ThienNhien.Net – Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai – Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn vừa có công điện gửi Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố An Giang, Đồng Tháp, Hậu Giang, Cần Thơ, Sóc Trăng, Vĩnh Long, Trà Vinh, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang, Long An, Bến Tre, Tiền Giang yêu cầu chủ động ứng phó, giảm thiệt hại do lũ sớm gây ra.
Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai – Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn cho biết, theo tin từ Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương, từ ngày 15-18/7/2017, ở trung lưu sông Mê Kông đã có mưa vừa đến mưa to với tổng lượng mưa phổ biến từ 80-150mm. Mực nước đầu nguồn sông Cửu Long đang lên; mực nước cao nhất ngày 18/7 trên sông Tiền tại Tân Châu là 1,99m, trên sông Hậu tại Châu Đốc là 1,81m. Trong những ngày tới, do lũ thượng nguồn về kết hợp kỳ triều cường, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long sẽ lên nhanh, đến ngày 24-27/7, mực nước cao nhất ngày trên sông Tiền tại Tân Châu có khả năng lên mức 3m; trên sông Hậu tại Châu Đốc lên mức 2,6m, sau đó biến đổi chậm.
Đây là đợt lũ sớm, xuất hiện sớm hơn trung bình nhiều năm và có thể còn diễn biến phức tạp; để chủ động ứng phó, giảm thiệt hại do lũ gây ra, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai – Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn đề nghị Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, thông tin đến các cấp chính quyền, người dân, nhất là vùng thấp, trũng ven sông và chủ đầu tư các công trình trên và ven sông, kênh, rạch để chủ động các biện pháp phòng tránh.
Đồng thời, tổ chức kiểm tra, kịp thời xử lý những hư hỏng của hệ thống đê bao, bờ bao đảm bảo an toàn cho diện tích lúa, hoa màu và vườn cây ăn trái được đê bao, bờ bao bảo vệ.
Bên cạnh đó, chủ động thu hoạch diện tích lúa hè thu sớm, nhất là đối với những khu vực thấp, trũng không có đê bao, bờ bao bảo vệ.
Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố chỉ đạo việc kiểm tra những khu vực bờ sông, kênh, rạch đang có diễn biến sạt lở, có nguy cơ cao xảy ra sạt lở và các khu vực xây dựng nhà ở, công trình lấn chiếm lòng dẫn thoát lũ, để tổ chức cảnh báo và di dời dân đến nơi an toàn.