ThienNhien.Net – “Kênh nước đen” là cụm từ được nhiều người sử dụng khi nói về những dòng kênh, rạch bị ô nhiễm nghiêm trọng trên địa bàn TP Hồ Chí Minh.
Nước bị ô nhiễm chuyển thành màu đen kịt, đặc quánh, bốc mùi hôi thối cùng nhiều rác thải, ruồi, muỗi, gián, chuột khiến đời sống của người dân ở khu vực xung quanh kênh bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Xử lý ô nhiễm, trả lại chức năng thoát nước thải, giảm ngập nước mưa của các dòng kênh, rạch là vấn đề bức thiết đòi hỏi TP Hồ Chí Minh gấp rút thực hiện.
Theo thống kê, TP Hồ Chí Minh có khoảng 2.000 km kênh, rạch đóng vai trò quan trọng trong việc thoát nước, bao gồm 5 dòng kênh chính và hàng trăm kênh, rạch nhỏ trải khắp địa bàn. Với sự nỗ lực của TP Hồ Chí Minh trong việc nạo vét, xây dựng hệ thống cống và bờ kè kiên cố, kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè, Tàu Hủ – Bến Nghé từng bị ô nhiễm nghiêm trọng đã được cải thiện đáng kể.
Tuy nhiên, hầu hết những kênh, rạch quy mô nhỏ có chức năng thoát nước thải trên địa bàn thành phố vẫn đang bị ô nhiễm nặng. Ngoài lượng rác thải sinh hoạt chủ yếu do người dân sống hai bên bờ kênh, rạch thải xuống, còn có rất nhiều rác thải, nước thải công nghiệp do các cơ sở sản xuất nhỏ lén lút đổ xuống. Theo các chuyên gia môi trường, tổng khối lượng rác thải “lơ lửng” trong các kênh, rạch khoảng hơn 53.000 tấn.
Số liệu đo đạc cho thấy hàm lượng oxy hòa tan (DO) trên các kênh, rạch vô cùng thấp, chỉ số E.coli (chỉ số vi khuẩn lây bệnh đường ruột) vượt tiêu chuẩn cho phép nhiều lần. Rác thải ứ đọng lâu ngày tạo điều kiện cho những khí độc hại từ những chất thải khó phân hủy thành mùi hôi thối như H2S, NH3 và khí biogas thoát ra gây mùi rất khó chịu.
Các loại khí này ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người dân sống hai bên bờ sông, kênh rạch cũng như những người điều khiển phương tiện đường thủy di chuyển qua khu vực này. Rác ứ đọng còn làm giảm khả năng tiêu thoát nước cho lưu vực, gây tình trạng ngập nước khi có triều cường và mưa lớn ảnh hưởng nghiêm trọng sức khỏe và đời sống người dân.
Những dòng kênh như Ba Bò (quận Thủ Đức), kênh Gia Định (quận 12), rạch Xuyên Tâm (quận Bình Thạnh, Gò Vấp), rạch Bàu Trâu (giáp ranh giữa quận Tân Phú và quận 6), rạch Phan Văn Hân (quận Bình Thạnh), kênh 19/5 chảy qua các quận Tân Bình, Bình Thạnh… từ lâu đã trở thành nỗi ám ảnh của người dân về tình trạng ô nhiễm.
Kênh Ba Bò nằm tại địa bàn giáp ranh TP Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương là một trong những điểm ô nhiễm nặng nhất của cả khu vực, mức độ ô nhiễm của dòng kênh này ngày càng gia tăng đến mức báo động. Đoạn kênh Ba Bò đoạn chảy qua Tỉnh lộ 43, phường Bình Chiểu, quận Thủ Đức có màu đen kịt. Theo người dân sinh sống dọc tuyến kênh, gần đây trên dòng kênh này, tình trạng ô nhiễm trầm trọng tái diễn, đặc biệt sau những cơn mưa, dòng kênh sủi bọt trắng và bốc mùi hôi thối nồng nặc.
