ThienNhien.Net – Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, tính đến 17 giờ ngày 18/7, thiệt hại do bão số 2 gây ra tại các tỉnh Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Hòa Bình, Phú Thọ, Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị đã làm bảy người chết (Hà Giang 1 người, Yên Bái 1 người, Nghệ An 4 người, Thanh Hóa 1 người); bốn người mất tích (Yên Bái 1; 3 thuyền viên tàu VTB26 gặp nạn trên vùng biển Nghệ An).
Bão số 2 đã làm 172 căn nhà bị sập (Yên Bái 2, Hòa Bình 7, Thanh Hóa 22, Nghệ An 140, Hà Tĩnh 1); 6.126 nhà bị tốc mái (Lào Cai 12, Phú Thọ 13, Yên Bái 8, Thanh Hóa 339, Nghệ An 5.658, Hà Tĩnh 45, Quảng Bình 51); 52 nhà phải di dời; 64 chiếc tàu cá bị chìm…
Bão số 2 làm 294.410 cây xanh bị gãy đổ; 597 con gia súc và 17.339 con gia cầm bị chết; 436m đường quốc lộ, 75m đường giao thông địa phương và 29 cầu nhỏ bị sạt lở, hư hỏng; 1.943m kè bị sạt lở; 801ha diện tích nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại; 4.540 cột điện bị gãy, đổ.
Diện tích lúa, hoa màu bị ngập do ảnh hưởng của mưa bão số 2 là 47.632 ha. Trong đó, diện tích lúa bị ngập là 36.077ha (Lào Cai 41,5ha, Yên Bái 464ha, Hòa Bình116ha, Phú Thọ 726ha, Hà Nội 7.255ha, Hà Nam 4.280ha, Nam Định 11.159ha, Thanh Hóa 3.751ha, Nghệ An 3.925ha, Hà Tĩnh 3.026ha, Quảng Bình 1.333ha); diện tích hoa màu bị ngập là 11.555ha (Lào Cai 9ha, Yên Bái 162ha, Hòa Bình 311ha, Phú Thọ 99ha, Hà Nội 841ha, Thanh Hóa 2.246ha, Nghệ An 8.311ha, Hà Tĩnh 1.083ha, Quảng Bình 262ha, Quảng Trị 90ha).
Các tỉnh đang tập trung bơm tiêu, nhờ đó diện tích ngập úng đã giảm. Các tỉnh Yên Bái, Phú Thọ diện tích ngập còn lớn do nước sông đang cao và rút chậm. Tại các tỉnh Hà Nam, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, dự kiến nếu không có mưa lớn, nước sẽ rút hoàn toàn trong 1-2 ngày tới.
Báo cáo của các tỉnh Đồng Tháp, Cần Thơ, Trà Vinh, An Giang, Bến Tre cho thấy mưa dông kèm lốc xoáy xảy ra trên địa bàn các tỉnh đã làm 32 nhà bị sập hoàn toàn; 211 nhà bị tốc mái, hư hỏng; 1.657ha lúa, hoa màu… bị thiệt hại; bốn cột điện bị đổ, gãy. Ước tổng tổng thiệt hại khoảng 1,64 tỷ đồng.
Vụ Quản lý công trình Thủy lợi và An toàn đập cho biết mực nước các hồ chứa đang ở mức thấp, trong đó các hồ chứa khu vực Bắc Bộ đạt 50-60% dung tích thiết kế. Các hồ chứa khu vực Bắc Trung Bộ đạt 58-68% dung tích thiết kế. Hai hồ chứa có cửa van đang xả nước là hồ Đá Hàn (Hà Tĩnh) do chưa hoàn thành hệ thống kênh sau đập; hồ Núi Cốc vận hành xả với lưu lượng 100 m3/giây để đảm bảo an toàn hồ (từ 13 giờ ngày 17/7).
Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố đã triển khai việc khắc phục hậu quả bão số 2 và mưa lũ gây ra theo các Công điện của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai – Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn, đồng thời theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ sau bão.
Các tỉnh, thành phố hạ du thủy điện Hòa Bình triển khai các biện pháp ứng phó với xả lũ hồ thủy điện Hòa Bình. Các tỉnh, thành phố Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Thái Bình, Bắc Ninh, Hải Dương có văn bản, công điện chỉ đạo các sở, ngành và địa phương trực thuộc.
Để tiếp tục khắc phục hậu quả bão số 2, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai đề nghị Văn phòng Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn phối hợp với các địa phương và đơn vị chức năng tiếp tục huy động lực lượng, phương tiện tập trung tìm kiếm người mất tích (3 thuyền viên tàu VTB26 gặp nạn trên vùng biển Nghệ An và 1 người ở Yên Bái); thăm hỏi hỗ trợ những gia đình có người bị chết. Các địa phương tiếp tục công tác khắc phục hậu quả do mưa, bão gây ra, đặc biệt là giúp dân sửa chữa lại nhà cửa, hỗ trợ các nhu yếu phẩm thiết yếu, phục hồi sản xuất. Tập trung bơm tiêu rút nước tại các khu vực bị ngập úng còn lại, khôi phục vụ sản xuất nông nghiệp những diện tích nước đã rút.
Các địa phương hạ du hồ Hòa Bình triển khai các biện pháp ứng phó với lũ do xả nước hồ Hòa Bình, đảm bảo an toàn dân sinh, cơ sở hạ tầng ven sông, hệ thống đê điều theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai.
Các cơ quan chức năng tiếp tục đánh giá thiệt hại do bão số 2 và mưa lũ gây ra; theo dõi chặt chẽ diễn biến mực nước đầu nguồn sông Cửu Long, chủ động biện pháp bảo vệ sản xuất khi nước.