ThienNhien.Net – Khai thác titan tại tỉnh Bình Định từng được ví như cơn lốc bởi hàng loạt doanh nghiệp kéo về đây phá rừng, cày xới đất… thu lợi nhuận. Khi cơn lốc qua đi, người dân gánh chịu hậu quả nặng nề từ nguồn nước, môi trường sống và cả nỗi đau mất đi người thân.
Xóa sổ rừng, mạch nước ngầm “biến mất”
Giữa cái nắng chua chát đầu tháng 7, chúng tôi tìm về xã Mỹ An (huyện Phù Mỹ, Bình Định), nơi từng bị Công ty cổ phần khoáng sản Biotan (thuộc Công ty Dược – Trang thiết bị y tế Bình Định) dùng máy xúc, máy ủi… đào bới khắp nơi để khai thác titan. Cách đây 7 năm, làng quê yên bình tan hoang bởi tham vọng kiếm khoáng sản từ lòng đất của doanh nghiệp.
Ngày trước, nước sinh hoạt vùng này ngọt, mát lắm nhưng từ khi khai thác titan thì nguồn nước của gia đình tôi tự dưng hôi thối, có mùi bùn, uống không được. Đã khoan đến 3 giếng nước mà chỗ nào cũng vậy, đành phải bỏ tiền túi ra mua nước lọc, mất tiền nhưng tránh khỏi nỗi lo bệnh tật”. – Bà Nguyễn Thị Dũng (61 tuổi, xã Mỹ Thành) |
Chỉ tay về nơi rừng dương liễu cằn cỗi, ông Đặng Ngọc Thái – Trưởng thôn Xuân Phương (xã Mỹ An) bảo: “Đó là khu vực khai thác titan của doanh nghiệp. Khi được tỉnh cấp giấy phép, họ kéo công cụ về đây phá rừng để khai thác, tung bụi mù mịt. Khoảng 4 năm nay trở lại đây, mọi hoạt động khai thác đã ngừng và doanh nghiệp tiến hành trồng cây hoàn thổ nhưng cây không lớn, chỉ lưa thưa”.
Theo ông Thái, sau khi doanh nghiệp tàn phá môi trường, chở titan rời đi thì hàng trăm hộ dân địa phương chịu cảnh điêu đứng vì mạch nước ngầm bỗng dưng biến mất.
“Doanh nghiệp khai thác quá sâu nên mạch nước ngầm bị mất, rừng dương liễu cổ thụ điêu tàn, rồi bụi bặm… người dân trong làng không đồng ý, phản ứng rất dữ dội. Khi tiếng “kêu cứu” của họ không được giải quyết, mâu thuẫn lên đến đỉnh điểm thì nhiều người phá nhà xưởng, có khoảng 6 người phải ngồi tù vì vi phạm pháp luật”- ông Thái kể lại.
Bà Phạm Thị Ưa (80 tuổi, trú thôn Xuân Phương, xã Mỹ An) nói: “Việc khai thác titan đã để lại hệ quả nghiêm trọng, người dân lãnh đủ. Trước đây, mạch nước ngầm ở đây luôn dồi dào, cung cấp nước đầy đủ cho 2 cánh đồng Gò Sam và Ba Mùa với hơn 300 hộ dân sản xuất. Giờ mất nước, họ phải dùng giếng khoan, nhiều hộ dân không có điều kiện thì đành bỏ đất”.
Nỗi đau… chưa dứt
Cách đây chừng 4 năm, xã Mỹ Thành (huyện Phù Mỹ) là đại công trường với khoảng 17 doanh nghiệp ngày đêm khai thác titan. Thời kỳ hậu khai thác ti tan, doanh nghiệp rời đi, làng quê này xơ xác bởi những bãi cát trống trắng xóa, thiếu bóng cây rừng.
Nhớ lại chuyện cũ, bà Nguyễn Thị Dũng (61 tuổi, xã Mỹ Thành) bức xúc: “Nhiều diện tích dương liễu bị tàn phá, dân làng xót lắm nhưng chúng tôi chẳng làm gì được. Người dân thấp cổ bé họng muốn can ngăn nhưng nói đến thì có ai nghe được đâu, doanh nghiệp đến vùng đất này để khai thác, thu lợi, còn hậu quả thì người dân gánh chịu. Đất đai thoái hóa, kinh tế khó khăn… mấy ai hiểu”.
Nét mặt đầy căng thẳng, bà Dũng “điểm danh” hàng loạt hậu quả mà doanh nghiệp khai thác titan để lại như mất rừng, ô nhiễm môi trường, không gian bụi bặm, nguồn nước hao hụt, cây cối lụi tàn, chết người…
“Ngày trước, nước sinh hoạt vùng này ngọt, mát lắm nhưng từ khi khai thác titan thì nguồn nước của gia đình tôi tự dưng hôi thối, có mùi bùn, uống không được. Đã khoan đến 3 giếng nước mà chỗ nào cũng vậy, đành phải bỏ tiền túi ra mua nước lọc, mất tiền nhưng tránh khỏi nỗi lo bệnh tật. Nhiều năm trước, cây rừng bị tàn phá, bụi cát bay phủ đầy nhà, dân phản ứng quá nên nhiều công ty có trồng rừng chắn cát, nhưng cũng chỉ hạn chế được 1 phần” – bà Dũng than vãn.
Việc khai thác titan đã không còn nóng bỏng nhưng nỗi đau mà gia đình ông Võ Văn Trung (xã Mỹ Thành) trải qua vẫn còn âm ỉ, không thể dứt. Ông Trung không đồng tình với việc đổi titan để tàn phá môi trường, đặc biệt hố sâu titan đã cướp đi sinh mạng đứa con trai của ông là nỗi đau quá lớn. Thời đó, những hố titan không hoàn lấp đã trở thành cái bẫy đầy nguy hiểm, ám ảnh người dân, nhất là trẻ em vào mùa mưa.
“Tháng 1.2013, Công ty CP An Trường An san lấp hố sau khi khai thác titan nhưng không có rào chắn, biển báo. Trẻ em thả bò đi bờ rồi lọt xuống. Hố đó rộng chừng 400m2, sâu khoảng 25m. Sau khi có tai nạn, chính quyền và gia đình liên hệ nhưng phía công ty tránh né”- ông Trung kể lại.
Theo ông Trung, qua thời gian làm thủ tục, hồ sơ, phía công ty thỏa thuận đền bù cho gia đình 500 triệu đồng với mong muốn khắc phục hậu quả. Tuy nhiên, quá ngày cam kết không thấy công ty giữ đúng lời hứa nên ông Trung kiện ra tòa án.
“Tôi vẫn còn giữ biên bản thỏa thuận đây, tiền thì không quan trọng nhưng đau lòng nhất là mất đi đứa con”- ông Trung buồn bã nói.
Theo tài liệu mà phóng viên NTNN có được, tại địa bàn huyện Phù Mỹ, UBND tỉnh Bình Định đã cấp giấy phép khai thác titan cho 15 doanh nghiệp với tổng diện tích hơn 500ha và các giấy phép này đã hết hạn từ năm 2015.
Thời vàng son đã qua đi, tuy nhiên nỗi ám ảnh khai thác titan vẫn còn đeo đẳng người dân địa phương bởi 4 doanh nghiệp được Bộ Tài nguyên Môi trường cấp giấy phép khai thác (tổng diện tích 776,67ha) vẫn còn hiệu lực đến năm 2024. Người dân Phù Mỹ lại nơm nớp nỗi lo, họ không muốn trải qua giây phút kinh hoàng từ titan thêm một lần nào nữa. |