ThienNhien.Net – Phát trắng diện tích đất rừng được giao để trồng keo nguyên liệu là thực trạng đáng báo động đã và đang diễn ra tại xã Sơn Kim 1, Sơn Kim 2, huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh).
Đây là những cánh rừng giáp biên giới Việt – Lào, đóng vai trò hết sức quan trọng trong điều hòa môi sinh môi trường, phòng chống thiên tai, lũ lụt.
Sự buông lỏng quản lý, giám sát của các lực lượng chức năng đang tác động xấu đến hàng trăm ha rừng đầu nguồn.
Báo động nạn cạo trắng rừng
Thực hiện quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng đến năm 2020 và đề án giao đất gắn với giao rừng, cho thuê rừng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ) lâm nghiệp trên địa bàn Hà Tĩnh, giai đoạn 2013 – 2015, hàng chục nghìn ha đất rừng tại các địa phương được giao cho người dân quản lý, bảo vệ, phát triển.
Đây được xem là giải pháp trao “cần câu” thay vì “con cá” cho người dân nhằm nâng cao vai trò bảo vệ rừng trong cộng đồng dân cư, tạo công ăn việc làm cho người dân sống gần rừng.
Tuy nhiên, từ một chủ trương đúng đắn, trong quá trình thực hiện do thiếu sự giám sát, quản lý chặt chẽ của chính quyền xã, huyện và một số cơ quan chức năng liên quan đã và đang khiến cho tài nguyên rừng đầu nguồn xã Sơn Kim 1, Sơn Kim 2 bị “tàn phá”.
Ông T, một người dân xin giấu tên ở thôn Làng Tròn, xã Sơn Kim 1, xót xa nói: “Một quả đồi dựng đứng nằm cạnh QL8A, cách nhà dân chỉ dăm bảy mét nhưng bị cạo trắng. Bên kia sông Ngàn Phố, hàng chục ha cũng bị chủ rừng phát trắng dưới chân đồi lên đến đỉnh. Rừng này có cả phòng hộ và sản xuất nhưng dù có được quy hoạch sản xuất cũng không thể cạo trọc như vậy. Cứ làm kiểu này mai mốt rừng sẽ cạn kiệt, đe dọa hạn hán, lũ lụt”.
Theo ông T, việc để chủ rừng cạo trắng rừng đầu nguồn để trồng keo nguyên liệu có phần buông lỏng của chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng, bởi trong các cuộc tiếp xúc cử tri, rất nhiều người dân đã có ý kiến phản ánh đề nghị các cấp, các ngành ngăn chặn vấn đề này. Tuy nhiên, tất cả đều không được giải quyết. “Phát trắng rừng trồng keo trên độ đốc 70 – 80 độ, trong khi cả dãy đá lớn nằm trên đỉnh đồi, chỉ cần ít năm nữa khi mưa lũ bào mòn đất nguy cơ đá rơi xuống nhà dân, chắn đường giao thông sẽ xảy ra bất cứ lúc nào”, ông T nhấn mạnh.
Hơn 800ha rừng thuộc TK63 từng được giao cho Cty hợp tác kinh tế Quân khu 4 quản lý, bảo vệ. Đến năm 2015, diện tích này được giao lại cho BQL rừng phòng hộ Ngàn Phố (414ha rừng phòng hộ) và UBND xã Sơn Kim 2 (400ha rừng tự nhiên sản xuất). Việc quy hoạch, phân chia rừng cho nhiều “chủ” quản lý đã dẫn đến thực trạng “cha chung không ai khóc”, dẫn chứng là vụ cháy rừng năm 2015, kéo dài đến ngày thứ 4 mới có lực lượng đến dập lửa.
Bất cập quy hoạch rừng
Liên quan đến 400ha rừng sản xuất thuộc TK63, sau khi nhận bàn giao, UBND xã Sơn Kim 2 giao, cấp giấy chứng nhận QSDĐ gần 350ha cho 54 hộ dân trên địa bàn; trong đó, hộ được giao nhiều nhất trên 30ha, hộ ít nhất 6ha; diện tích còn lại chưa giao là hơn 54ha.
Theo ông Cao Kỷ Vỵ, Chủ tịch UBND xã, một số hộ sau khi nhận rừng đã đem keo lên trồng. Tuy nhiên, việc chuyển đổi, cải tạo rừng nhiều hộ chưa có văn bản xin phép UBND xã.
Ông Vỵ cho biết, một số diện tích ở khu vực Bốn Rộc, nằm sát khu vực sông Ngàn Phố đã được giao cho dân từ năm 2002, mặc dù thuộc địa giới hành chính của xã Sơn Kim 2 nhưng hầu hết do người dân Sơn Kim 1 bảo vệ, sản xuất nên khi phát hiện phát trắng rừng để trồng keo xã chỉ… gửi thông báo cho Sơn Kim 1. “Việc bắt tại trận, xác định người vi phạm là khó vì có khi người này phát của người kia”, ông Vỵ phân trần.
Chủ tịch xã này phân tích thêm, hiện nay việc quy hoạch rừng khá bất cập, bởi nhiều diện tích rừng phòng hộ quy hoạch gần dân, tương đối bằng phẳng nhưng bên trên lại quy hoạch rừng sản xuất tự nhiên, điều này dẫn đến không ít người dân lợi dụng sản xuất để xâm hại đến rừng phòng hộ, có nguy cơ hủy hoại môi trường, gây xói mòn, lũ lụt. Đặc biệt, những năm gần đây khi hàng hóa qua cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo khó khăn, người dân thiếu việc làm thì áp lực vào rừng ngày càng lớn. “Tôi đang lo hơn 400ha rừng phòng hộ giáp rừng sản xuất trên địa bàn sẽ bị xâm phạm. Vừa rồi chúng tôi không dám nhận diện tích này vì sợ không bảo vệ được. Cái này chúng tôi cũng đã cảnh báo đến các cơ quan chức năng rồi”, ông Cao Kỷ Vỵ thông tin thêm.
Từ đầu năm 2017 đến nay chính quyền xã Sơn Kim 2 đã phát hiện tới 20 trường hợp tự ý xẻ phát rừng trái phép; trong đó, ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 12 trường hợp với tổng số tiền 39 triệu đồng.
Tỉnh Hà Tĩnh có tổng diện tích rừng 360.703ha; trong đó, rừng tự nhiên 218.259ha; rừng trồng 95.175ha; đất chưa có rừng 40.632ha và đất khác 6.637ha. Theo kế hoạch, tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2020 độ che phủ rừng ổn định 52%. |