ThienNhien.Net – Các “đại gia” ngang nhiên xâm hại sông, rạch để tăng giá trị nhà, đất bất chấp sự phẫn nộ của dư luận và cả UBND TP.
Trong suốt hơn một tháng khảo sát cùng ghi nhận, nhóm phóng viên Báo Người Lao Động đã không khỏi giật mình khi tình trạng lấn chiếm sông, rạch diễn ra khá phổ biến ở TP HCM. Đáng nói ở một số nơi, các “đại gia” bất động sản vô tư bức hại sông, rạch như chốn không người.
“Giết” rạch ngay “lưng” UBND quận
Sau cơn mưa rào vào một buổi chiều trung tuần tháng 7, trao đổi với chúng tôi bên con đường dẫn vào xóm còn lắp xắp nước, người dân ở khu phố 2 và khu phố 3, phường Tân Phú, quận 7, không khỏi bức xúc khi nói về căn nguyên khiến cái xóm ngày càng khốn khổ vì ngập này. “Trước kia, mưa cỡ nào xóm này cũng không ngập vì nước mưa cứ chạm đất là trôi tuột xuống con rạch Cả Cấm thông qua những con rạch nhỏ trong xóm. Giờ thì mưa nhỏ ngập nhỏ, mưa lớn ngập lớn, cứ mưa là ngập. La làng riết rồi cũng ngán” – ông Thanh, một hộ dân trong xóm, chia sẻ.
Theo ông Thanh, căn nguyên bắt đầu từ năm 2012, khi chung cư cao 40 tầng mang tên Riviera Point (chủ đầu tư là Công ty TNHH Riviera Point) nằm bên rạch Cả Cấm được xây dựng. Tiến độ xây dựng cao tới đâu đồng nghĩa với ngập leo thang tới đó, vì cả cái chung cư nằm đè lên đường thoát nước. Đất họ, họ xây thì đã đành. Đằng này, để tăng giá trị dự án, mở rộng các hành lang, chủ đầu tư đã ngang nhiên lấp tổng cộng 4 đoạn rạch thoát nước. Thế là, hàng trăm hộ dân với nước thải sinh hoạt, nước mưa cứ thế tự tiêu tại chỗ.
Bức xúc của ông Thanh là hoàn toàn khớp với tư liệu chúng tôi thu thập được và đối chiếu. Theo hồ sơ, nếu so sánh với bản đồ vệ tinh năm 2010 và hiện nay thì rạch Cả Cấm đã bị chủ đầu tư chung cư Riviera Point “bóp” nhỏ hơn 1/3. Theo đó, có đoạn lấn đến 10 m với chiều dài hơn 450 m. Ước tính diện tích san lấp mà chủ đầu tư lấn rạch là 2.000 m2. Vậy người “giết” rạch Cả Cấm, bóp nghẹt đường thoát nước của cư dân khu phố 2 và khu phố 3, phường Tân Phú, quận 7 đã có thể khẳng định là chủ đầu tư chung cư Riviera Point!
Nguy cơ nhà dân ở khu phố 2 và khu phố 3, phường Tân Phú, quận 7 sẽ bị nước nhấn chìm cao hơn nữa khi sáng 1-8, phóng viên thấy chủ đầu tư chung cư Riviera Point đang tất bật xây dựng thêm một chung cư khác kế bên chung cư 40 tầng. Gần đó, các con kênh thuộc phường Tân Thuận Tây, quận 7 rất nhiều quán nhậu, nhà hàng xây kè lấn chiếm hẳn ra bờ kênh khiến nơi đây bị biến hình, đổi dạng. Hễ vào mùng 1 và ngày 15 âm lịch, dân ở cạnh con đường Trần Xuân Soạn khốn khổ vì triều cường dâng cao nhưng không có đường rút.
Trong khi đó, ở quận 9 – vốn nhiều kênh rạch – giờ tìm lại thì kênh, rạch đã là hàng… hiếm! Ghé coi con rạch Bà Hiện giờ thế nào thì thấy nó chỉ còn trên giấy khi khu dân cư Khang An hình thành. Cũng mới đây, một con kênh cắt ngang đường Võ Chí Công, phường Phú Hữu, quận 9 cũng bị một chủ đầu tư san lấp không thương tiếc, khiến đoạn còn lại của con kênh trở thành ao tù. Theo ông Võ Văn Hiệp, nhà ở đường Võ Chí Công, trước khi kênh bị san lấp, không khí nơi đây rất mát mẻ, nay ngột ngạt vô cùng…
Sông Sài Gòn – dòng sông khuyết!
Sau ít nhất 3 ngày thuê ghe đi dọc sông Sài Gòn từ quận 1 qua quận 2 đến Bình Thạnh thẳng Thủ Đức thì bức tranh sông Sài Gòn bị lấn chiếm nham nhở hiện lên khá rõ. Ngoài việc nhà hàng, quán cà phê,… đua nhau lấn sông thì các công trình lấn sông Sài Gòn nhiều nhất, quy mô nhất có lẽ là các dự án bất động sản với các ông chủ tên tuổi.
