ThienNhien.Net – Ngày 29/7 hàng năm, thế giới lại kỷ niệm ngày Quốc tế loài hổ. Dưới đây là một vài sự thật thú vị về loài vật tuyệt vời này mà bạn có thể không biết, theo Sputnik.
1. Vằn đen
Số lượng và mô hình của các vằn đen trên lông hổ là đặc điểm chính giúp phân biệt các phân loài khác nhau của loài động vật này.
Số lượng vằn trên mình hổ có thể lên đến 100! Hổ Amur, sinh sống ở Nga, sở hữu bộ lông dày và dài. Nó có vằn nhỏ hơn các phân loài khác, nhưng có chiếc đuôi dài nhất (lên tới 115 cm).
2. Sáu loài hổ trên thế giới
Nhìn chung, có tổng cộng 6 loài hổ trên toàn thế giới. Hổ Amur là loài có kích thước lớn nhất, nhưng là loài có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất.
3. Trang trại hổ
Hơn 5.000 con hổ đang sống trong các chuồng cọp trong cái gọi là các “trang trại hổ” ở Trung Quốc. Việc mua bán các bộ phận cơ thể của hổ bị cấm trên toàn thế giới, nhưng những chủ sở hữu các “trang trại” này không đóng cửa trang trại với hy vọng lệnh cấm sẽ được dỡ bỏ.
Ở Trung Quốc, nhiều bộ phận cơ thể khác nhau của hổ – từ xương cho tới râu – bị sử dụng trái phép để sản xuất các loại giả dược, chủ yếu dành cho việc điều trị các vấn đề về tình dục.
4. Thời kỳ sinh sản
Trong thời kỳ sinh sản, một con hổ đực chỉ dành 2 hoặc 3 ngày để gặp con cái. Sau cuộc gặp gỡ ngắn ngủi này, hổ đực rời bỏ hổ mẹ tương lai cho tới khi các con của nó lớn lên và sẵn sàng bắt đầu một cuộc sống độc lập. Giai đoạn này kéo dài khoảng 2 năm, trong đó hổ bố không tham gia quá trình nuôi dạy hổ con.
5. Hổ con
Hổ con có thể tự kiếm ăn cho mình khi đạt 11 tháng tuổi. Tuy nhiên, chúng được coi là hoàn toàn trưởng thành khi tròn 2 tuổi.
Nếu mẹ của chúng chết (hoặc bị những kẻ săn trộm giết hại), hổ con sẽ không có khả năng kiếm thức ăn thường xuyên cho bản thân trong môi trường hoang dã và thường tới những nơi có người ở để săn vật nuôi của con người.
6. Kẻ săn mồi tuyệt đối
Hổ Amur có thể được gọi là “kẻ săn mồi tuyệt đối,” đứng ở vị trí cao nhất trong chuỗi thức ăn. Hổ tấn công và ăn các loài động vật có kích thước nhỏ hơn nó. Một con hổ đói thậm chí có thể tấn công cả gấu.
Tuy nhiên, hổ Amur không bao giờ giết nhiều động vật hơn lượng đồ ăn mà nó cần để duy trì sự sống.
7. Mức phạt cho tội săn bắt trái phép
Ở Nga, những kẻ săn trộm hổ phải đối mặt với mức phạt lên tới 100.000 ruble (tương đương khoảng 1.800 USD) và án phạt tù lên tới 2 năm. Tuy nhiên, để lưu trữ và vận chuyển da hổ, một kẻ phạm pháp chỉ phải trả khoản phạt 1.000 ruble (khoảng 18 USD).
Tổ chức bảo tồn thiên nhiên thế giới (WWF) đang nỗ lực hết sức để đảm bảo rằng mức phạt cho việc vận chuyển và lưu trữ các bộ phận cơ thể của hổ sẽ được nâng cao hơn.