ThienNhien.Net – Ban Thường vụ huyện ủy kiến nghị việc nạo vét trong vòng một năm chứ không phải năm năm như tỉnh cấp phép.
Sau các kiến nghị của Ban Thường vụ Huyện ủy Long Điền, HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Tam Phước…, mới đây ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, đã chỉ đạo UBND tỉnh xem lại việc cấp phép nạo vét lòng hồ Bút Thiền (nằm giữa địa bàn hai xã Long Mỹ, huyện Đất Đỏ và xã Tam Phước, huyện Long Điền).
“Đừng biến công trình nạo vét hồ phục vụ cho thủy lợi, nông thôn trở thành một mỏ khai thác khoáng sản” – ông lưu ý.
Cấp phép nạo vét trong vòng… năm năm!
Năm 2016, Sở NN&PTNT tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu có kế hoạch nạo vét và tận thu vật liệu từ các hồ chứa nước trong tỉnh để phục vụ cho việc xây dựng trong tỉnh cũng như tăng khả năng chứa nước của các hồ. UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã đồng ý về mặt chủ trương.
Đến ngày 9-11-2016, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường và phương án cải tạo, phục hồi môi trường dự án hồ Bút Thiền (60 ha) của Công ty CP Đại Nguyên, chủ đầu tư dự án.
Trong ngày, tỉnh ra quyết định phê duyệt dự án. Theo quyết định, khu vực nạo vét 60 ha, khối lượng nạo vét gần 1,6 triệu m3 (cát xây dựng hơn 0,3 triệu m3, cát san lấp gần 1,3 triệu m3), thời gian nạo vét là năm năm.
Theo dự tính của Công ty Đại Nguyên, tổng mức đầu tư dự án khoảng 77 tỉ đồng. Số tiền này công ty tự bỏ ra và sẽ được tỉnh hoàn trả chủ yếu thông qua việc tận thu khối lượng vật liệu nạo vét.
Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cũng tính số tiền cấp quyền khai thác khoáng sản của Công ty Đại Nguyên phải nộp là hơn 5,1 tỉ đồng (nộp cho huyện Long Điền 3,3 tỉ đồng, số còn lại nộp cho huyện Đất Đỏ).
Cách khác, Công ty CP Đại Nguyên nộp cho Nhà nước khoảng 6 tỉ đồng và được quyền vét hút cát lòng hồ trong vòng năm năm.
Dân lo, huyện yêu cầu điều chỉnh
Dự án ảnh hưởng trực tiếp đến các xã viên HTX Dịch vụ nông nghiệp Tam Phước nên đơn vị này có đơn gửi tỉnh, Bộ NN&PTNT đề nghị xem xét lại dự án.
Theo ông Hồng Thanh Quang, Chủ nhiệm HTX, năm 2010 huyện Long Điền cho HTX thuê nuôi trồng thủy sản, nuôi vịt và giao cho HTX bảo vệ hồ, mở cống xả nước về ruộng. Hiện còn cá, vịt… của các xã viên dưới lòng hồ. Khi cấp phép tận thu cát, tỉnh chưa thỏa thuận với HTX về thiệt hại. Một người dân trồng lúa nước tại xã Tam Phước, huyện Long Điền lo: Mực nước hồ Bút Thiền ổn định. Nếu nạo vét, mực nước xuống thấp hơn nữa rất khó trong việc đưa nước về ruộng.
Cùng với đó, cuối năm 2016, Ban Thường vụ Huyện ủy Long Điền sau khi họp đã kiến nghị Tỉnh ủy xem lại dự án.
Theo một lãnh đạo Huyện ủy Long Điền, địa phương thống nhất chủ trương nạo vét hồ Bút Thiền. Tuy nhiên, đây là dự án nạo vét, cải tạo và tận thu chứ không phải mỏ khai thác vật liệu san lấp, xây dựng. Vì vậy cần điều chỉnh quy mô, thời gian nạo vét. Cụ thể: Chiều sâu nạo vét bình quân 0,5-1 m và thời gian thi công từ sáu tháng đến một năm (chứ không phải đến 4 m, trong vòng năm năm như tỉnh cấp phép).
Cạnh đó, đơn vị thi công phải cam kết duy tu, sửa chữa các tuyến đường nông thôn mới của xã trên địa bàn vì các xe chở cát sẽ cày nát các tuyến đường này.
Tuy nhiên, đến thời điểm này chủ đầu tư đã bắt đầu khai thác cát.
“Không để biến thành mỏ khoáng sản”
Theo tìm hiểu của PV, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đang tạm dừng đấu thầu quyền khai thác các mỏ khoáng sản vì chờ hướng dẫn của Bộ TN&MT. Tuy nhiên, một số dự án nạo vét, tận thu hồ nước, công trình thủy lợi trên địa bàn là theo hình thức chỉ định thầu. Ở dự án hồ Bút Thiền, thời gian tận thu cát là năm năm với trữ lượng hàng triệu mét khối. Đây như một cách lách luật để khai thác mỏ khoáng sản dưới danh nghĩa cải tạo lòng hồ.
Tại cuộc họp giao ban báo chí sáu tháng đầu năm 2017 (ngày 28-7), PV đã nêu vấn đề trên với các lãnh đạo tỉnh. Trả lời, ông Phan Văn Mạnh, Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, khẳng định không có chuyện lách luật. Chủ trương nạo vét trên cơ sở đề xuất của Sở NN&PTNT, Sở TN&MT tham gia đánh giá tác động môi trường được UBND tỉnh thông qua, cấp phép…
Tuy nhiên, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu Nguyễn Hồng Lĩnh chỉ đạo tỉnh cần xem lại dự án.
“Qua buổi làm việc hôm nay, tôi đề nghị UBND tỉnh xem lại. Đừng biến công trình nạo vét hồ phục vụ cho thủy lợi, nông thôn trở thành một mỏ khai thác khoáng sản. Lộ trình nạo vét, khai thác như thế nào để không ảnh hưởng đến người dân xung quanh. Đề nghị UBND có chỉ đạo Sở NN&PTNT báo cáo, chấn chỉnh những vấn đề chúng ta thấy chưa yên lòng” – ông nói.
• Tháng 7-2017, UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cũng đồng ý cho Công ty TNHH Tập đoàn Hải Châu Việt Nam nạo vét gần 200.000 m3 cát trên ở lòng hồ chứa nước Suối Nhum (rộng 10 ha) ở xã Hắc Dịch, huyện Tóc Tiên, huyện Tân Thành trong thời gian năm năm.
• Tháng 6-2017, tỉnh cũng giao cho Công ty TNHH Xây dựng Đông Nam và Công ty CP Tập đoàn Anh Vinh lập dự án nạo vét, tận thu khối lượng vật liệu lòng hồ chứa nước Châu Pha (250 ha, nằm trên địa bàn ba xã Tóc Tiên, Châu Pha và Sông Xoài của huyện Tân Thành). Ngoài ra, khoảng 25 hồ khác ở Bà Rịa-Vũng Tàu cũng đã, đang được xem xét lấy cát trong lòng hồ. |