Nổi lên nhất là dự án Thảo Điền Sapphire (phường Thảo Điền, quận 2) với chủ đầu tư là Công ty CP TDS. Theo ghi nhận ngày 26-7, bên trong công trình Thảo Điền Sapphire khá yên ắng. Bằng mắt thường cũng thấy công trình này đã thu hẹp rạch Ông Hóa khiến con rạch mang hình thù kỳ quái khác xa hiện trạng ban đầu. Phía bờ kè giáp sông Sài Gòn của công trình được chủ đầu tư làm một cầu tàu để tàu thuyền neo đậu lấn hẳn ra sông Sài Gòn và vô cùng hoành tráng.
Giờ đi khắp quận 2 hỏi chuyện ai, nơi đâu sông Sài Gòn bị lấn chiếm là người dân sở tại có thể kể cả buổi không hết. Nào là vào thời điểm năm 2005, dự án khu dân cư 42 ha phường Thạnh Mỹ Lợi do Công ty Cổ phần May – Xây dựng Huy Hoàng làm chủ đầu tư đã lấn sông hàng chục mét với diện tích 1,7 ha… Có mặt tại khu vực này, chúng tôi ghi nhận bờ kè thẳng tắp nhô ra lòng sông ở khu dân cư 42 ha Thạnh Mỹ Lợi. Tiếp giáp với bờ kè là phần đất công viên với một số loại cây vẫn còn khá nhỏ. Sau đó là đến con đường rộng 25 m. “Đường và công viên được làm để sửa sai cho việc làm kè lấn sông đó chú” – một chị bán thuốc lá nói khi được hỏi về nguồn gốc con đường và cái công viên nhỏ ven sông.
Rồi một số dự án khu biệt thự cao cấp ở phường Thảo Điền (quận 2) cũng bị dư luận phản ứng vì lấn chiếm hành lang kênh rạch. Điển hình khu biệt thự Eden, khu đô thị Văn Minh, dự án của Công ty Phú Nhuận. Đi ghe dọc theo bờ sông, chúng tôi dễ dàng nhận thấy những căn biệt thự “hoành tráng” cách bờ kè chỉ vài chục mét. Thậm chí, nhiều hạng mục xây dựng kiên cố ngay sát bờ kè. Theo quan sát, bờ kè của những căn biệt thự này không giống nhau, có đoạn được đóng cừ bê tông nhưng có nhiều đoạn thì xây bằng đá theo từng thời điểm và chủ đầu tư khác nhau. Do xây dựng không đúng kỹ thuật nên một số đoạn kè bị nứt ngang theo mực nước lộ ra những khoảng hở rộng từ 10-20 cm. Phía trên bờ kè, chủ đầu tư xây bằng gạch nhưng bị nứt rơi xuống sông và hình thành nên những lỗ thủng…
Nhăm nhe lấn sông Nhà Bè
Chuyện khiến dư luận bất ngờ nhất trong thời gian gần đây liên quan đến sông, rạch có lẽ là đề xuất của chủ đầu tư dự án Giải quyết ngập do triều có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu giai đoạn 1 khu vực TP HCM là Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng Trung Nam (Trungnam Group). Cụ thể, công ty này đề nghị xây kè dưới sông chỗ xa nhất lên đến 15 m. Theo đó, các đoạn đê kè cần dịch chuyển thuộc hạng mục “Các đoạn đê/kè xung yếu, các cống nhỏ dưới đê từ Vàm Thuật đến Mương Chuối và khu quản lý trung tâm”. Trungnam Group cho biết lý do dịch chuyển là do công tác đền bù, giải phóng mặt bằng không đáp ứng với tiến độ đề ra. Chủ đầu tư cũng đã báo cáo và đề xuất với các sở, ngành liên quan về phương án dịch chuyển. Theo phương án này, nếu dịch chuyển gần 5,1 km đê, kè ra ngoài lòng sông thì sẽ giảm diện tích thu hồi khoảng 48.700 m2 đất của các hộ dân và doanh nghiệp. Cụ thể, chỉ còn 7 doanh nghiệp và 2 hộ dân bị ảnh hưởng thay vì 18 doanh nghiệp và 180 hộ dân như phương án ban đầu. Trungnam Group nhận định việc dịch chuyển tuyến đê kè theo phương án trên sẽ đem lại nhiều hiệu quả về kinh tế, xã hội như không làm thay đổi mục tiêu, quy mô và địa điểm xây dựng công trình; không thay đổi kết cấu chính và giải pháp xử lý nền; giảm thiểu tác động đến môi trường do giảm khối lượng xử lý đất bùn thải; giảm ảnh hưởng đến đời sống người dân cũng như hoạt động của doanh nghiệp (do giảm diện tích bồi thường, hỗ trợ và tái định cư: 11 doanh nghiệp và 178 hộ dân với hơn 890 nhân khẩu). Đặc biệt, chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư sẽ giảm được 276 tỉ đồng trong tổng 592,2 tỉ đồng so với phương án trước cũng như giảm thời gian thi công, sớm đưa công trình vào khai thác nhằm phát huy hiệu quả chống ngập… Dù đề xuất của Trungnam Group chưa được chính thức thông qua nhưng đã có không ít những ý kiến từ dư luận cho rằng lấn sông làm kè là thất sách. Bằng chứng là con rạch Hàng Bàng (chạy qua địa bàn quận 6 và 5) sau khi được lấp đi làm cống hộp thì TP HCM đã phải bỏ ra gần 3.000 tỉ đồng từ ngân sách khơi lại con rạch này. Kỳ tới: Xử lý dây dưa, khó hiểu! |