ThienNhien.Net – Luật Khoáng sản có bảo vệ được tài nguyên khoáng sản? Đó vẫn chỉ là câu hỏi và bài toán mới giải được lý thuyết. Điều quan trọng bây giờ là làm sao khoáng sản không bị “rút ruột” như hai doanh nghiệp là Công ty Khai thác vàng Bồng Miêu và Công ty vàng Phước Sơn đã rút hàng khối vàng ở Quảng Nam.
Lấy vàng đi bán, nợ hơn 100 tỷ đồng tiền thuế
Mỏ vàng Bồng Miêu (xã Tam Lãnh, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam) thuộc Công ty Khai thác vàng Bồng Miêu đã bị UBND tỉnh Quảng Nam đề xuất đóng cửa mỏ vì hết hạn giấy phép. Để cương quyết với đơn vị này, mới đây Bộ TNMT đã ra “tối hậu thư” yêu cầu Công ty Khai thác vàng Bồng Miêu phải có báo cáo đề xuất đóng cửa mỏ vàng Bồng Miêu và trả nợ thuế.
Bộ TNMT chỉ ra hàng loạt vi phạm của Công ty Khai thác vàng Bồng Miêu tại mỏ vàng Bồng Miêu, cùng nhiều doanh nghiệp khi hết hạn giấy phép vẫn khai thác… Theo đó, tổng diện tích khu vực khai thác tại mỏ vàng Bồng Miêu (xã Tam Lãnh, huyện Phú Ninh) của Công ty Khai thác vàng Bồng Miêu là 385ha, công suất khai thác là 180.000 tấn quặng/năm. Theo báo cáo của Công ty Khai thác vàng Bồng Miêu, từ năm 2005 đến năm 2013 công ty khai thác 829,952 tấn quặng nguyên khai. Từ tháng 11.2013 đến 8.2014 ngừng hoạt động khai thác, đến ngày 30.9.2014 hoạt động trở lại. Tuy nhiên, từ tháng 9.2014 đến khi hết hạn giấy phép khai thác, công ty chưa báo cáo sản lượng khai thác.
“Mặc dù các cơ quan chức năng nhiều lần yêu cầu Công ty Khai thác vàng Bồng Miêu khắc phục tồn tại, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ ngân sách, nhưng công ty vẫn chưa thực hiện. Nếu công ty vẫn không chấp hành, Bộ sẽ xem xét lựa chọn đơn vị đủ năng lực để lập và thực hiện đề án đóng của mỏ theo quy định”. – Thứ trưởng Bộ TNMT Nguyễn Linh Ngọc |
Đến ngày 19.7.2016, Bộ TNMT có Công văn số 2910 yêu cầu Công ty TNHH Khai thác vàng Bồng Miêu chấm dứt toàn bộ hoạt động khai thác khoáng sản, thực hiện đóng cửa mỏ.
“Đến thời điểm hết hạn giấy phép, Công ty Khai thác vàng Bồng Miêu chưa trình Hội đồng đánh giá trữ lượng khoáng sản quốc gia báo cáo kết quả thăm dò nâng cấp trữ lượng trong khu vực khai thác để phê duyệt; chưa hoàn trả kinh phí nhà nước đã đầu tư cho điều tra địa chất tại mỏ vàng Bồng Miêu. Từ tháng 5.2012 trở lại đây, công ty bắt đầu chậm nộp thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường, thuế thu nhập cá nhân, thuế nhà thầu. Để xử lý vi phạm trong lĩnh vực thuế, Cục Thuế Quảng Nam đã ban hành nhiều văn bản, quyết định cưỡng chế, phong tỏa tài khoản, đề nghị UBND tỉnh không gia hạn giấy phép chứng nhận đầu tư” – công văn của Bộ TNMT nêu rõ.
Ông Lương Đình Đường – Cục phó Cục Thuế Quảng Nam cho biết: “Cục Thuế tỉnh đang thực hiện các bước cưỡng chế để thu hơn 107 tỷ đồng tiền thuế đối với Công ty Khai thác vàng Bồng Miêu. Tuy nhiên, nếu đóng cửa mỏ rồi thì phải dựa theo quyết định thực thi của tòa án, lúc đó mới có quyết định cuối cùng…”.
“Lỏng lẻo” trong bảo vệ khoáng sản?!
Đối với Quảng Nam, Bộ TNMT khẳng định, đây là một trong những “điểm nóng” về hoạt động khai thác vàng trái phép.
Hậu quả khai thác khoáng sản trái phép không những làm mất nguồn khoáng sản của Nhà nước mà còn làm mất đất sản xuất của người dân, phá rừng, gây ô nhiễm môi trường, nhất là hoạt động tuyển tách quặng vàng gốc do sử dụng hóa chất mà không được phục hồi, cải tạo môi trường sau khai thác; gây mất trật tự trị an, xảy ra nhiều vụ tai nạn lao động gây chết người.
