ThienNhien.Net – Các nhà khoa học và chuyên gia thống nhất kiến nghị Chính phủ, Quốc hội giữ nguyên hiện trạng bán đảo Sơn Trà, thành lập ban quản lý khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà…
Ngày 15-7, Viện Sinh thái học miền Nam phối hợp với Hiệp hội Du lịch TP Đà Nẵng đã tổ chức hội thảo bảo tồn và phát triển bền vững hệ sinh thái tự nhiên bán đảo Sơn Trà (TP Đà Nẵng).
Cần loại khỏi quy hoạch khu du lịch quốc gia
Ông Trương Trọng Nghĩa, đại biểu Quốc hội đoàn TP HCM, khẳng định nhất thiết không cho phép xây dựng thêm mà cần thay đổi cách phát triển du lịch đối với bán đảo Sơn Trà; đồng thời tăng cường tài lực, vật lực và quy định pháp lý để bảo vệ Sơn Trà hiệu quả hơn.
“Chính quyền Đà Nẵng có trách nhiệm trực tiếp cực kỳ quan trọng trong việc bảo vệ, bảo tồn bán đảo Sơn Trà. Đà Nẵng phải hành động trên cơ sở luật pháp và sự chỉ đạo, giám sát của Chính phủ và Quốc hội” – ông Nghĩa nhấn mạnh.
Theo ông Nghĩa, việc thu hồi các dự án ở Sơn Trà là một bài toán khó nhưng không có nghĩa không giải được. Việc cần làm là vận động các doanh nghiệp vì thương hiệu của mình, vì tinh thần yêu nước, trách nhiệm xã hội, nếu có chịu thiệt hại hay hy sinh một phần cho Sơn Trà thì đó là vinh dự của họ.
“Yêu cầu Sơn Trà phải đẻ ra được tiền để nuôi Sơn Trà, đòi hỏi như vậy không hợp lý. Các đô thị, quốc gia hiện đại trên thế giới đều có một khu rừng. Họ làm việc mệt mỏi sẽ tìm đến vùng xanh đó, có không khí sạch, chim hót, bướm đẹp để nạp năng lượng. Điều đó không đẻ ra tiền nhưng tái tạo sức lao động, làm cho con người có chất lượng sống cao hơn và nó lại đẻ ra tiền. Nó không đẻ trực tiếp nhưng đẻ gián tiếp. Nếu chúng ta bảo tồn Sơn Trà thì không sợ không đẻ ra tiền mà lại đẻ ra được tiền rất bền vững” – ông Nghĩa phân tích.
TS Vũ Ngọc Long, nguyên Viện trưởng Viện Sinh thái học miền Nam, cho rằng việc quy hoạch Sơn Trà là sai lầm bởi quy hoạch sử dụng mà chưa hiểu hết giá trị của nó. Đà Nẵng thiếu một quy hoạch tổng thể về bảo tồn đa dạng sinh học. Phải có quy hoạch này rồi mới đến quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch làm du lịch, làm sân golf hay dùng để bảo tồn.
Cùng quan điểm, TS Phạm Viết Thuận, Viện Kinh tế tài nguyên và môi trường (TP HCM), nêu rõ: Cấp đất dự án xây dựng trên bán đảo Sơn Trà khi chưa có quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê quyệt là không hợp lý. Cấp đất cho dự án khi chưa có quy hoạch 1/2.000 là trái với Luật Đất đai và không có 1/500 thì Đà Nẵng không thể cấp phép xây dựng được. Vì vậy, không có quy hoạch được duyệt, không có số lô, số thửa trên bản đồ hiện trạng 1/2.000 thì việc thực hiện đầu tư 25 dự án trên bán đảo Sơn Trà không thể theo đúng quy trình. Tuy nhiên, các tổ chức vẫn cấp được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Đây là vấn đề cần xem xét lại một cách nghiêm túc.
TS Phạm Viết Thuận kiến nghị Chính phủ chỉ đạo TP Đà Nẵng thực hiện nghiêm túc những chính sách pháp luật liên quan đến chiến lược bảo tồn khu thiên nhiên bán đảo Sơn Trà. Trên cơ sở quy định của pháp luật và chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, cần xem xét loại bỏ Sơn Trà khỏi quy hoạch khu du lịch quốc gia Sơn Trà để bảo tồn theo quyết định ngày 17-9-2003 của Thủ tướng Chính phủ.
