ThienNhien.Net – Báo cáo đã chỉ rõ hiện trạng thực tế là tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh chóng, nhưng cơ sở hạ tầng chưa theo kịp, đã khiến cho các đô thị, đặc biệt là các đô thị lớn, phải đối mặt với nhiều vấn đề môi trường cấp thiết.
Chiều 20/7, tại Hà Nội, Bộ TN&MT đã công bố Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia năm 2016 với chủ đề “Môi trường đô thị”.
Báo cáo đã chỉ rõ hiện trạng thực tế là tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh chóng, nhưng cơ sở hạ tầng chưa theo kịp, đã khiến cho các đô thị, đặc biệt là các đô thị lớn, phải đối mặt với nhiều vấn đề môi trường cấp thiết. Số lượng phương tiện giao thông cá nhân tiếp tục tăng nhanh, nhiều phương tiện đã hết niên hạn vẫn được sử dụng đã và đang thải vào môi trường lượng lớn bụi và khí thải.
Bên cạnh đó, hoạt động xây dựng các khu đô thị mới, sửa chữa, xây mới các tuyến giao thông cũng khiến cho môi trường không khí tại nhiều đô thị bị ô nhiễm bụi nặng. Nước thải đô thị hầu như chưa được xử lý, hoặc mới chỉ xử lý được một phần nhỏ, xả thải trực tiếp ra các ao hồ, kênh rạch, sông nội thành gây ô nhiễm môi trường nước mặt.
Mặc dù công tác thu gom, xử lý chất thải rắn ngày càng được tăng cường, nhưng vấn đề quản lý và xử lý chất thải rắn ở nhiều đô thị vẫn chưa thực sự phát huy hiệu quả. Nhiều đô thị, hạ tầng đô thị với hệ thống tiêu thoát nước đã xuống cấp, nhưng chưa được đầu tư, cải thiện, cùng với những diễn biến phức tạp của biến đổi khí hậu, thiên tai… khiến cho vấn đề úng ngập vào mùa mưa ngày càng trở nên nghiêm trọng, đặc biệt đối với các đô thị ven biển do chịu tác động của triều cường.
Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia năm 2016 được xây dựng gồm 8 chương và 1 phụ chương. Trong đó Chương 1 giới thiệu tổng quan phát triển đô thị Việt Nam; Chương 2: Môi trường không khí; Chương 3: Môi trường nước; Chương 4: Môi trường đất; Chương 5: Phát sinh và xử lý chất thải rắn; Chương 6: Tác động của ô nhiễm môi trường đô thị; Chương 7: Quản lý môi trường đô thị; Chương 8: Những vấn đề môi trường đô thị nổi cộm và đề xuất giải pháp. Phần phụ chương đề cập đến sự cố môi trường nổi cộm trong năm 2016 và một số bài học kinh nghiệm.
Báo cáo được giới hạn phạm vi tập trung đánh giá chất lượng môi trường xung quanh tại các khu vực nội thành, nội thị của các nhóm đô thị. Đây là nơi môi trường chịu nhiều tác động của các hoạt động phát triển kinh tế-xã hội. Nhiều nội dung, tài liệu, chuyên đề phục vụ xây dựng Báo cáo đã được tham khảo, phục vụ cho hoạch định cơ chế chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường tại khu vực các đô thị. Đặc biệt, nội dung của Báo cáo đã được sử dụng phục vụ kỳ họp thứ 3 của Quốc hội vừa diễn ra.
Phát biểu tại lễ công bố, ông Nguyễn Văn Tài, Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường cho biết, hiện nay tại các đô thị vẫn còn những vấn đề nổi cộm về môi trường. Đó là vấn đề kiểm soát và xử lý nước thải đô thị. Mức độ gia tăng lượng nước thải tại các đô thị ngày càng tăng, điển hình là Hà Nội và TPHCM.
Ở các đô thị khác, sức ép từ nguồn nước thải cũng là vấn đề đặt ra nhiều thách thức. Tỷ lệ nước thải sinh hoạt tại các đô thị được xử lý còn rất thấp, mới chỉ đạt 11%, chỉ có 42/787 đô thị có công trình xử lý nước thải tập trung. Điều này đã tác động lớn đến chất lượng nước của các nguồn tiếp nhận.
Bên cạnh đó là một số vấn đề “nóng” khác như ô nhiễm bụi luôn ở ngưỡng cao; ô nhiễm môi trường nước tại các sông, hồ, kênh rạch ở nội thị vẫn diễn biến phức tạp; tỷ lệ chất thải rắn được xử lý đúng kỹ thuật và hợp vệ sinh môi trường còn thấp… Trong thời gian qua, đặc biệt năm 2016 đã xảy ra hàng loạt sự cố ô nhiễm môi trường mà nguyên nhân chính là do công tác bảo vệ môi trường của các cơ sở sản xuất kinh doanh chưa tốt. Thậm chí có những vụ việc là hành vi cố tình xả thải các chất độc hại của chủ doanh nghiệp ra môi trường.
Thiệt hại từ những vụ việc và sự cố nêu trên không chỉ là về mặt kinh tế, mà còn gây tác động tiêu cực đến sức khỏe, đời sống, các hoạt động phát triển du lịch, gây tâm lý bất ổn cho cộng đồng.
Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường cũng cho biết, tất cả các vấn đề trên đã được trình bày, phân tích trong Báo cáo. Trên cơ sở đó, Báo cáo đã đưa ra các giải pháp tổng thể đối với công tác bảo vệ môi trường.
Ngay sau lễ công bố, Báo cáo được gửi tới các cơ quan của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, để phục vụ cho quá trình hoạch định chính sách, đẩy mạnh công tác bảo vệ môi trường, hướng tới sự phát triển đất nước một cách bền vững. Đồng thời, Báo cáo cũng được gửi cho các tổ chức chính trị xã hội, các trường đại học, viện nghiên cứu và tuyên truyền phổ biến rộng rãi cho cộng đồng.
Đặc biệt, Bộ TN&MT cũng sẽ triển khai cơ chế theo dõi, đánh giá kết quả tham khảo, vận dụng những khuyến nghị của Báo cáo, tiếp tục nghiên cứu, bổ sung cho các báo cáo chuyên đề vào những năm tiếp theo.