ThienNhien.Net – Dự án FAO nhằm mục đích tăng trưởng xanh, làm giảm khí thải nhà kính ở các tỉnh ven biển phía Nam (Việt Nam)…
Ngày 20/7, tại TP Cà Mau (tỉnh Cà Mau), Tổng cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT) phối hợp cùng tổ chức FAO, Sở NN-PTNT Cà Mau tổ chức hội thảo giới thiệu tổng quan về dự án “Thúc đẩy nhân rộng mô hình nuôi trồng thủy sản trong rừng ngập mặn hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh tại các tỉnh ven biển ĐBSCL”.
Tham gia hội thảo có TS Trần Đình Luân, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục thủy sản, ông Miao Weimin, chuyên gia nuôi trồng thủy sản (NTTS) khu vực châu Á – Thái Bình Dương (RAP), Viện Nghiên cứu NTTS II, ông Châu Công Bằng, PGĐ Sở NNPTNT Cà Mau, cùng đại diện ngành nông nghiệp các huyện hai tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS Trần Đình Luân khẳng định mô hình tôm – rừng đóng vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển ngành tôm Việt Nam.
Ông Miao Weimin cho biết, dự án FAO nhằm mục đích tăng trưởng xanh, làm giảm khí thải nhà kính ở các tỉnh ven biển phía Nam (Việt Nam). “Tôm là mặt hàng thủy sản quan trọng nhất của Việt Nam. Đặc biệt là ngành tôm có những bước tiến ngoạn mục”, ông Miao Weimin nói và nêu ra dẫn chứng rằng tổng giá trị nuôi tôm năm 2015 đạt 3,32 tỉ USD (FAO năm 2017) và đứng thứ 2 trên thế giới về giá trị và thứ 3 về khối lượng.
Theo ông Miao Weimin, hiện nuôi tôm ở nước ta chủ yếu với mô hình thâm canh, bán thâm canh. Các mô hình này dù đạt hiệu quả sản lượng nhưng nó có phần tác động đến môi trường, đến rừng ngập mặn ven biển. “Rừng ngập mặn đang chịu sự tác động lớn do tốc độ phát triển kinh tế ở các vùng ven biển phía Nam, Việt Nam”, ông Miao Weimin nhấn mạnh.
Cũng theo chuyên gia này, việc thúc đẩy phát triển nuôi tôm ở nước ta được xác định ưu tiên cho các vùng ven biển, do đó cần cơ cấu, tái cấu trúc lại việc nuôi tôm quảng canh trong rừng ngập mặn.
“Dự án do FAO hỗ trợ sẽ giải quyết một số vấn đề khi mở rộng nuôi tôm trong rừng ngập mặn ở ĐBSCL”, ông Miao Weimin nói và cho biết, hội thảo giới thiệu ý tưởng dự án, chia sẻ thông tin, kiến thức, kinh nghiệm giữa các bên liên quan.
Tài liệu của dự án FAO cho rằng, ngành tôm của Việt Nam có nhiều thách thức như: Tăng trưởng nhanh trong ngành nuôi tôm góp phần đẩy mạnh thâm canh, sinh ra nhiều vấn đề về dịch bênh và an toàn thực phẩm, tác động môi trường… Do đó, làm thế nào để nuôi tôm bền vững, giảm tác động đối với môi trường và phát thải GHS là thách thức lớn.
Mục tiêu của dự án là thúc đẩy ứng dụng các thực hành tốt của mô hình nuôi tôm – rừng ở các tỉnh phía Nam, nhằm góp phần lưu giữ cacbon xanh, giảm phát thải cacbon và nuôi tôm bền vững, cải thiện sinh kế và dinh dưỡng cho người dân ven biển.
Hội thảo được sự thống nhất cao của các đại biểu. Tuy nhiên vẫn còn một số ý kiến băng khoăn. TS Phan Thanh Lâm, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu NTTS II trình bày những mặt hàng chế về thực trạng trong sản xuất của hộ nuôi tôm – rừng như: Nuôi thủy sản trong rừng ngập mặn hiện nay chủ yếu là nuôi tôm ở phương thức quảng canh không thả giống, không cho ăn và nuôi quanh năm. Phương thức này năng suất không ổn định, hiệu quả kinh tế thấp và giảm dần khi tuổi cây tăng.
Theo TS Trần Đình Luân, cần xem xét phương thức nuôi tiến bộ hơn là có thả giống bổ sung tôm, cua, cá… các đối tượng nuôi được thu tỉa, thả bù thường xuyên theo con nước và có bổ sung thức ăn, mật độ thả giống bình quân 3 – 5 con/m2, năng suất từ 350 – 400kg/ha/năm…
Theo Viện Nghiên cứu NTTS II, hiện có nhiều cơ hội để phát triển mô hình nuôi tôm – rừng ở ĐBSCL như: Xu hướng phát triển theo chuỗi được khuyến khích và tạo điều kiện phát triển; chính sách hỗ trợ phát triển được quan tâm… Song, vẫn còn nhiều thách thức như cơ chế chính sách cần sát với mục tiêu, làm sao để chính sách đi vào cuộc sống tốt nhất; tiếp cận thị trường và cắt giảm các mắt xích trung gian…
Đánh giá cao mô hình tôm – rừng, tuy nhiên Phó Chi cục Thủy sản Bạc Liêu Nguyễn Hoàng Xuân cũng trình bày những khó khăn của địa phương khi triển khai mô hình như: Bạc Liêu nuôi tôm chủ yếu dưới tán rừng đước, lá rừng rụng gây khó khăn cho việc nuôi, liên kết thu mua cũng hạn chế… Ông Xuân đề nghị dự án cần nghiên cứu giúp con tôm phát triển được trong điều kiện nuôi dưới tán rừng đước.
PGĐ Sở NN-PTNT Cà Mau Châu Công Bằng cho rằng, dự án nên đặc biệt quan tâm đến các yếu tố bất lợi cho sự phát triển mô hình tôm – rừng. Bởi, năng suất của mô hình này vài năm trở lại đây cho thấy năng suất giảm, do môi trường bị ảnh hưởng…
Phát biểu kết luận hội thảo, TS Trần Đình Luân khẳng định: “Dự án nhằm đánh giá lại hiện trạng, thuận lợi và khó khăn để đề ra hướng nâng cao chất lượng, năng suất… Xây dựng thương hiệu, lợi thế về sản phẩm tôm – rừng nhằm phát triển mô hình bền vững, góp phần hoàn thành mục tiêu, kế hoạch, hành động của ngành nông nghiệp đã đề ra”. |