Ông Nguyễn Văn Bi, người dân phường Bình Chiểu, quận Thủ Đức, cho biết: Kênh này bốc mùi hôi mà màu nước lại đen ngầu, đặc quánh, có khi nổi bọt rồi bám lên đường bê tông hai bên làm mặt đường cũng ố vàng hoặc chuyển sang màu đen. Lợi dụng trời mưa, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn phường Bình Chiểu lén lút xả nước thải chưa xử lý ra kênh làm nước kênh càng ô nhiễm trầm trọng hơn.
Mỗi ngày, kênh Ba Bò phải nhận một lượng nước thải công nghiệp khá lớn từ các khu công nghiệp, khu chế xuất trên địa bàn tỉnh Bình Dương và quận Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh như Khu Công nghiệp Sóng Thần 1, Khu Công nghiệp Sóng Thần 2, Khu Công nghiệp Đồng An. Ven bờ kênh Ba Bò, nước thải sinh hoạt tại khu vực dân cư dọc hai bên vờ cũng xả trực tiếp xuống dòng kênh.
Trước tình trạng ô nhiễm này, UBND TP Hồ Chí Minh đã triển khai dự án đầu tư cải tạo tuyến kênh Ba Bò từ năm 2007. Đến nay, các hạng mục như nạo vét lòng kênh, xây kè, đường giao thông đã cơ bản hoàn thành. Tuy nhiên, hạng mục chính là hồ điều tiết, hồ sinh học để xử lý nước thải vẫn đang trong quá trình được triển khai với tiến độ thực hiện vô cùng chậm, cùng với mức độ xả thải công nghiệp, xả thải sinh hoạt ngày càng gia tăng khiến dòng kênh Ba Bò ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng hơn trước.
Theo UBND phường Bình Chiểu, quận Thủ Đức, chính quyền địa phương thường xuyên cập nhật tình hình ô nhiễm, ghi nhận và phản ánh ý kiến người dân về vấn đề này; qua đó báo cáo với các đơn vị liên quan cũng như kiến nghị đẩy nhanh tiến độ thực hiện hồ điều tiết, hồ sinh học để xử lý nước thải nhằm giảm mức độ ô nhiễm.
Tương tự, tình trạng ô nhiễm trên rạch Xuyên Tâm, nhất là đoạn qua địa bàn quận Bình Thạnh đang xảy ra nghiêm trọng, ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống người dân trong khu vực. Tổng chiều dài toàn tuyến rạch Xuyên Tâm khoảng 8 km, chảy qua địa bàn quận Bình Thạnh và Gò Vấp, gồm ba nhánh. Trong đó, nhánh chảy từ cầu Bùi Đình Túy và cầu Sơn về cầu Bùi Hữu Nghĩa thông ra kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè (quận Bình Thạnh) bị ô nhiễm nặng nhất.
Nhằm giải quyết tình trạng ô nhiễm tại rạch Xuyên Tâm, Sở Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh đang có kế hoạch thực hiện dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm. Theo đó, rạch được cải tạo theo hướng để hở toàn tuyến và mở rộng đường ven hai bên rạch lên 4 – 6 làn xe, tổng mức đầu tư dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm dự tính khoảng trên 5.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong thời gian chờ dự án được khởi công, người dân nơi đây vẫn phải chịu đựng tình trạng ô nhiễm và đối mặt với nhiều bệnh tật do ô nhiễm gây ra.
Trên địa bàn phường Trung Mỹ Tây, quận 12 có kênh Gia Định (còn có tên gọi khác là kênh Nước Đen) đã trở thành nỗi ám ảnh đối với người dân lao động nghèo phải bám trụ sinh sống tại khu vực này. Dòng kênh nhỏ có màu đen kịt, chất cặn bã đóng thành lớp dày đặc, hai bên bờ, dưới lòng kênh tràn lan rác thải tràn lan, bốc mùi hôi tanh nồng nặc. Rác tại con kênh này chủ yếu do những người không có ý thức vứt thẳng xuống kênh.
