ThienNhien.Net – Công trình kênh dẫn nước từ hồ Ea Súp Thượng xây dựng nhằm đáp ứng tưới tiêu cho hơn 200ha cây trồng trên địa bàn huyện Ea Súp – vùng khô hạn nhất tại tỉnh Đắk Lắk, được đầu tư hơn 25 tỉ đồng những tưởng giúp người dân vùng hạn hán bớt khó khăn. Thế nhưng từ khi khánh thành đến nay, công trình rơi vào tình trạng bỏ hoang, xuống cấp trầm trọng chỉ vì thiếu vốn đầu tư các công trình kênh dẫn…
Công trình tiền tỉ xây xong xếp xó!
Theo tìm hiểu, năm 2010, để phát huy công năng hồ Ea Súp Thượng (huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk), một kênh dẫn nước với tổng mức đầu tư 25,3 tỉ đồng được Trung ương đầu tư xây dựng. Kênh dẫn nước này do Ban quản lý Đầu tư và Xây dựng Thủy lợi 8 (Ban QL8 – Bộ NN&PTNT) làm chủ đầu tư. Theo thiết kế, tuyến kênh xây dựng bằng bêtông, dài hơn 4km lấy nước từ hồ Ea Súp Thượng về tưới cho hơn 200ha cây trồng thường xuyên bị khô khát tại thôn 5 thị trấn Ea Súp (huyện Ea Súp) và các vùng lân cận.
Khảo sát của PV, do không có đơn vị duy tu, bảo dưỡng thường xuyên nên hơn 5 năm qua tuyến kênh thủy lợi sau hồ Ea Súp Thượng đã hư hỏng nghiêm trọng. Một số vị trí được xây dựng bêtông thì nay bong tróc, sạt lở nham nhở. Dẫn PV tại một vị trí vị tuyến kênh bị cỏ mọc um tùm, lòng kênh vỡ toác, một người dân tại thôn 5, thị trấn Ea Súp cho hay, năm 2012 khi kênh dẫn nước sau hồ Ea Súp Thượng hoàn thành thì người địa phương chỉ sử dụng nước đúng 1 lần.
“Tưởng rằng tuyến kênh đi vào hoạt động giúp người dân trong vùng khô hạn bớt khổ sở vì thiếu nước tưới cho cây trồng. Thế nhưng do không có ai quản lý, nhiều đoạn của tuyến kênh xuất hiện đất sạt lở. Nghiêm trọng hơn, có đoạn sạt lở tràn đất đá vào ruộng người dân làm việc canh tác ảnh hưởng nhiều” – người dân này bức xúc.
Tương tự, ông Khôi (trú thôn 5) cho hay, hơn 5 năm qua, vẫn tự xoay sở chống hạn chứ tuyến kênh hoàn thành không giúp được gì. “Không chỉ riêng gia đình tôi, nhiều nhà không thể chờ đợi được nữa nên đã đầu tư hàng trăm triệu đồng để đào hồ trữ nước chống hạn” – ông Khôi rầu rĩ.
Đùn đẩy?
Lý giải nguyên nhân bỏ hoang công trình kênh dẫn nước này, ông Trần Thế Hoan – Giám đốc Cty TNHH MTV Quản lý công trình thủy lợi Đắk Lắk cho rằng, kênh dẫn nước này xây dựng ngay từ đầu không đồng bộ; thiếu kênh nhánh vào đồng ruộng, phục vụ một ít diện tích lúa…
Trước câu hỏi của PV về việc để công trình xuống cấp vậy trách nhiệm thuộc về ai, ông Hoàn cho hay: “Việc đầu tư, hoàn thiện các hạng mục phục vụ tưới tiêu không phải trách nhiệm của đơn vị. Chúng tôi chỉ nhận quản lý và phục vụ tưới tiêu cho cây trồng theo tính toán ban đầu. Còn lý do tại sao không đồng bộ nhưng đơn vị chúng tôi lại nhận quản lý là vì chủ trương của tỉnh chỉ đạo xuống”.
Ông Mai Quang Vượng – Giám đốc Ban 8 – cho rằng, theo thiết kế ban đầu khi tuyến kênh dẫn nước sau hồ Ea Súp Thượng hoàn thành, đơn vị sẽ xây thêm tuyến kênh cấp 2 mới. Nhưng do thiếu vốn nên tuyến kênh cấp 2 không được đầu tư. Hiện ông Vượng đã có kiến nghị Bộ NN&PTNT đầu tư hệ thống kênh cấp 2 tránh lãng phí.
“Về những hư hỏng của kênh dẫn nước sau hồ Ea Súp Thượng thuộc trách nhiệm của đơn vị quản lý. Quá trình quản lý, nếu có vấn đề gì thì đơn vị quản lý phải báo cáo ngay cho các cơ quan liên quan để xử lý. Về phần chúng tôi cũng đã nghiệm thu, bàn giao nhiều năm nên đơn vị quản lý không thể nói mình không có trách nhiệm”- ông Vượng thông tin.