Tuần trước, Cơ quan đầu mối quốc gia Áo (National Contact Point – NCP) đã đưa ra một kết luận được đánh giá là đáng thất vọng về quá trình hòa giải giữa Andritz, nhà cung cấp tuabin cho đập Xayaburi và liên minh quốc tế các tổ chức xã hội dân sự khu vực Mê Kông.
Đơn khiếu nại Andritz được đệ trình lên NCP Áo lần đầu tiên vào năm 2014 thể hiện những quan ngại sâu sắc về tác động môi trường và xã hội của đập Xayaburi. Trong khi đó, với tư cách chủ sở hữu một hợp đồng cung cấp thiết bị cho đập Xayaburi trị giá 300 triệu USD, Andritz được cho rằng có lợi thế quan trọng trong việc cải thiện thiết kế và quá trình thực hiện dự án.
Các nguyên đơn đã trích dẫn các nghiên cứu khoa học độc lập và ý kiến các chuyên gia cảnh báo dự án sẽ đe dọa an ninh lương thực, tăng tỉ lệ suy dinh dưỡng và làm mất sinh kế của cộng đồng ven sông do những tác động tới thủy sản và nông nghiệp cũng như việc phải tái định cư của cộng đồng địa phương.
Bản Tuyên bố chung, đánh dấu sự kết thúc của quy trình hòa giải của NCP, đã được các bên liên quan (NCP Áo, Andritz và hai tổ chức cuối cùng theo đuổi khiếu nại) ký và công bố vào ngày 20/7.
Theo Tuyên bố này, Andritz chỉ cam kết cung cấp thêm thông tin về tình hình tại các khu tái định cư của dự án và có hành động để cải thiện các chính sách nhân quyền và các chính sách đánh giá tính khả thi cho các dự án trong tương lai.
Những cam kết này, mặc dù rất quan trọng, nhưng được cho rằng không tạo ra sự thay đổi đáng kể cho các cộng đồng dân cư dọc theo sông Mê Kông đang bị đe dọa tới sinh kế và an ninh lương thực.
Kết quả này được cho là thể hiện việc thiếu đi một cơ chế khiếu nại hiệu quả cho các cộng đồng khu vực trước những thách thức của các dự án hủy hoại môi trường và gây ra các tác động xuyên biên giới.
Các rào cản chính trong việc tiếp cận các hệ thống tư pháp địa phương – như thiếu tính độc lập và tiến trình kéo dài – càng làm phức tạp vấn đề này. Điển hình như vụ kiện của những người dân Thái Lan bị ảnh hưởng bởi các tác động xuyên biên giới của đập Xayaburi lên Tòa án Hành chính Thái Lan vẫn đang trong thời gian chờ đợi hơn 5 năm, bất chấp quyết định mang tính bước ngoặt khi chấp nhận thụ lý vụ kiện vào năm 2014.
Tổ chức Sông ngòi Quốc tế đã rút khỏi nhóm khiếu nại chính thức vào tháng 5/2015 do nhận thấy các biện pháp bảo mật trong quá trình hòa giải NCP của OECD hạn chế tính minh bạch của quá trình này.
Nhóm Bên khiếu nại Mê Kông* cũng đã rút khỏi Quy trình Hướng dẫn của OECD trong tháng 3 đến tháng 4 năm 2017. Họ khẳng định rằng quy trình hòa giải của OECD, bao gồm cả vai trò trung gian hòa giải của NCP Áo, không cung cấp một khuôn khổ phù hợp để từ đó các vấn đề trọng tâm và những quan ngại đưa ra trong khiếu nại được thảo luận và thương lượng một cách hiệu quả. Quy trình này cũng không giải quyết được vấn đề yêu cầu Andritz thực hiện đầy đủ các trách nhiệm về tác động xuyên biên của dự án Xayaburi, bao gồm tích tụ trầm tích, thiệt hại về nguồn cá, đa dạng sinh học và các tác động xã hội khác.
Nhóm Khiếu nại Mê Kông kêu gọi cải thiện hơn nữa Bộ Hướng dẫn của OECD cho các doanh nghiệp đa quốc gia, đặc biệt là vai trò của NCP như một trung gian hòa giải, để có thể mang lại hiệu quả thực tế cho các cộng đồng bị ảnh hưởng bởi các dự án có tác động tiêu cực.
Các mốc thời gian của quá trình Khiếu nại:
|
* Nhóm Khiếu nại Mê Kông bao gồm các tổ chức: Trung tâm Tài nguyên Cộng đồng (Thái Lan), Nhóm Liên minh Hành động Thuỷ sản (Campuchia), Samreth Law Group (Campuchia), Trung tâm nghiên cứu pháp luật và chính sách phát triển bền vững (Việt Nam), Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Xã hội (Việt Nam) và Mạng lưới cộng đồng 7 tỉnh vùng Đông Bắc sông Mê Kông (Thái Lan).
Bích Ngọc