ThienNhien.Net – Hội nghị thường niên lần thứ 16 về khai thác gỗ bất hợp pháp do Viện Nghiên cứu Quốc tế Hoàng gia Anh (Chatham House) tổ chức đã diễn ra cuối tháng 6 vừa qua tại London với sự tham gia của hơn 250 đại diện của các chính phủ, tổ chức phi lợi nhuận, khu vực tư nhân và giới truyền thông đến từ khắp các quốc gia trên thế giới.
Hội nghị lần đầu tiên được Chatham House tổ chức vào năm 2002 với khoảng 50 đại biểu tham dự chỉ dành thảo luận giải quyết nạn buôn bán gỗ trái phép tại châu Âu. Theo thời gian, Hội nghị càng thu hút sự nhiều thành viên tham gia do mối quan tâm tới vấn đề khai thác gỗ bất hợp pháp ngày càng gia tăng.
Bà Alison Hoare, chuyên gia cao cấp về năng lượng, môi trường và tài nguyên của Chatham House cho rằng cần thêm sự phối hợp toàn cầu trong cuộc chiến chống nạn khai thác trái phép đang diễn ra tràn lan. Bên cạnh hội thảo chính thức, Chatham House cũng tổ chức các cuộc hội thảo bên lề, tạo cơ hội kết nối mạng lưới và thảo luận không chính thức cho các thành viên tham dự.
Theo số liệu báo cáo toàn cầu năm 2016 của Interpol và Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), hoạt động khai thác gỗ trái phép là loại hình tội phạm môi trường có giá trị cao nhất, trị giá 51 đến 152 tỷ USD/năm.
Một báo cáo khác cũng ghi nhận, tội phạm môi trường nói chung đang gia tăng với tốc độ 5-7% mỗi năm, gấp 2-3 lần so với tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Bên cạnh việc tác động tàn phá môi trường và đa dạng sinh học, khai thác gỗ trái phép và tội phạm lâm nghiệp cũng làm giảm hàng tỷ USD doanh thu thuế của các chính phủ.
Những nỗ lực giải quyết nạn khai thác gỗ trái phép đang diễn ra trên khắp thế giới. Đại diện của các quốc gia như Cộng hòa Dân chủ Congo, Ghana, Việt Nam, Myanmar, Indonesia, Brazil và nhiều nước khác cũng đã tham dự và chia sẻ kinh nghiệm góp phần đa dạng hơn các giải pháp.
FLEGT – Tăng cường thực thi luật lâm nghiệp, quản trị rừng và buôn bán gỗ – là chủ đề quan trọng được thảo luận suốt trong hai ngày Hội nghị. FLEGT ra đời cách đây hơn 10 năm, là một phần giải pháp của Liên minh Châu Âu để ngăn chặn nạn phá rừng bất hợp pháp bằng việc quản lý rừng bền vững và khai thác gỗ hợp pháp, trong đó quản trị tốt hơn và xúc tiến thương mại sản phẩm gỗ hợp pháp là yếu tố chính.
“Hiệp định Đối tác Tự nguyện” (VPA) là hiệp định thương mại ràng buộc pháp lý giữa Liên minh Châu Âu (EU) và một quốc gia sản xuất gỗ ngoài Liên minh. Mục đích của VPA là đảm bảo gỗ và các sản phẩm từ gỗ xuất khẩu sang Liên minh Châu Âu có nguồn gốc hợp pháp. Hiệp định cũng góp phần hỗ trợ các quốc gia xuất khẩu gỗ dừng khai thác gỗ trái phép thông qua cải thiện các quy chế và biện pháp quản trị rừng. Tuy nhiên, theo các chuyên gia quá trình này không phải lúc nào cũng hoàn toàn thuận lợi mà tùy thuộc vào mức độ ổn định chính trị và xã hội của từng quốc gia.
Việt Nam là một trong những quốc gia có tiến bộ đáng kể nhất trong tiến trình cấp phép FLEGT-VPA, tuy nhiên báo cáo của Cơ quan Điều tra Môi trường (EIA) cho hay vẫn diễn ra tình trạng nhập khẩu gỗ trái phép từ Campuchia sang Việt Nam ngay cả khi VPA đã được ký kết.
Tiến trình ký kết VPA của Việt Nam đã trải qua 11 phiên đàm phán chính thức, 19 cuộc họp nhóm kỹ thuật và 30 hội nghị trực tuyến. Kết quả cuối là Việt Nam sẽ xây dựng một hệ thống toàn quốc giải quyết tất cả các vấn đề liên quan đến nguồn gốc, thị trường và mọi hoạt động kinh doanh đến gỗ.
Chia sẻ tại hội nghị, bà Vũ Thị Bích Hợp, Giám đốc Trung tâm Phát triển Nông thôn Bền vững (SRD) nhấn tầm quan trọng của sự ủng hộ rộng rãi mọi tầng lớp người dân trong tiến trình ký kết VPA-FLEGT. Theo bà Hợp, mối quan tâm chính hiện nay là liệu các doanh nghiệp nhỏ và hộ gia đình Việt Nam đã được chuẩn bị sẵn sàng cho VPA hay chưa. Bà cho rằng các tổ chức xã hội dân sự cần tham gia vào quá trình này.
Hội nghị cũng có nhiều bài thuyết trình nổi bật khác như sử dụng công nghệ vệ tinh để nâng cao tính minh bạch của chuỗi cung ứng gỗ và cơ chế giám sát rừng độc lập cho các nhu cầu thẩm định và thực thi của doanh nghiệp.
Đức Anh (Theo Mongabay)