ThienNhien.Net – Trước vấn nạn các doanh nghiệp lợi dụng cấp phép, xuất hàng nghìn m3 cát bán “chui” ra ngoài gây bức xúc công luận, Sở TNMT tỉnh Phú Yên đã tham mưu UBND tỉnh tạm thời không cấp phép khai thác cát trên địa bàn của tỉnh, nhất là trên sông Ba.
Vì… miền Nam đang thiếu cát (!)
Ông Nguyễn Như Thức – GĐ Sở TNMT tỉnh khẳng định, cát xây dựng UBND tỉnh chỉ cho phép phục vụ xây dựng trong nội bộ trong tỉnh, việc các doanh nghiệp xuất đi bán ra ngoài tỉnh là do họ không nắm được chủ trương này này. Trả lời của ông Thức có nghĩa việc tuyên truyền chỉ đạo của tỉnh đến các doanh nghiệp không thông suốt? “Miền Nam không có cát xây dựng, cát xây dựng ở Phú Yên thì… phong phú, giờ không cho doanh nghiệp xuất đi thì ngăn sông cấm chợ” – ông Thức nói và phân minh “có cát để làm gì”.
Theo tìm hiểu của PV, trước thực trạng khai thác cát ồ ạt trên sông Ba, UBND tỉnh Phú Yên chỉ đạo Sở KHĐT tạm dừng tiếp nhận hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư các dự án thăm dò, khai thác cát cho đến khi tỉnh ban hành quyết định điều chỉnh quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng tỉnh Phú Yên đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
UBND tỉnh giao UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động khai thác cát. Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh nếu tiếp tục để xảy ra tình trạng khai thác cát trái phép trên địa bàn quản lý.
Từ cuối tháng 5 đến đầu tháng 6.2017, tại tỉnh Phú Yên nổi lên tình trạng một số mỏ được phép khai thác cát ở khu vực dọc sông Ba xuất bán cho các công ty trên địa bàn tỉnh. Sau đó, các đơn vị này chuyển bằng đường bộ vào bán cho các tỉnh phía Nam và tập kết tại cảng Vũng Rô để xuất bán ra ngoài tỉnh bằng đường thủy. Theo đó, khối lượng cát mà các công ty nhập về cảng Vũng Rô khoảng 35 nghìn tấn, trong đó đã xuất bán khoảng 27 nghìn tấn, còn tồn khoảng 7 nghìn tấn. Hiện Sở TNMT đang tiếp tục xử lý theo quy định.
Cảm tính!
Ông Võ Minh Thức – Phó chủ tịch HĐND tỉnh Phú Yên phản ứng kịch liệt trước ý kiến của ông GĐ Sở TNMT Nguyễn Như Thức: “Rừng Tây Nguyên, thượng nguồn Kon Tum, chảy về Gia Lai, Phú Yên. Bây giờ ngay ngõ Gia Lai và Bình Định làm thủy điện (thủy điện Ankhê – Kanak) đã chuyển dòng, nước trả xuống Bình Định. Chính vì vậy, lượng cát xuống Phú Yên không còn nữa. Hơn nữa, hiện nay trên địa bàn tỉnh đã làm bao nhiêu thủy điện trên các sông. Lượng cát trả về không đủ, đừng thấy có bao nhiêu cát đó mà nói nhiều”.
Ông Võ Minh Thức cho rằng, về trữ lượng cát trên sông, cần phải có điều tra, đánh giá tác động môi trường rất kỹ càng, bắt đầu từ thượng nguồn về hạ du. “Nguyên tắc bên lở bên bồi, nếu cho phép doanh nghiệp moi bên này thì lở bên kia. Nó sẽ phá tan dòng sông, cho nên, tỉnh phải hết sức thận trọng khi cho phép doanh nghiệp khai thác cát cả lòng sông và ven bờ sông Ba” – ông Võ Minh Thức nói, và lập luận: “Sở TNMT Không thể nói bây giờ cát nhiều, miền Nam thiếu, nay làm đường làm nọ rồi “bật đèn xanh” cho doanh nghiệp khai thác cát bán ra ngoài. Không thể nhìn cảm tính như vậy được”.
Chủ tịch UBND tỉnh nhận khuyết điểm
Ông Hoàng Văn Trà – Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên thay mặt UBND tỉnh nhận khuyết điểm trước nhân dân về vấn nạn các doanh nghiệp bán hàng nghìn m3 cát “chui” ra ngoài tỉnh trong thời gian vừa qua. Xác định đây là sự việc rất nghiêm trọng, ông Trà cho biết, tỉnh sẽ tổng rà soát, đánh giá lại trữ lượng cát hiện có trên các sông. “Sau khi có đánh giá, tỉnh sẽ đưa ra định hướng về vấn đề này và căn cứ trên các quy định của Chính phủ để tính toán cho phù hợp. Giả sử nếu có cho phép doanh nghiệp được khai thác cát thì doanh nghiệp đó có đăng ký kinh doanh lĩnh vực. Họ muốn được khai thác không hề được giản, phải tham gia đấu giá. |