ThienNhien.Net – Rất nhiều những cây gỗ quý hàng chục, hàng trăm năm tuổi bị đốn hạ không thương tiếc. Dọc theo những lối mòn, chúng tôi phát hiện la liêt gốc cây xanh có đường kính 40-60cm đều bị chặt sát đến tận gốc…
Đó là những gì mà chúng tôi chứng kiến được sau hơn hai giờ đồng hồ đi bộ, băng qua nhiều đỉnh núi để đến tiểu khu 461 (thuộc làng Klot, xã Kon Gang, huyện Đăk Đoa, Gia Lai).
Dọc theo những lối mòn, chúng tôi phát hiện la liệt những gốc sao xanh có đường kính 40-60cm, tất cả đều bị chặt sát đến tận gốc, vết cưa vẫn còn tươi rói với bột cưa mới tinh, tại vết cưa vẫn còn ứa nhựa. Chứng tỏ rằng, những gốc cây này được đốn hạ cách đây không quá mười ngày. Cành nhỏ cũng chẳng còn bởi được đối tượng “tận thu” sạch sẽ. Lội vào sâu trong những cánh rừng già, chúng tôi phát hiện những cây bằng lăng hàng chục năm tuổi, có đường kính 60-80cm bị đốn gục. Những cây gỗ bằng lăng này được xẻ hộp với chiều dài khoảng 1-2m, tất cả đều được giấu kỹ, chờ thời điểm thích hợp để “xuống núi”.
Không chỉ sao xanh, bằng lăng mà rất nhiều thân gỗ nhóm 3, nhóm 4 khác, lâm tặc cũng đốn hạ, cưa thành từng đoạn một đến hai mét, tập kết chờ thời cơ vận chuyển. Những cành quá nhỏ hoặc cong queo, chúng vứt ngổn ngang lại hiện trường.
Chúng tôi tiếp tục men theo những đường xương cá, bất ngờ phát hiện thêm rất nhiều cây gỗ lớn (chưa xác định chủng loại gỗ), hầu hết đều có đường kính từ 60-80 cm bị đốn hạ không thương tiếc. Tất cả đã được xẻ hộp quy cách ngay tại rừng và chưa kịp tẩu tán.
Sau gần ba giờ đồng hồ len lỏi trên ngọn núi thuộc làng Klot, chúng tôi ghi nhận có 8 gốc cây hàng chục năm tuổi bị đốn hạ, gồm các loại gỗ như sao xanh, dổi, bằng lăng, một số cây không xác định được chủng loại, thuộc nhóm 3, nhóm 4. Tất cả đều có đường kính từ 40-80cm. Ngoài ra, có không ít cây có chủng loại như trên bị chặt hạ, xẻ tại rừng, dấu tích đã cũ, chứng tỏ đã bị chặt hạ từ trước đó. Điều lạ là khu vực rừng có những cây gỗ bị chặt hạ này, nằm ngay cạnh khu vực nương rẫy của đồng bào, mà việc “xẻ thịt” khối lượng gỗ nói trên, không phải chỉ diễn ra trong ngày một, ngày hai…
Rời rừng, chúng tôi quay về UBND xã Kon Gang, gặp được Phó Chủ tịch UBND xã, ông Phạm Văn Hảo. Ông Hảo cho biết: “Toàn xã Kon Gang quản lý khoảng hơn 500ha diện tích rừng tự nhiên, trong đó có khoảng 141ha diện tích đất rừng cần phải phủ xanh đồi trọc. UBND xã Kon Gang đã giao cho 63 hộ tham gia đăng ký trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng. Thời gian gần đây, người dân trong xã đã lên khu vực đỉnh núi làng Klot để dọn thực bì nhằm phòng tránh cháy rừng, rất có khả năng các đối tượng xấu cũng lợi dụng để khai thác trái phép lâm sản trên rừng”.
Ông Hảo cho biết thêm: “Ngay khi nhận được thông tin quần chúng nhân dân báo cáo về tình trạng có rất nhiều cây gỗ bị hạ vùng rừng trên đỉnh núi làng Klot, chúng tôi đã khẩn trương thành lập đoàn kiểm tra, lập tức đến hiện trường. Tại hiện trường, đoàn kiểm tra đã phát hiện 8 cây bị phá có đường kính từ 40-70cm. Để cho người dân an tâm, chúng tôi cũng kiểm tra các vùng lân cận nhưng không phát hiện thêm cây nào bị đốn hạ”.
Cũng theo ông Hào thì xã đã khoanh vùng một số đối tượng (ở địa bàn khác). Hiện UBND xã Kon Gang đã tổ chức họp dân, thông báo cụ thể tình hình cho người dân địa phương nắm rõ, tránh trường hợp dân nghi ngờ, mất lòng tin vào chính quyền địa phương trong công tác quản lý và bảo vệ rừng. Thông qua đó, khuyến khích người dân tiếp tục trình báo nếu phát hiện việc khai thác lâm sản trái phép diễn ra trên địa bàn…
“Hiện vụ việc vẫn đang được xác minh. Chúng tôi cũng đã kịp thời báo cáo vụ việc lên huyện” – ông Hảo cho biết.
Liên hệ qua điện thoại với Hạt Kiểm Lâm huyện Đăk Đoa, lãnh đạo Hạt cho biết ngắn gọn: “Chúng tôi đã nắm được thông tin trên và đang tiến hành điều tra…”.