ThienNhien.Net – Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngày 28/7, tại thành phố Hội An (Quảng Nam), Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam tổ chức triển khai thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu tại các tỉnh miền Trung-Tây Nguyên.
Thỏa thuận Paris về Biến đổi khí hậu đã được các quốc gia thông qua tại COP 21 (Hội nghị lần thứ 21 Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu), là văn bản pháp lý toàn cầu đầu tiên quy định trách nhiệm ứng phó với biến đổi khí hậu của tất cả các bên.
Trọng tâm của Thỏa thuận Paris là đưa ra các quy định liên quan đến trách nhiệm xây dựng và thực hiện đóng góp do quốc gia tự quyết định của mỗi bên tham gia Công ước Khí hậu.
Cho đến nay, Thỏa thuận đã được 195 nước ký, 155 nước phê chuẩn trong tổng số 197 bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp quốc về biến đổi khí hậu. Thỏa thuận Paris chính thức có hiệu lực từ ngày 4/11/2016.
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân cho biết tại Hội nghị này, các đại biểu tập trung trao đổi, thảo luận các thông tin cập nhật về biến đổi khí hậu, tác động của biến đổi khí hậu đến các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên; việc triển khai Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris và xây dựng kế hoạch triển khai các nội dung cụ thể thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 2053/QĐ-TTg ngày 28/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ.
Hiện trong số 20 tỉnh, thành phố khu vực miền Trung và Tây Nguyên, có Đà Nẵng, Khánh Hòa, Lâm Đồng, Nghệ An, Quảng Bình và Quảng Ngãi đã xây dựng và ban hành Kế hoạch của tỉnh/thành phố thực hiện Quyết định số 2053/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Đánh giá cao sự nỗ lực, chủ động của các địa phương,Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường mong muốn các tỉnh, thành phố trên chia sẻ kinh nghiệm của mình với các địa phương khác để thực hiện tốt nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao.
Tại Hội nghị, các nhà quản lý, các nhà khoa học trên toàn quốc trong lĩnh vực biến đổi khí hậu đã đưa ra những tham luận, kinh nghiệm trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu như: công tác quản lý nhà nước về biến đổi khí hậu; tác động của biến đổi khí hậu và các nỗ lực ứng phó biến đổi khi hậu tại Quảng Nam; kịch bản biến đổi khí hậu và tác động của biến đổi khí hậu đến khu vực miền Trung-Tây Nguyên; hướng dẫn xây dựng kế hoạch cấp tỉnh thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu; giả nhẹ phát thải khí nhà kính nhằm thực hiện Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris…
Đại diện cho địa phương bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu, nước biển dâng, ông Lê Trí Thanh, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam cho biết biến đổi khi hậu là vấn đề nóng của toàn cầu, vì vậy mỗi địa phương không thể thực hiện việc triển khai ứng phó một cách đơn lẻ.
Việc Việt Nam tham gia Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu nói chung và triển khai thực hiện Thỏa thuận này là việc làm vô cùng cấp thiết. Các ngành chức năng, các địa phương cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ cho công tác quản lý tài nguyên và môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu cho Quảng Nam nói riêng cũng như trong khu vực nói chung.
Để hướng dẫn, xây dựng kế hoạch cấp tỉnh thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, ông Nguyễn Văn Huy, Trưởng Phòng Khoa học công nghệ – hợp tác quốc tế (Cục Biến đổi khí hậu) cho biết, để việc triển khai Thỏa thuận Paris được thực hiện hiệu quả, các tỉnh, thành phố cần rà soát, lực chọn các nhiệm vụ có liên quan được giao tại Quyết định 2053/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; rà soát các văn bản, chương trình, dự án ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh đã được phê duyệt sắp xếp theo nhóm tương ứng với các nhiệm vụ được giao đã được xác định; xác định các nội dung phù hợp cần tiếp tục được triển khai; điều chỉnh và thực hiện bổ sung, trong đó có nhóm nhiệm vụ bắt buộc thực hiện…
Là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề do biến đổi khí hậu, Việt Nam đã chủ động, tích cực xây dựng đóng góp dự kiến do quốc gia tự quyết định (viết tắt là INDC) của mình và đệ trình INDC lên Ban thư ký Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu vào tháng 9/2015.
Theo INDC của Việt Nam, đến năm 2030, bằng nguồn lực trong nước, Việt Nam cam kết giảm 8% lượng phát thải khí nhà kính so với kịch bản phát triển thông thường và có thể giảm tiếp đến 25% nếu nhận được hỗ trợ quốc tế.
Đồng thời, Việt Nam sẽ thực hiện nhiều hoạt động thích ứng giúp tăng khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu tạo điều kiện để có thể đóng góp nhiều hơn cho giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.