ThienNhien.Net – Mực nước đầu nguồn sông Cửu Long đang lên. Mực nước cao nhất ngày 25-7 trên sông Tiền tại Tân Châu là 2,67m, trên sông Hậu tại Châu Đốc là 2,33m.
Trong những ngày tới, do lũ thượng nguồn về kết hợp kỳ triều cường, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long sẽ lên nhanh. Đến ngày 27-7, mực nước cao nhất ngày trên sông Tiền tại Tân Châu có khả năng lên mức 3m; trên sông Hậu tại Châu Đốc lên mức 2,6m, sau đó biến đổi chậm. Đây là đợt lũ sớm, xuất hiện sớm hơn trung bình nhiều năm và có thể còn diễn biến phức tạp.
Tại Long An, mấy ngày qua, mưa bão triền miên cộng với lũ đầu nguồn tràn về sớm nên mực nước nội đồng ở các huyện vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An lên nhanh. Trong tuần qua, bình quân mỗi ngày đêm mực nước lên từ 5-10cm, làm cho hàng ngàn hécta lúa hè thu của người dân nơi đây bị thiệt hại.
Theo bà Lê Thị Thanh Thủy, Bí thư Chi bộ ấp Cả Sậy, xã Vĩnh Đại, huyện Tân Hưng, trong 95ha đất vùng đệm khu bảo tồn Láng Sen của ấp, đã có gần 10ha bị mất trắng (lúa bị ngập khi còn non), số còn lại phải thu hoạch non (thiệt hại trên 50%).
Theo báo cáo của UBND huyện Tân Hưng, vụ lúa hè thu năm nay toàn huyện gieo sạ trên 38.000ha, hiện đã thu hoạch trên 27.000ha, trong này số diện tích bị thiệt hại hơn 3.800ha (hiện tại ước thiệt hại trên 12 tỷ đồng).
Còn tại huyện Vĩnh Hưng, hiện có gần 8.000ha lúa hè thu có nguy cơ bị ngập sâu nếu mực nước tiếp tục lên. Hiện chính các cấp chính quyền ở đây tăng cường tổ chức phương tiện, lực lượng để gia cố các tuyến đê bao để hạn chế thấp nhất thiệt hại.
để chủ động ứng phó lũ với sớm, nhằm giảm thiểu thiệt hại do lũ xảy ra, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn yêu cầu Sở NN-PTNT, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các địa phương phối hợp với các cơ quan truyền thông khẩn trương theo dõi sát diễn biến tình hình mưa, lũ hàng ngày; thông báo tình hình khí tượng thủy văn trên các phương tiện thông tin đại chúng để nhân dân biết chủ động ứng phó.
Cá linh non chủ yếu từ Campuchia về
Ngày 25-7, ông Trần Châu Phương Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản An Giang cho biết, tại các địa phương chưa xuất hiện tình trạng đóng đáy khai thác cá linh. Ở một số nơi, người dân có đặt lọp, dớn khai thác cá linh trên kênh, mương nhưng số lượng không đáng kể. Nguồn cá linh non trên địa bàn tỉnh hiện nay chủ yếu được nhập về từ Campuchia. Trước đó, Sở NN-PTNT tỉnh An Giang đã có văn bản yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố khi triển khai đấu giá cho ngư dân khai thác cá linh phải thực hiện đúng thời gian khai thác theo quy định của Bộ NN-PTNT là từ ngày 1-9-2017. |