ThienNhien.Net – Nghị định số 59/2017/NĐ-CP về quản lý tiếp cận nguồn gene và chia sẻ lợi ích từ việc sử dụng nguồn gene sẽ là một bước hoàn thiện hệ thống luật pháp và nội luật hóa Nghị định thư Nagoya sau khi Việt Nam chính thức trở thành thành viên thứ 31 tham gia Nghị định thư này.
Tiếp cận nguồn gene và chia sẻ công bằng, hợp lý lợi ích phát sinh từ việc sử dụng nguồn gene là mục tiêu thứ 3 của Công ước Đa dạng sinh học được cộng đồng thế giới thông qua vào năm 1992. Mục tiêu này đã được cụ thể hóa ở Nghị định thư Nagoya về tiếp cận nguồn gene.
Thời gian qua, Chính phủ Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc thực hiện các cam kết quốc tế trong lĩnh vực đa dạng sinh học. Vấn đề tiếp cận nguồn gene đã được quy định tại Luật Đa dạng sinh học và một số văn bản khác.
Mặc dù những văn bản trên đã tạo khung pháp lý cơ bản, nhưng vẫn còn thiếu các quy định cụ thể về quy trình cấp giấy phép tiếp cận nguồn gene, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thực hiện cấp/thu hồi giấy phép, quy định về lợi ích tiền tệ và phi tiền tệ, các điều khoản thương thảo và ký kết hợp đồng tiếp cận nguồn gene, chia sẻ lợi ích các bên có liên quan… Do vậy, việc ban hành một văn bản mới nhằm hoàn thiện hệ thống luật pháp và nội luật hóa Nghị định thư Nagoya là một yêu cầu cấp thiết sau khi Việt Nam chính thức trở thành thành viên của Nghị định thư. Và ngày 12/5/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định 59 về quản lý tiếp cận nguồn gene và chia sẻ lợi ích từ việc sử dụng nguồn gene.
Tại buổi thông tin về Nghị định 59 do Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) phối hợp với các đơn vị tổ chức vào ngày 19/7, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Thế Đồng, cho biết Nghị định đã nêu cụ thể về nguyên tắc trong quản lý tiếp cận nguồn gene và chia sẻ lợi ích từ việc sử dụng nguồn gene; cơ quan đầu mối quốc gia thực hiện Nghị định thư Nagoya và các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp, gia hạn và thu hồi giấy phép tiếp cận nguồn gene; đối tượng, trình tự, thủ tục cấp, gia hạn và thu hồi giấy phép; các quy định về chia sẻ lợi ích từ việc sử dụng nguồn gene.
Về trình tự đăng ký và đề nghị cấp giấy phép tiếp cận nguồn gene, Nghị định đã quy định cụ thể các bước, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, doanh nghiệp. Cụ thể: Đăng ký tiếp cận nguồn gene với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền; thỏa thuận và ký hợp đồng với bên cung cấp; đề nghị UBND cấp xã xác nhận hợp đồng; nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép tiếp cận nguồn gene tới cơ quan Nhà nước có thẩm quyền; cung cấp thông tin, tài liệu bổ sung hoàn thiện hồ sơ khi có yêu cầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xác định, thẩm định hồ sơ đề nghị cấp giấy phép.
Về đối tượng phải đăng ký và đề nghị cấp giấy phép tiếp cận nguồn gene, Nghị định 59 quy định bao gồm: Tổ chức, cá nhân Việt Nam có nhu cầu tiếp cận nguồn gene để nghiên cứu vì mục đích thương mại, triển sản phẩm thương mại; tổ chức cá nhân nước ngoài có nhu cầu tiếp cận nguồn gene trên lãnh thổ Việt Nam; tổ chức cá nhân có nhu cầu đưa nguồn gene được tiếp cận ra nước ngoài, trừ mục đích phục vụ nghiên cứu không thương mại.
Nghị định cũng quy định trình tự rút gọn giấy phép đưa nguồn gene ra nước ngoài để học tập, nghiên cứu không vì mục đích thương mại đối với học sinh, sinh viên, nghiên cứu sinh, tổ chức khoa học và công nghệ Việt Nam. Quy định nêu trên nhằm tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy nghiên cứu khoa học trong nước về tài nguyên di truyền và phù hợp với nội dung quy định tại Nghị định thư Nagoya.