ThienNhien.Net – UBND tỉnh Kon Tum đã ra văn bản hỏa tốc yêu cầu các cơ quan chức năng phối hợp với UBND huyện Đắk Hà khẩn trương thành lập đoàn kiểm tra, truy tìm nguyên nhân vụ cá bè nuôi chết hàng loạt trên hồ thủy điện Plei Krông.
Khẩn trương truy tìm nguyên nhân
Sáng 13.7, UBND tỉnh Kon Tum đã có văn bản hỏa tốc yêu cầu Sở NNPTNT phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Công an tỉnh và UBND huyện Đắk Hà khẩn trương lập đoàn kiểm tra hiện tượng cá chết bất thường tại lòng hồ thủy điện Plei Krông (thuộc thôn Đắk Mút, xã Đắk Mar, huyện Đắk Hà). Qua đó, làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm các tổ chức, cá nhân vi phạm (nếu có), báo cáo UBND tỉnh chậm nhất là ngày 14.7.
Trao đổi với Dân Việt, ông Phạm Văn Lập – Chánh VP UBND huyện Đắk Hà – cho biết: Sau khi sự việc xảy ra, huyện đã cử cán bộ xuống hiện trường kiểm tra, xác định nguyên nhân và lấy mẫu xét nghiệm. Huyện đã yêu cầu địa phương quan tâm, động viên các hộ dân an tâm. Đồng thời yêu cầu dọn dẹp vệ sinh môi trường. Về thiệt hại, thống kê có 28 lồng cá chết với sản lượng khoảng 60 tấn cá trắm, cá diêu hồng đến kỳ thu hoạch. “Đoàn liên ngành đã kiểm tra và vẫn chưa có kết luận nguyên nhân cụ thể. Bước đầu, đoàn lấy rất nhiều mẫu xét nghiệm, ngay cả trong nhà máy sản xuất tinh bột sắn gần đó cũng được lấy mẫu kiểm tra”, ông Lập nói.
Vì sao cá chết?
Sau một đêm phát hiện cá chết đỏ lồng, ông Lê Khả Tuyên (trú ở khu phố 5, thị trấn Đắk Hà) buồn, chán nản như người mất hồn. Ông liên tục uống rượu, lăn ra ngủ cho quyên đi cảnh cá nổi kín mặt lồng. Bà Tân (vợ ông Tuyên) buồn bã nói: “Hơn 20 tấn cá diêu hồng, cá trắm chết sạch, ước tính thiệt hại khoảng 800 triệu đồng. Trước hôm xảy ra sự việc, gia đình tôi đã liên hệ, hẹn doanh nghiệp ngày mai lên bắt cá nhưng không ngờ chưa bán được con nào thì cá đã chết. Cách đây không lâu tôi đã chắt chiu trả nợ ngân hàng 700 triệu đồng, dự định bán hết cá xong sẽ thu hồi được vốn và có lãi nhưng giờ mất trắng. Vừa mất tiền, gia đình tôi còn thuê 30 công đi vớt cá đem chôn”.
Ông Vũ Đình Tân (thôn Đắk Mút) cho biết: “Lâu nay việc nuôi cá ở đây vẫn bình thường, chưa xảy ra cá chết hàng loạt bao giờ. Nhưng mấy ngày nay, khi thủy điện xả nước vơi dần thì xảy ra chuyện”. Bà Tân (vợ ông Tuyên), ông Vũ Đình Tân và một số người khác nghi ngờ Nhà máy chế biến tinh bột sắn Tây Nguyên xả thải, gặp lúc nước hồ thủy điện xuống thấp gây ra hiện tượng cá chết. Các hộ dân cũng cho biết nhà máy này có cống xả nước thải ra lòng hồ, cách vị trí các hộ dân nuôi cá khoảng 500 mét. Tuy nhiên, đây mới chỉ là nghi vấn của người dân, cơ quan chức năng vẫn chưa kết luận về nguyên nhân vụ việc. Trao đổi qua điện thoại với PV Dân Việt, ông Út – Phó giám đốc Nhà máy chế biến tinh bột sắn Tây Nguyên – cũng cho biết nhà máy đang làm việc với đoàn kiểm tra nên chưa có kết luận cuối cùng.
Về phía thủy điện, ông Tạ Văn Luận – Giám đốc Công ty thủy điện Ia Ly, đơn vị quản lý Nhà máy thủy điện Plei Krông – cho biết: “Việc công ty xả nước chạy máy phát điện không ảnh hưởng gì đến cá của người dân bị chết. Người dân nuôi cá ở thượng lưu chứ không phải hạ lưu”.
Đoàn liên ngành theo chỉ đạo của UBND tỉnh Kon Tum đang lấy mẫu nước, làm việc với các bên liên quan để xác định nguyên nhân, trách nhiệm trong vụ việc này.