ThienNhien.Net – Ngay cả khi các quốc gia cùng nỗ lực giảm phát thải carbon và hạn chế biến đổi khí hậu, nồng độ CO2 đang quá cao vẫn sẽ tiếp tục hủy hoại đại dương trong vài thập kỉ tới. Một nghiên cứu mới được đăng tải trên tạp chí PNAS đã kết luận rằng các các khu bảo tồn biển (MPAs) là cách thức hiệu quả về chi phí giúp giảm thiểu tác động từ biến đổi khí hậu tới đại dương.
Các khu bảo tồn biển vốn được biết đến nhằm hạn chế hoặc cấm hoàn toàn đánh bắt hải sản và các hoạt động phát triển của con người, giúp phục hồi các loài cá và đa dạng sinh học đại dương. Tuy nhiên, bài viết mới đây đăng trên tạp chí PNPAS còn khẳng định thêm nhiều hiệu ứng tích cực khác của các khu bảo tồn biển này.
Nghiên cứu đã chỉ ra các bằng chứng cho thấy MPAs giúp giảm axit hóa nước biển, giảm hiện tượng nước biển dâng và cường độ các cơn bão. MPAs còn có thể là nơi cư trú an toàn cho nhiều loài bị mất đi môi trường sống ban đầu, đồng thời giúp phục hồi những khu vực có hàm lượng oxy thấp và thiếu dinh dưỡng.
Nghiên cứu cũng nhấn mạnh chức năng tích trữ carbon của các khu MPAs, từ đó giúp trung hòa lượng phát thải carbon. Ngoài ra, carbon được tích tụ dưới đáy biển hàng thiên niên kỉ, giúp hình thành các mỏ dầu và than.
Gia tăng nồng độ CO2 trong không khí đã khiến nồng độ axit bề mặt nước biển tăng thêm trung bình 26% kể từ thời kỳ tiền công nghiệp. Đây là vấn đề nan giải đối với nhiều sinh vật biển. Tuy nhiên, các loại cá được biết đến với khả năng hấp thu canxi từ nước biển, kết hợp với carbon rồi thải ra một dạng phân tử carbonat, tạo thành một lớp mỏng giúp trung hòa axit đại dương. Các loài cá thường sống tầng trung (độ sâu từ 200-1000m), di chuyển liên tục từ đáy biển (nơi có nhiều carbon) đến bề mặt (nơi chúng thải carbonat).
Vì vậy, việc xây dựng nhiều hơn các khu MPAs vừa giúp bảo vệ các loài cá, vừa góp phần giảm lượng axit hóa đại dương, hạn chế gia tăng mực nước biển và cường độ các cơn bão hình thành trên các vùng nước ấm hơn.
MPAs bao gồm cả vùng ngập nước ven biển, đất ngập mặn hay các khu rừng đước, giúp bảo vệ đất khỏi sự tàn phá của các cơn bão và giảm lũ lụt.
Nhiệt độ nước biển tăng sẽ khiến hệ sinh thái biển kém “thân thiện” hơn, và nhiều loài sẽ phải di cư. Mạng lưới các khu bảo tồn biển sẽ đóng vai trò làm điểm dừng chân hỗ trợ cho việc di cư này, giúp giảm nguy cơ phân tán các loài hay cô lập quần thể.
Hơn thế nữa, MPAs giúp ứng phó với hiện tượng ”sa mạc hóa đại dương”, giảm oxy ở vùng biển gần các cực do biến đổi khí hậu, hỗ trợ phục hồi các vùng lân cận. Chẳng hạn, bào ngư đẻ trứng tốt hơn trong khu vực MPAs tại Baja California, Mexico đã giúp phục hồi loài này nhanh hơn tại các vùng lân cận, nơi thường xuyên thiếu oxy.
Ở phạm vi toàn cầu, các loài thủy sinh như rong biển hấp thụ CO2 và chuyển hóa thành vật chất nuôi cây. Đầm lầy sẽ là nơi lưu trữ carbon. Phá vỡ môi trường sống của các loài thủy sinh không những làm mất đi một hình thức tích trữ carbon, mà còn giải phóng các phân tử carbon hữu cơ vào chu trình carbon. MPAs, ngược lại, giúp bảo toàn các hệ thống dự trữ carbon này.
Theo bà Christiana Pasca Palmer, Thư kí Điều hành Công ước Liên Hợp Quốc về Đa dạng sinh học, hiện nay mới chỉ có 5,7% diện tích đại dương được phân loại thành khu bảo tồn, trong đó nhiều khu vực cần được quản lí nghiêm ngặt hơn. Tổ chức này hiện đang khuyến khích các quốc gia ven biển chuyển đổi 10% diện tích vùng lãnh hải hiện tại thành MPAs và tiến tới mục tiêu 30%.
Tại các khu vực MPAs thuộc vùng biển Caribbean, các hoạt động đánh bắt bị cấm đã cho thấy sự khác biệt rõ nét. Tuy nhiên, hiệu quả của các khu vực MPAs vẫn cần các nhà khoa học tiếp tục nỗ lực để chứng minh.
Thế nhưng, GS.Ray Hilborn (Đại học Khoa học Thủy văn và Ngư nghiệp, Washington) lại có quan điểm khác. Ông cho rằng việc quản lý chặt chẽ hoạt động đánh bắt vẫn có thể thúc đẩy khả năng sinh sản và phát triển của các loài cá, đồng thời giảm nhẹ tác động đến môi trường. Nếu như MPAs chỉ bảo vệ một số khu vực nhất định, thì hướng tiếp cận này giúp bảo vệ toàn bộ môi trường biển và các loài thủy sinh, vừa đảm bảo sinh kế cho người dân.
Theo GS, hoạt động đánh bắt còn liên quan đến chuỗi thức ăn toàn cầu. ”Đóng cửa” 30% diện tích đại dương bằng MPAs không đồng nghĩa với việc tạo ra nhiều thực phẩm hơn, trong khi chuyển đổi đất rừng thành trang trại trồng trọt và chăn nuôi tạo ra nhiều dấu chân carbon hơn là hoạt động đánh bắt cá. Ở một số khu vực còn quy định quản lí nghề cá lỏng lẻo như Đông Nam Á, MPAs sẽ giúp bảo vệ vùng lãnh hải. Tuy nhiên, nếu áp dụng cho các khu vực như Mỹ, Canada hay Australia, MPAs có thể sẽ làm giảm nguồn cung cấp lương thực.
Cuối cùng, nghiên cứu cũng thừa nhận rằng hạn chế đánh bắt và các biện pháp khác có thể mang lại một số lợi ích cho MPAs và rằng thành công của các khu bảo tồn này trong việc thực hiện và quản lý bảo tồn là “rất cao”. Ngoài ra, mặc dù có thể không phải là giải pháp thay thế cho mục tiêu giảm phát thải nhà kính, song MPAs giúp khẳng định rằng việc bảo vệ hệ sinh thái có thể khuyến khích các nghiên cứu sâu hơn đối với cơ chế được cho là “thuận theo tự nhiên tương đối đơn giản” này.
Nguyễn Sen (Theo Mongabay)