ThienNhien.Net – Giữa rừng núi Phong Nha – Kẻ Bàng, già làng Đinh Rầu được người A Rem rất nể phục, kính trọng. Không chỉ am hiểu nhiều bài thuốc và có cách chữa bệnh tài tình, ông còn thông tuệ những gì thuộc về rừng xanh
A Rem là một tộc người nhỏ bé với khoảng hơn 50 hộ, 300 nhân khẩu sống giữa rừng núi Phong Nha – Kẻ Bàng thuộc xã Tân Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình. Người A Rem mới rời hang đá, sống định cư cách đây chừng 40 năm. Trong cộng đồng của họ có một người mà uy tín và tài năng đã vượt ra ngoài chốn thâm sơn cùng cốc. Đó là già làng Đinh Rầu.
“Pho sách sống”
Già làng Đinh Rầu năm nay đã ngoài 70 tuổi, nguyên là Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Tân Trạch. Sau khi về hưu, ông trở thành già làng của người A Rem.
Già làng Đinh Rầu có dáng người nhỏ thó nhưng rất nhanh nhẹn, khỏe khoắn như thú hoang giữa đại ngàn. Với những người muốn tìm hiểu về A Rem, ông như “pho sách sống” về phong tục, tập quán và văn hóa của tộc người này.
Ông Nguyễn Chí Sỹ, Bí thư Đảng ủy xã Tân Trạch, nhận xét: “Già làng Đinh Rầu là một người toàn năng. Ông là người còn lưu giữ được các phương pháp chữa bệnh bí truyền của người A Rem. Trong rừng Phong Nha – Kẻ Bàng, già làng Đinh Rầu biết được hàng ngàn cây thuốc quý dùng để chữa bệnh. Đặc biệt, ông còn sở hữu phương thức chữa bệnh về xương độc nhất vô nhị”.
Theo lời ông Sỹ, trong các phương pháp chữa bệnh của già làng Đinh Rầu thì cách chữa trị về xương là thần tình nhất. Mỗi lần có bệnh nhân, trước tiên, ông thực hiện nghi lễ tế Giàng, thần núi, thần rừng theo phong tục người A Rem bằng những sản vật đơn giản. Sau đó, ông nung chiếc dao hay rựa trong bếp than đượm lửa. Khi lưỡi dao đã đỏ rực, ông nhấc ra rồi ngậm đầu dao vào miệng. Được một lúc, ông nhả dao ra, thổi luồng khí nóng vào chỗ đau của người bệnh. Bàn tay ông dùng thuốc xoa qua xoa lại vết thương… Mỗi buổi ông làm 3 lần như vậy, cho đến khi nào vết thương lành thì thôi.
“Tôi lên Tân Trạch công tác đã gần 10 năm nay. Chừng ấy năm, tôi đã chứng kiến hàng chục trường hợp gãy xương được già làng Đinh Rầu chữa lành theo cách đó. Không kể những người ở nơi xa đến chữa bệnh, nhiều trường hợp được ông chữa trị hiện vẫn sống ngay trong bản. Chẳng hạn Y Mão, một cô bé người A Rem” – ông Sỹ khẳng định.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, Y Mão vốn nghịch ngợm. Một lần leo cây rừng, cô bé bị ngã gãy chân, lòi cả xương ra ngoài. Bố mẹ vì nghèo và đường sá xa xôi nên không đưa Y Mão đến bệnh viện chữa trị, để vết thương của con gái thối cả thịt. May mắn cho Y Mão, già làng Đinh Rầu biết được đã đưa cô về nhà ông chữa trị. Chỉ một thời gian sau, cô bé đã lành lặn, chạy nhảy như người bình thường.
Người dân địa phương cho biết vào tháng 10-2013, khi cơn bão số 10 đổ bộ vào Quảng Bình, quét qua Tân Trạch, trong xã có 2 trường hợp bị thương rất nặng. Trong đó, anh Đinh C’Rai bị cây đổ ập trên đầu, máu chảy bê bết, chân phải gãy, ngất xỉu tại chỗ, mọi người tưởng đã chết. Do không có tiền đưa Đinh C’Rai đến bệnh viện chữa trị nên gia đình đã sang nhờ già làng Đinh Rầu. Trường hợp thứ hai là anh Đinh Trặp, cũng bị cây đổ đè trúng làm gãy tay trái và được ông ra tay chữa trị. Đến nay, cả hai đã hồi phục bình thường, có thể đi rừng kiếm sống.
“Nếu không tận mắt chứng kiến cách già làng Đinh Rầu chữa bệnh và những bệnh nhân ông chữa lành hiện vẫn sinh sống ngay trong bản thì tôi cũng chẳng bao giờ tin” – ông Sỹ thán phục.
