ThienNhien.Net – 6 năm thực hiện “lệnh giới nghiêm” bằng một luật mới (Luật số 60/2010/QH12, chính thức có hiệu lực từ 1.7.2011) với kỳ vọng đưa hoạt động khai khoáng vào ổn định, nhưng kết quả chưa như mong muốn. Những thực trạng khó chấp nhận trong bức tranh khai khoáng loang lổ ở miền Trung là minh chứng.
Quảng Nam được mệnh danh là “xứ sở” của nguồn tài nguyên khoáng sản. Trong đó, có hai mỏ khai thác vàng lớn nhất nước, đó là Bồng Miêu và Phước Sơn. Đây cũng là đơn vị “tai tiếng” nhất, do nợ hàng trăm tỷ đồng tiền thuế kèm theo việc quản lý lỏng lẻo dẫn đến khoáng sản bị “rút ruột” trái phép và kéo theo hệ lụy đau thương với nhiều sinh mạng…
“Đại công trường” tìm vàng
Các huyện miền Tây xứ Quảng như Phú Ninh, Phước Sơn, Bắc Trà My, Đông Giang, Nam Giang… chưa một ngày nào được yên vì liên tục bị vàng tặc đục khoét để thu lợi.
Trong vai người đi thăm dò khoáng sản tại mỏ vàng Bồng Miêu (xã Tam Lãnh, huyện Phú Ninh), mỏ đồi Cho Val (thôn Dung, thị trấn Thanh Mỹ, huyện Nam Giang)… chúng tôi cuốc bộ gần 5km đường rừng mới có mặt tại vực AD, Ngách Chụm, Nhà Thùng, Đồi Sim… thuộc xã Tam Lãnh. Tại khu vực này, nhìn từ dưới lên trên nguyên một đồi núi với hàng trăm tấm bạt màu xanh (những chòi của nạn khai thác vàng trái phép-PV) phủ xanh núi đồi, những tiếng máy nổ vang như một đại công trường. Khi tiến vào các đồi núi, hàng trăm hang ngách bị đội quân khai thác vàng trái phép đào bới ăn sâu vào núi hàng cây số, thông liên hoàn với nhau như một ma trận. Dọc các hang động này, nhiều chỗ bị nứt nẻ, có những chỗ nước từ trên khe động nhỏ xuống, khiến ai cũng có cảm giác ớn lạnh…
Vừa đi chúng tôi vừa lo lắng sập hầm. Một người trong nhóm cho biết: “Việc sập hầm là chuyện thường, bởi hang động đã có hàng trăm năm. Vì mưu sinh nên phải liều mình, mình không làm thì người dân các nơi khác họ cũng đổ về khai thác…”.
Thống kê của UBND xã Tam Lãnh, huyện Phú Ninh cho biết: Hiện toàn xã có hơn 5.200 hộ, đa phần đều thuần nông, chuyên nghề canh tác và trồng rừng. Do “sức hút” của vàng nên hiện tại có khá nhiều người đi theo làm vàng trái phép. “Mặc dù chính quyền xã liên tục kêu gọi, tuyên truyền, cảm hóa giáo dục, thậm chí hỗ trợ vốn sản xuất, tạo công ăn việc làm cho “phu vàng”, nhưng cũng đành bất lực trước sự ồ ạt, liều lĩnh của vàng tặc… Không chỉ người địa phương mà có rất nhiều phu vàng từ các xã, tỉnh lân cận đổ vào. Hiện mỗi ngày trên các hầm, lò có khoảng 100 người, họ luồn lách, ẩn nấp, ăn ở luôn trong hầm nên khó đẩy đuổi được. Cái lo nhất hiện nay của xã là 300 công nhân của Công ty vàng Bồng Miêu nghỉ việc, một phần lao động quay lại làm vàng trái phép…” – ông Nguyễn Thế Vinh – Chủ tịch UBND xã Tam Lãnh cho biết.
