ThienNhien.Net – Các nhà khoa học đã lắng nghe đại diện Khu bảo tồn biển Hòn Cau, Hiệp hội Tôm phản ảnh việc tác hại có thể xảy ra với Hòn Cau và hoạt động nuôi tôm giống.
Ngày 27-7, ông Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ TN&MT và ông Nguyễn Ngọc Hai, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, cùng đoàn công tác đã có mặt tại vị trí nạo vét của Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 (Tuy Phong, Bình Thuận) để thị sát. Chiều cùng ngày, đoàn đã có buổi làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh Bình Thuận, tuy nhiên báo chí không được tham dự buổi làm việc này.
Cùng ngày, đoàn công tác gồm tám nhà khoa học do PGS-TS Trịnh Văn Tuyên, Viện trưởng Viện Công nghệ Môi trường, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ VN, làm chủ tịch hội đồng đã có mặt tại huyện Tuy Phong để khảo sát, đánh giá phương án, giải pháp bảo vệ môi trường hoạt động nhận chìm ở biển của Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1. Hội đồng chuyên ngành này được thành lập theo quyết định của chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ VN gồm các GS, PGS, TS của Viện Công nghệ Môi trường và Viện Hải dương học. Hội đồng đã làm việc với Khu bảo tồn biển Hòn Cau; Hiệp hội Tôm Bình Thuận.
Các nhà khoa học đã lắng nghe đại diện Khu bảo tồn biển Hòn Cau, Hiệp hội Tôm phản ảnh việc tác hại có thể xảy ra với Hòn Cau và hoạt động nuôi tôm giống nếu không cẩn trọng đánh giá toàn diện và khoa học.
Cũng trong ngày 27-7, Pháp Luật TP.HCM đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Xuân Tiên, từng là chuyên viên Hải học viện Nha Trang trước năm 1975 (nay là Viện Hải dương học Nha Trang. Ông Tiên hiện định cư ở Úc). Theo ông Tiên, việc nhận chìm chất bùn cát khi nạo vét luồng hàng hải được quốc tế công nhận, tuy nhiên quan trọng là vị trí nhận chìm ở đâu.
Ông Tiên cho biết việc nhận chìm ở độ sâu 36 m và vị trí nhận chìm quá gần với Hòn Cau nơi có hệ sinh thái phong phú và đa dạng là điều không nên làm. “Việc chọn thời điểm nhận chìm từ tháng 6 đến tháng 10 ở vùng biển Tuy Phong, một trong 18 vùng nước trồi tốt nhất thế giới, cần phải xem lại bởi đây là thời điểm nước trồi hoạt động mạnh nhất ở vùng biển Cà Ná-Tuy Phong” – ông Tiên nói.
Theo ông Nguyễn Xuân Tiên, ở Úc năm 2008 cũng cho nạo vét luồng hàng hải ở vịnh Port Philip Bay và cảng Melbourne để cho tàu có trọng tải lớn vào. Để làm điều này Chính phủ Úc đã mất năm năm để điều tra, khảo sát, hoạch định sự khả thi về bảo vệ môi trường, môi sinh với chi phí lên đến 120 triệu AUD.
“Vị trí nhận chìm ở Úc đều thực hiện ở độ sâu tối thiểu hơn 200 m và bùn cát nạo vét được chia nhỏ để đổ ở hơn 20 vị trí trong khu vực biển Mount Martha và Mornington” – ông Tiên nói thêm.