ThienNhien.Net – Cuộc họp lần thứ tư và cũng là cuối cùng của Ủy ban Trù bị của Liên hợp quốc đã kết thúc vào ngày 21/7 vừa qua với khuyến nghị rằng Đại hội đồng LHQ cần nhóm họp, tiến hành các cuộc đàm phán về một hiệp ước bảo tồn biển khơi quốc tế.
Biển khơi ở đây bao gồm hơn 40% bề mặt trái đất và khoảng 2/3 diện tích đại dương. Đây là các khu vực rộng lớn cách đất liền 200 hải lý hoặc hơn – nói cách khác đây là các khu vực biển nằm ngoài vùng đặc quyền kinh tế của các quốc gia. Điều đó có nghĩa là biển khơi có thể được coi là thuộc về mọi người, không có cơ quan nào chịu trách nhiệm hoặc được giao nhiệm vụ quản lý và không có cơ chế quản lý toàn diện nào có thể bảo vệ những sinh vật sống biển dựa vào biển ở những khu vực này.
Năm 2015, Đại hội đồng LHQ đã thông qua nghị quyết thành lập Ủy ban Trù bị để nghiên cứu tính khả thi của một hiệp ước quốc tế được thiết kế để bảo vệ các vùng biển khơi có đa dạng sinh học cao và báo cáo lại vào cuối năm 2017.
Các nhà môi trường rất vui mừng với kết quả cuộc họp cuối cùng của Ủy ban Trù bị của Liên hợp quốc.
Mặc dù báo cáo của Ủy ban Trù bị đã đưa ra các khuyến cáo về các yếu tố cần được đưa vào bất kỳ thỏa thuận nào về biển khơi, nhưng vẫn còn một số vấn đề cốt lõi cần được cải thiện bằng các cuộc đàm phán quốc tế như xác định chính xác làm thế nào để xây dựng và quản lý các khu bảo tồn biển.
Hiện vẫn tồn tại các cơ chế điều hành và quản trị chắp vá đang quản lý các hoạt động của con người như câu cá, khai thác đáy biển và vận chuyển trên biển nhưng việc thiếu sự phối hợp giữa các hệ thống này đã khiến các hệ sinh thái biển ở các vùng biển khơi dễ bị tổn thương.
Theo LHQ, các khu bảo tồn biển hiện chiếm khoảng 13,2% lãnh hải của các nước, nhưng chỉ 0,25% các khu vực biển nằm ngoài vùng đặc quyền kinh tế của các quốc gia được bảo vệ theo một số hình thức khác nhau.
Việc xây dựng một hiệp ước nhằm giải quyết vấn đề thiếu các biện pháp bảo vệ môi trường biển ngoài khơi còn nhận được một sự khích lệ khác . Ngoài kiến nghị của Ủy ban Trù bị, tại Hội nghị Đại dương Liên hợp quốc lần đầu tiên diễn ra tại thành phố New York tháng 6 vừa qua, các nhà lãnh đạo thế giới cũng đưa ra lời kêu gọi hành động, “khẳng định cam kết mạnh mẽ trong việc bảo tồn và sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên biển”.
Hội nghị Đại dương Liên hợp quốc diễn ra với mục đích để đại diện các chính phủ cùng hợp tác và hoạch định chiến lược thực hiện Mục tiêu Phát triển Bền vững 14 của LHQ là “bảo tồn và sử dụng bền vững các đại dương, biển và các nguồn tài nguyên biển”. Các đại biểu tham dự Hội nghị đặc biệt nhấn mạnh rằng các khu bảo tồn biển là công cụ quản lý có thể “tăng cường khả năng phục hồi của đại dương và bảo tồn, sử dụng bền vững đa dạng sinh học biển”.
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng các khu bảo tồn biển và các khu vực được bảo vệ đóng một vai trò quan trọng trong nỗ lực bảo tồn đại dương ở một kỷ nguyên nhiệt độ toàn cầu đang ngày càng tăng. Nghiên cứu của một nhóm các nhà nghiên cứu quốc tế của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia (PNAS) Hoa Kỳ công bố hồi đầu năm nay kết luận rằng “các khu bảo tồn biển hiệu quả có thể giúp các hệ sinh thái biển và con người thích nghi với năm tác động nổi bật của biến đổi khí hậu bao gồm: axit hóa đại dương, mực nước biển dâng, cường độ bão gia tăng, thay đổi phân bố loài, giảm năng suất và khả năng cung cấp oxy cũng như các hiệu ứng tích luỹ của chúng”. Các tác giả nghiên cứu cho biết thêm rằng: “các khu bảo tồn biển là một chiến lược thích ứng có hiệu quả với chi phí thấp, có thể mang lại nhiều lợi ích từ quy mô địa phương tới toàn cầu, cải thiện viễn cảnh môi trường và con người trong tương lai”.
Ủy ban Trù bị đã đưa ra khuyến nghị nên có một hiệp ước bảo tồn biển khơi quốc tế, hiện tại, trách nhiệm của Đại hội đồng Liên hợp quốc là khởi động hội nghị liên chính phủ để tổ chức các cuộc đàm phán cuối cùng càng sớm càng tốt.
Bích Ngọc (Theo Mongabay)