“Ăn vàng, trả mạng”
Ông Nguyễn Thế Vinh cho hay: Từ năm 2005 đến nay trên địa bàn xã xảy ra 14 vụ sập hầm do khai thác vàng trái phép, trong đó có 24 người chết, 4 người bị thương. “Để bảo vệ nguồn tài nguyên khoáng sản và đảm bảo an ninh trật tự tại mỏ vàng Bồng Miêu, UBND xã Tam Lãnh đã nhiều lần kiến nghị UBND huyện Phú Ninh cũng như UBND tỉnh yêu cầu Công ty Khai thác vàng Bồng Miêu – đơn vị được giao quản lý khai thác mỏ vàng Bồng Miêu – sau khi đóng cửa mỏ phải phục hồi môi trường, trả nợ thuế, kiểm tra, kiểm soát diện tích được giao để ngăn chặn nạn khai thác vàng trái phép vào khu vực” – ông Vinh kiến nghị.
Theo thống kê của UBND tỉnh Quảng Nam, năm 2016, lực lượng chức năng của tỉnh đã tổ chức 223 đợt truy quét tại các vùng khai thác khoáng sản trái phép, phá hủy 340 máy nổ, 26 củ hút, 10 máy phát điện, 226 cối xay vàng đá, phá 362 lán trại, đẩy đuổi hàng ngàn đối tượng ra khỏi khu vực, tiến hành xử phạt hành chính 166 trường hợp với số tiền 3,9 tỷ đồng. |
Thực tế đau lòng mà chúng tôi ghi nhận ở “xứ sở” vàng Bồng Miêu cùng các địa phương khác là vì kế mưu sinh, vô số phu vàng đã phải nằm lại vĩnh viễn dưới hàng trăm khối đất đá.
Năm 2008, cũng như nhiều thanh niên khác trong thôn, 2 anh em Huỳnh Văn Xin (SN 1982), Huỳnh Văn Linh (SN 1991, ở thôn Trung Sơn, xã Tam Lãnh, huyện Phú Ninh) khăn gói vào bãi vàng ở núi Thánh Giá (huyện Phú Ninh) làm ăn. Trong một đêm mưa gió, lúc họ đang đào xới dưới hầm sâu, đất bỗng dưng đổ sập, chôn vùi cả 2 anh em.
Cuộc mưu sinh với vàng không dừng lại ở những cái chết sập hầm mà còn xảy ra khi chui vào hầm thăm dò rồi chết do bị ngạt khí. Theo đó, chiều 5.5.2013, lực lượng công an huyện Phú Ninh cùng người dân xã Tam Lãnh đã đưa ra ngoài thi thể 3 phu vàng (đều quê Quảng Nam) bị chết ngạt nhiều ngày dưới độ sâu gần 400m trong hầm vàng ở Ngách Chụm, thuộc khu vực núi Kẽm (thôn Bồng Miêu, xã Tam Lãnh, huyện Phú Ninh). 3 phu vàng chết ngạt này là Trần Viết Hoạt (49 tuổi, trú thôn An Bình, xã Tam Lãnh, huyện Phú Ninh), Hồ Văn Điền (19 tuổi, trú xã Trà Bui, huyện Bắc Trà My) và Hồ Văn Thương (18 tuổi, trú thôn 3, xã Trà Đốc, huyện Bắc Trà My).
Mới đây nhất, khoảng 8 giờ 30 ngày 4.4.2017, vợ chồng ông Nguyễn Đức Trọng (60 tuổi) và bà Phạm Thị Dưỡng (59 tuổi, trú Quảng Trị) đang khai thác vàng tại một hầm vàng trái phép ở khu vực đồi Sim (xã Tam Lãnh, trong khu vực mỏ vàng Bồng Miêu) không may hầm vàng đổ sập. Bà Dương may mắn thoát chết, còn ông Trọng tử vong trên đường đi cấp cứu.
Thiết nghĩ, sau khi đóng cửa mỏ vàng, nếu không giải quyết triệt để nạn vàng tặc, không xóa sổ các tụ hầm trái phép, nạn khai thác vàng trái phép khó chấm dứt và tình trạng sập hầm vàng gây chết người cũng không dừng lại ở đó.