Về phía Đà Nẵng, nhất thiết phải quản lý hệ thống khu bảo tồn thiên nhiên quốc gia Sơn Trà theo hướng bền vững, chống bê tông hóa trên bán đảo này dưới mọi hình thức, xây dựng các phương án lựa chọn mang tính khoa học để phát triển bán đảo Sơn Trà cho phù hợp tình hình kinh tế, văn hóa, lịch sử, an ninh quốc phòng.
Phát triển du lịch Sơn Trà theo hướng nào?
Tại hội thảo, GS-TS Nguyễn Hoàng Trí, Chủ nhiệm kiêm Tổng Thư ký Ủy ban Quốc gia chương trình con người và sinh quyển Việt Nam, cũng như các đại biểu đã đề nghị thành lập khu sinh quyển thế giới Sơn Trà – Nam Hải Vân – Cù Lao Chàm để tăng cường thể chế quản lý cho bảo tồn và phát triển bền vững bán đảo Sơn Trà.
Trong khi đó, ông Huỳnh Tấn Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP Đà Nẵng, cho rằng Đà Nẵng nên chọn chiến lược giữ nguyên hiện trạng Sơn Trà, quản lý đa dạng tự nhiên phương thức bền vững để biến nơi đây thành điểm tham quan, du lịch sinh thái, tìm hiểu thiên nhiên, rạn san hô. Du khách đến Đà Nẵng với mục đích khám phá, tham quan Sơn Trà nhưng sẽ nghỉ tại TP, bảo đảm lợi ích kinh tế cho cộng đồng.
“Đà Nẵng giữ được Sơn Trà cực kỳ hoang dã bên cạnh một TP hiện đại sẽ là điểm đến độc nhất vô nhị trên thế giới. Sơn Trà sẽ góp phần hấp dẫn du khách từ khắp nơi và làm cho đời sống cộng đồng trở nên sung túc hơn, thu nhập của TP tăng trưởng bền vững hơn. Vậy chúng ta chọn môi trường, chọn cộng đồng hay chọn vì lợi ích của một nhóm những nhà đầu tư giàu có?” – ông Vinh đặt vấn đề.
Để bảo tồn được môi trường Sơn Trà, cần xây dựng quy chế nghiêm ngặt nhằm giữ tính đa dạng sinh học tự nhiên. Hình thành việc phân khu bán đảo Sơn Trà để quản lý: Khu cho phép du lịch, khu du lịch hạn chế, khu nghiên cứu đặc biệt và khu hoang dã. Xây dựng và đưa voọc chà vá chân nâu thành biểu tượng linh vật của Đà Nẵng. Hạn chế triển khai các dự án ở thềm bờ biển tiếp giáp với núi Sơn Trà làm tăng nguy cơ phá hủy rạn san hô ven bờ, làm thay đổi dòng hải lưu, phá hủy bờ biển, ảnh hưởng kinh tế – xã hội. Đặc biệt, cần hợp nhất Sơn Trà và vùng biển xung quanh đến Nam Hải Vân để hình thành khu dự trữ sinh quyển quốc tế UNESCO như mô hình khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm của Hội An nhằm bảo tồn cả hệ sinh thái trên cạn lẫn dưới nước.
Kết thúc hội thảo, ban tổ chức đã thông qua kết luận và gửi thư khuyến nghị lên Thủ tướng Chính phủ, Quốc hội, UBND TP Đà Nẵng. Thư khuyến nghị thống nhất các ý kiến tại hội thảo về quan điểm giữ nguyên hiện trạng bán đảo Sơn Trà, không xây dựng thêm khu lưu trú, xây dựng khu sinh quyển Sơn Trà – Hải Vân – Cù Lao Chàm, thành lập ban quản lý khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà…
Vẫn muốn xây khu nghỉ dưỡng
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, cho rằng lượng du khách đến Đà Nẵng nói chung và Sơn Trà nói riêng đang tăng mạnh đã đặt ra cho TP nhiều vấn đề giải quyết, trong đó có việc xây dựng và phát triển hạ tầng du lịch. Ông Minh khẳng định quan điểm của TP Đà Nẵng vẫn là phát triển khu du lịch quốc gia Sơn Trà trên cơ sở khai thác hợp lý tài nguyên thiên nhiên. Trong đó, ưu tiên phát triển các loại hình du lịch sinh thái, thể thao, nghỉ dưỡng cao cấp và du lịch văn hóa tâm linh. Đà Nẵng đang triển khai rà soát tổng thể bán đảo Sơn Trà trên tinh thần cầu thị và cởi mở để hoàn thiện 3 loại quy hoạch: quy hoạch chung, quy hoạch du lịch và quy hoạch bảo tồn rừng đặc dụng. |