Mỹ không còn là đầu tàu kinh tế?

ThienNhien.Net – Tăng trưởng tín dụng và các chính sách bảo hộ của Trung Quốc đang bị xem là những rủi ro đối với kinh tế toàn cầu.

Thế giới đang ngày càng dựa ít hơn vào Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới, trong việc duy trì phục hồi tăng trưởng toàn cầu, theo đánh giá của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF).

Mất niềm tin

Báo cáo Triển vọng Kinh tế thế giới (WEO) mới nhất của IMF công bố tại Kuala Lumpur – Malaysia hôm 24-7 cho biết kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng 3,5% trong năm nay và 3,6% trong năm 2018. Mức dự báo mới cập nhật này không thay đổi so với dự báo đưa ra trong báo cáo hồi tháng 4.

Dù những con số không thay đổi nhưng báo cáo cho thấy đang có biến chuyển về động lực của sự phục hồi kinh tế toàn cầu. Cụ thể, sự phục hồi này bớt phụ thuộc vào Mỹ và Anh nhưng lại dựa nhiều hơn vào Trung Quốc, Nhật Bản, khu vực sử dụng đồng euro (eurozone) và Canada.

Tuần trước, đồng USD rơi xuống mức thấp nhất trong vòng 14 tháng qua do giới đầu tư không còn tin vào khả năng chính quyền Tổng thống Donald Trump thực hiện chương trình nghị sự kinh tế của mình sau khi nỗ lực cải tổ chăm sóc y tế của phe Cộng hòa tại thượng viện thất bại.

IMF ước tính tăng trưởng kinh tế Mỹ trong năm 2017 và 2018 đều ở mức 2,1%, giảm so với dự báo trong báo cáo tháng 4 (lần lượt là 2,3% và 2,5%). Trong khi đó, Giám đốc ngân sách của Tổng thống Donald Trump, ông Mick Mulvaney, vừa viết trên tờ The Wall Street Journal rằng mục tiêu của chính quyền là duy trì mức tăng trưởng kinh tế 3%. Năm ngoái, kinh tế Mỹ tăng trưởng 1,6%. Hồi tháng 6, IMF rút lại đánh giá rằng kế hoạch cắt giảm thuế và tăng chi tiêu cho hạ tầng của tổng thống Mỹ sẽ thúc đẩy tăng trưởng.

Kinh tế Trung Quốc được dự báo là vẫn tăng trưởng nhưng tiềm ẩn nhiều rủi ro (Ảnh: Reuters)

Triển vọng kinh tế Anh cũng không lạc quan giữa lúc quốc gia này đang vật lộn với tiến trình đàm phán về việc rời Liên minh châu Âu (gọi tắt là Brexit). Theo IMF, kinh tế Anh sẽ tăng trưởng 1,7% trong năm nay, giảm so với mức 2% trong lần dự báo trước đó.

“Dự báo này thể hiện chính xác tại sao các kế hoạch của chúng tôi nhằm gia tăng năng suất lao động và bảo đảm có được thỏa thuận tốt nhất với Liên minh châu Âu là rất quan trọng” – Bộ Tài chính Anh tuyên bố hôm 24-7.

Lạc quan về Đông Nam Á

Không như Anh, kinh tế eurozone được dự báo tăng trưởng 1,9% trong năm 2017 và 1,7% năm 2018 (lần lượt tăng 0,2 và 0,1 điểm phần trăm so với lần dự báo trước).

Trong khi đó, IMF nâng dự báo tăng trưởng kinh tế năm nay của Trung Quốc lên 6,7%, tăng 0,1 điểm phần trăm so với dự báo đưa ra hồi tháng 4. Năm tới, tỉ lệ này là 6,4% (cao hơn 0,2 điểm phần trăm). Mục tiêu của chính phủ Trung Quốc là kinh tế tăng trưởng 6,5% năm nay.

Tuy nhiên, các nhà kinh tế và giới phân tích vẫn nhìn vào những con số này với ánh mắt đầy ái ngại, bởi nền kinh tế Trung Quốc tiếp tục dựa vào những khu vực có rắc rối như bất động sản trong khi các vấn đề nhức nhối như doanh nghiệp “xác sống” (gần phá sản nhưng vẫn được cứu vớt) hoặc cắt giảm nợ chưa được giải quyết.

Theo trang Financial Review, điều này khiến Trung Quốc ngày càng khó giữ được “kỷ lục” là nền kinh tế mới nổi hàng đầu duy nhất chưa trải qua một cuộc khủng hoảng tài chính nghiêm trọng nào. Báo cáo của IMF cũng vạch rõ tăng trưởng tín dụng và các chính sách bảo hộ của Trung Quốc đang là những rủi ro đối với kinh tế toàn cầu.

Cũng theo báo cáo, kinh tế Nhật sẽ tăng trưởng 1,3% năm nay, cao hơn mức 1,2% đưa ra hồi tháng 4. Tuy nhiên, nền kinh tế lớn thứ ba thế giới sẽ chỉ tăng 0,6% trong năm 2018, giữ nguyên mức dự báo hồi tháng 4. Canada sẽ dẫn đầu các nước trong nhóm G7 (7 nước công nghiệp hàng đầu thế giới) về tăng trưởng trong năm nay, với mức tăng là 2,5%, so với mức 1,9% đưa ra trong lần dự báo tháng 4. IMF dự báo kinh tế Canada tăng 1,9% trong năm 2018.

Nhóm 5 nước Đông Nam Á gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan, Việt Nam nhận được đánh giá lạc quan, nhờ thương mại toàn cầu tăng và nhu cầu nội địa được cải thiện. Tăng trưởng kinh tế nhóm nước này được dự báo tăng 5,1% và 5,2% trong 2 năm 2017, 2018.