“Đến thời điểm hiện nay, tình trạng khai thác vàng trái phép vẫn còn diễn ra, thậm chí có nhiều tụ điểm khai thác vàng trái phép trong khu vực đang tạm dừng khai thác của Công ty Khai thác vàng Bồng Miêu; một số khu vực đã giải tỏa nhưng có nguy cơ tái diễn. Một số đơn vị đã hết hạn giấy phép nhưng chưa thực hiện nghĩa vụ đóng cửa mỏ và vẫn duy trì một lực lượng lao động, thiết bị, phương tiện khai thác trái phép… Chưa thu hồi 4 giấy phép khai thác quặng vàng cấp tại khu vực chưa có kết quả đánh giá tiềm năng tài nguyên khoáng sản theo Kết luận Thanh tra số 1283 của Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam…” – Thứ trưởng Bộ TNMT Nguyễn Linh Ngọc kết luận.
Trong khi đó, ông Huỳnh Khánh Toàn – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho rằng: “Nguồn tài nguyên khoáng sản ở Quảng Nam phân bố trên địa bàn rộng, rải rác, không tập trung nên gây khó khăn cho công tác kiểm tra, giám sát và quản lý của chính quyền địa phương cùng các ngành chức năng. Việc kiểm tra, giám sát chốt giữ của một số địa phương và cơ quan chuyên môn cấp huyện chưa được thường xuyên, còn để xảy ra biểu hiện bao che cho hoạt động khai thác khoáng sản trái phép…”.
Để bảo vệ tài nguyên khoáng sản, ông Đinh Văn Thu – Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã ký ban hành Chỉ thị số 17 ngày 18.5.2016, yêu cầu: “Nghiêm túc thực hiện các quy định của Luật Khoáng sản 2010; áp dụng biện pháp mạnh là phá hủy hoặc tiêu hủy các phương tiện, máy móc, thiết bị, công cụ, dụng cụ vào hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản trái phép. Tỉnh cũng đã thiết lập đường giây nóng công khai số điện thoại 0913.480.369 để tiếp nhận thông tin phản ánh, kiến nghị về tiêu cực trong hoạt động quản lý nhà nước về hoạt động khoáng sản…”. Tuy nhiên, hoạt động khai thác trái phép khoáng sản ở Quảng Nam vẫn diễn ra phức tạp, nhức nhối (xem NTNN ngày 25.7).
Khai thác khoáng sản trái phép ngày càng phức tạp
Cách đây 1 năm, đánh giá về thực trạng khai thác khoáng sản trái phép trên cả nước, lãnh đạo Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam (Bộ TNMT) cho rằng, thời gian qua, các địa phương đã thực hiện nhiều giải pháp nhằn ngăn chặn hoạt động khai thác khoáng sản trái phép. Nhờ đó, đã giảm từ 47 tỉnh, thành có hoạt động khai thác trái phép ở năm 2012 xuống còn 40 tỉnh, thành năm 2015. Số lượng khoáng sản bị khai thác trái phép giảm từ 27 loại xuống 10. Tuy vậy, theo Tổng cục Địa chất và Khoáng sản, tình trạng khai thác khoáng sản trái phép tại nhiều địa phương ngày vẫn có chiều hướng ngày càng diễn biến phức tạp, gây thất thoát tài nguyên, ô nhiễm môi trường và tiềm ẩn mối nguy hiểm đến tính mạng con người. Nguyên nhân là do các địa phương chưa xử lý mạnh mẽ, cương quyết đối với người đứng đầu chính quyền địa phương, nhất là cấp xã khi để diễn ra hoạt động khai thác trái phép; tái diễn hoặc diễn ra công khai, lâu dài mà không xử lý dứt điểm. Sự phối hợp giữa các cấp chính quyền địa phương ở khu vực giáp ranh giữa các tỉnh, huyện, xã khi xử lý hoạt động khai thác khoáng sản trái phép chưa chặt chẽ, đồng bộ. Khi đã phát hiện điểm khai thác khoáng sản trái phép, các địa phương mới thành lập đoàn kiểm tra liên ngành và kém hiệu quả do mang nặng tính hành chính. Cũng theo Tổng cục Địa chất và Khoáng sản, một bộ phận người dân ở một số địa phương có đời sống khó khăn, không có nghề ổn định đã coi khai thác khoáng sản là nghề để mưu sinh hàng ngày. Mặt khác, khoáng sản quý, hiếm thường phân bố ở các khu vực vùng sâu, vùng xa, hạ tầng kỹ thuật thấp kém, đời sống nhân dân khó khăn, dân trí thấp. Trong khi đó, lực lượng quản lý khoáng sản rất mỏng, thiếu phương tiện, kinh phí nên không thường xuyên kiểm soát để phát hiện kịp thời hoạt động khai thác khoáng sản trái phép. Anh Thư |