vấn đề mất sinh kế do những thay đổi về môi trường mới có thể đưa ra một giải pháp chính sách. Trong khi nhiều người dân quanh hồ Tonle Sap đang phải di cư vì sự sống còn về kinh tế – phần lớn là tới Thái Lan hoặc Phnom Penh – thay đổi sinh kế giữa các ngư dân cũng có thể dẫn tới những biến động xã hội, khiến tình trạng mất an ninh lương thực càng tồi tệ hơn.
Quyết liệt để giải quyết khủng hoảng
Bộ trưởng Môi trường Say Sam Al thừa nhận những lo ngại về an ninh xã hội và cho rằng cần có các đánh giá khoa học.
Mặc dù đưa ra các cảnh báo nghiêm khắc, nhưng các chuyên gia cũng lưu ý rằng không phải đã quá muộn để chính phủ Campuchia có những hành động quyết liệt để kiểm soát những thay đổi.
Theo bà Vittoria Elliot, Giám đốc khoa học Chương trình Mê Kông của Tổ chức Bảo tồn Quốc tế, cần thực hiện các đánh giá khẩn cấp các giải pháp – hiện vẫn còn là lý thuyết – để đưa ra chính sách khả thi.
Bà cho rằng vẫn còn “hy vọng” cho ngành thủy sản, nhưng khung thời gian để làm việc này là không quá ba năm – cần ngăn chặn việc xây dựng con đập Sambor với công suất dự kiến 2.600MW ở tỉnh Kratie dự kiến khởi công vào năm 2020, nếu được xây dựng con đập sẽ là mồi lửa cuối cùng thiêu đốt cho ngành thủy sản của quốc gia này.
Bích Ngọc (Theo Phnom Penh Post)