Mỗi khi trời mưa, rác trôi về các miệng cống gây tắc nghẽn dòng chảy. Chất thải sinh hoạt cũng ồ ạt chảy ra từ những ống nhựa nối từ các hộ dân bên dòng kênh. Hàng chục cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm trong khu vực hoạt động liên tục với những dòng nước chảy xối xả xuống kênh, kèm theo những phế phẩm như lông gà, vịt …Chính sự vô ý thức của người dân trong khu vực đã góp phần làm cho dòng kênh càng ô nhiễm và bốc mùi nặng nề.
Đoạn kênh Gia Định có chiều dài khoảng 700 m, có khoảng 70 hộ dân sinh sống, đa phần là những hộ lao động nghèo không có điều kiện để di dời đi nơi khác. Mùi hôi thối bốc lên từ lòng kênh đe dọa đến sức khỏe của người dân, đặc biệt là trẻ em, có nhiều trường hợp mắc các bệnh về hô hấp tại khu vực này. Dòng kênh ô nhiễm nặng đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến mạch nước ngầm sinh hoạt, người dân tại đây phải hoàn toàn sử dụng nước máy trong các sinh hoạt giặt giũ, tưới tiêu chứ không dám dùng nước giếng khoan tại gia đình. Xóm lao động nghèo này còn phải chịu đựng nỗi ám ảnh về muỗi và chuột; muỗi có mặt khắp mọi nơi với số lượng dày đặc, trong mọi góc nhà…
Trước tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng của kênh Gia Định, ông Mai Văn Thọ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường Trung Mỹ Tây, quận 12, cho biết: Phường đã nhiều lần tổ chức cho các lực lượng phối hợp cùng người dân vớt rác, nạo vét kênh, cắm các biển cấm vứt rác dọc kênh và tuyên truyền người dân không xả rác bừa bãi xuống kênh. Tuy nhiên, tình trạng ô nhiễm vẫn không được cải thiện do người dân vẫn xả rác, nhiều hộ dân giết mổ chó thịt, gia cầm vẫn xả chất thải trực tiếp ra kênh, thậm chí có ngày lực lượng chức năng bắt được cả tấn chó thịt giết mổ trái phép tại khu vực.
Năm 2014, Khu Quản lý Giao thông đô thị số 3 (Sở Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh) đã có kế hoạch thực hiện dự án lắp đặt hệ thống cống hộp ở kênh Gia Định nhưng do nhiều nguyên nhân, đến nay vẫn chưa triển khai được. Thời gian tới, phường kiến nghị đơn vị thực hiện dự án đẩy nhanh tiến độ nhằm sớm giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường ở khu vực này.
Về giải pháp xử lý ô nhiễm các kênh, rạch trên địa bàn thành phố, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh, cho biết: Tình trạng ô nhiễm kênh, rạch thoát nước thải bắt nguồn từ rác thải, nước thải của người dân, của các chợ cũng như nước xả thải của doanh nghiệp. Vì vậy, Sở đang kêu gọi, tuyên truyền người dân không xả rác, cắm các biển cấm xả rác và khuyến khích người dân cùng chính quyền thu gom, dọn dẹp rác trên kênh, rạch.
Sở thường xuyên phối hợp với các quận, huyện tiến hành vớt rác, nạo vét kênh, rạch. Các doanh nghiệp khi xin phép thành lập phải có hệ thống xử lý nước thải. Sở sẽ tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát chặt chẽ nhằm tránh tình trạng xả thải ra kênh, rạch. Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố đang có kế hoạch xây dựng 12 lưu vực thu gom và xử lý nước thải sinh hoạt trên địa bàn thành phố nhằm giảm tình trạng ô nhiễm nguồn nước trên các kênh, rạch.