Bảo vệ vốn quý thiên nhiên
Với người dân A Rem, già làng Đinh Rầu như một kỳ nhân. Họ kính trọng, quý mến không chỉ vì ông am hiểu nhiều bài thuốc, có cách chữa bệnh tài tình mà còn thông tuệ những gì thuộc về rừng xanh. Đặc biệt, khi dân bản sống dựa vào núi rừng, vào sản vật của rừng núi, ông luôn nêu gương và khuyên bảo họ bảo vệ những vốn quý thiên nhiên. Việc săn mật ong rừng là một ví dụ.
Cuộc sống bao đời nay gắn liền với rừng núi nên đàn ông A Rem đều là những thợ săn ong thuần thục. Thế nhưng, “siêu” nhất không ai khác ngoài già làng Đinh Rầu, dù rằng ông tuổi ngày càng cao, sức càng xuống.
Khi chúng tôi đến Phong Nha – Kẻ Bàng là đầu tháng 7, những cánh rừng đang rộ mùa ong mật. Sau nhiều lần thuyết phục, cuối cùng, chúng tôi cũng được già làng Đinh Rầu cho đi theo trong một chuyến luồn rừng săn mật ong kỳ thú.
Đồ nghề mà già làng Đinh Rầu mang theo là chiếc gùi đựng ít vật dụng cần thiết sau lưng, một con dao và nắm cơm muối bữa trưa cho mọi người. “Hôm nay có cán bộ (cách già làng Đinh Rầu gọi khách – người viết) theo nên miềng (mình) chỉ đi trong ngày, chứ mọi khi phải chuẩn bị thêm nhiều thức ăn để đi vài ngày, tìm cho được nhiều mật ong” – ông giải thích.
Trên đường vào rừng, chúng tôi đi qua những cây săng lẻ cao hơn 20 m. Ngước nhìn lên, bất chợt chúng tôi thấy một tổ ong rừng treo lủng lẳng trên ngọn cây. Thế nhưng, già làng Đinh Rầu dẫn chúng tôi đi qua luôn. “Tổ ong này đã có chủ. Có người tìm được nó trước, đã đánh dấu ở gốc rồi, chắc bận chi đó nên chưa lấy mật” – ông giải thích.
Theo già làng Đinh Rầu, có một quy tắc bất thành văn là để bảo vệ ong, khi tổ còn nhỏ, chưa có nhiều mật thì không được khai thác. Khi ai đó đã phát hiện tổ ong như vậy hoặc do bận việc, họ chỉ cần đánh dấu ở gốc cây. Dân bản khi thấy gốc cây được đánh dấu sẽ biết tổ ong đó đã có chủ và không lấy mật nữa. Nếu khai thác, họ sẽ bị cho là ăn trộm. Đây là điều cấm kỵ, là nguyên tắc sống truyền đời của người A Rem.
Già làng Đinh Rầu tiếp tục dẫn chúng tôi vào sâu trong rừng Phong Nha – Kẻ Bàng. Đến một cây ngá cao hơn 30 m, ông chỉ tổ ong mật to tướng treo lơ lửng trên một cành sát ngọn, bảo: “Hôm ni, già sẽ lấy tổ ong này”. Nói đoạn, ông thoăn thoắt đi lấy dây rừng. Cứ khoảng 1 m, ông lại buộc nút vào thân cây, từ gốc cho đến tổ ong. “Đây chính là cái thang để leo lên “đánh” mật. Có nhiều tổ ong ở tít trên cây cao, phải buộc 30 – 40 nút mới tới” – ông cho biết.
Già làng Đinh Rầu lại đi tìm nhánh cây khô, quấn lá rừng tươi quanh bên ngoài để đốt lên không ra lửa mà tuôn khói, gọi là “trái khói”. Xong, ông mang theo cái gùi để đựng mật, tay cầm “trái khói” chậm rãi leo lên cây. Gần đến nơi, ông thong thả nổi lửa châm “trái khói”, huơ huơ về phía tổ ong. “Say” khói, đàn ong rời tổ, bay ra dày đặc. Lúc này, tổ ong hiện ra màu vàng rực, sực nức mùi hương quyến rũ của mật.
Già làng Đinh Rầu cẩn thận lấy dao cắt từng mảng tổ ong đầy mật, nhộng cho vào gùi. Ông không cắt hết cả tổ mà chừa lại một phần. “Để lại cho đàn ong vẫn còn nhộng, mật tiếp tục sinh sôi, không bỏ rừng này mà bay đi; để sang năm, người A Rem vẫn còn lấy được mật ong. Đó cũng là cách mà người A Rem bảo tồn ong trong tự nhiên” – ông lý giải.
Nguồn sống từ núi rừng
Theo Bí thư Đảng ủy xã Tân Trạch Nguyễn Chí Sỹ, mật ong rừng được bán ngay tại bản với giá 500.000 đồng/lít. “Mỗi mùa ong rừng, những người kỳ cựu như già làng Đinh Rầu có thể lấy được trên 50 lít mật. Đây là nguồn sống quan trọng của người dân địa phương” – ông cho biết. |