ThienNhien.Net – Một nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt, công nghiệp, nguy hại có diện tích 20ha đã hoạt động khoảng 3 năm nay, nằm ngay trên thượng nguồn của hồ Đá Đen đang khiến người dân hết sức bất an. Bởi, hồ Đá Đen là nơi cung cấp nước sinh hoạt chính cho 90% người dân tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Tỉnh ủy Bà Rịa – Vũng Tàu đã chỉ đạo phải di dời tất cả các nguồn thải ở thượng nguồn, nhưng cái khó ở chỗ nhà máy xử lý chất thải này nằm ở địa phận tỉnh Đồng Nai và dự án lại do Bộ TNMT phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM).
Kỳ 1 – Nhà máy xử lý rác trong rừng cao su: Dân phản ánh có ô nhiễm môi trường
Một nhà máy xử lý rác thải có diện tích lên tới 20ha nằm sâu trong rừng caosu, “nội bất xuất, ngoại bất nhập”, đến chủ tịch xã nơi nhà máy đóng chân muốn vào được cũng là do “quen mặt”, và cũng không biết được nhà máy hoạt động ra sao, vì đây là dự án của bộ cấp phép. Tuy nhiên, dự án vẫn đang tồn tại nhiều vấn đề khiến cả người dân và chính quyền tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đều hết sức lo lắng.
Người dân phản ánh có ô nhiễm
Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt, công nghiệp nguy hại có diện tích 20ha nằm sâu trong rừng caosu thuộc ấp Cẩm Sơn, xã Xuân Mỹ, huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai do Cty TNHH MTV thương mại Thiên Phước làm chủ đầu tư. Dự án này được Bộ TNMT phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) từ năm 2010 và đã đi vào hoạt động từ cuối năm 2014.
Tuy nhiên, việc tiếp cận khu xử lý là hết sức khó khăn, mặc dù nằm trong rừng caosu nhưng cứ vài trăm mét, Cty lại bố trí một bảo vệ canh gác cẩn mật không cho người ngoài tiếp cận. Người dân ấp Cẩm Sơn, xã Xuân Mỹ, huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai cho biết, khu vực người dân sinh sống xung quanh nhà máy xử lý rác thải này có mùi hôi, còn lại nước thải chảy đi đâu thì không hay biết. Trong khi đó, tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, người dân huyện Châu Đức nằm giáp ranh với tỉnh Đồng Nai cũng nhiều lần phản ánh trong các buổi tiếp xúc cử tri yêu cầu ngăn chặn tình trạng ô nhiễm nguồn nước có mùi hôi thối chảy từ suối Chà Răng về suối Sông Xoài, nguồn nước này sau đó sẽ chảy về hồ Đá Đen, ảnh hưởng tới nước sinh hoạt của toàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.
Trao đổi với báo Lao Động, ông Hoàng Minh Hải – Chủ tịch xã Xuân Mỹ, huyện Cẩm Mỹ, Đồng Nai cũng xác nhận, người dân có phản ánh tình trạng mùi rác hôi thối và việc nhà máy đốt rác gây mùi hôi. Ông Hải cũng cho biết thêm, nguồn rác thải toàn bộ địa bàn huyện Cẩm Mỹ, gồm rác thải sinh hoạt, rác thải rắn đều được đưa vào xử lý tại nhà máy. “Tuy nhiên, chúng tôi cũng không nắm được việc Cty có hợp đồng xử lý rác cho bệnh viện, đơn vị nào hay không” – ông Hải nói.
Theo tìm hiểu của PV, dự án trên đã được đầu tư các công trình như: Lò đốt chất thải nguy hại công suất 24 tấn/ngày, hoạt động từ cuối năm 2014 và được Tổng cục môi trường cấp giấy phép hành nghề; Khu chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt có diện tích khoảng 2.000m2 hoạt động từ năm 2014 hiện đã đầy; hệ thống xử lý rác đang vận hành thử nghiệm, khu chôn lấp chất thải rắn…
Đồng Nai có tới 9 nhà máy xử lý rác thải
Theo Sở TNMT tỉnh Đồng Nai, hằng ngày, tỉnh Đồng Nai phát sinh 3.400 tấn rác chất thải rắn các loại, các chất thải công nghiệp nguy hại, y tế đều được đưa vào các khu xử lý để xử lý.
Năm 2011, tỉnh Đồng Nai có quy hoạch có 8 khu xử lý chất thải rắn, cộng với khu xử lý Trảng Dài là 9 khu xử lý. Ở giai đoạn này phần lớn các rác thải sinh hoạt đều được chôn lấp. Đến cuối 2016 tỉ lệ chôn lấp rác thải sinh hoạt còn 71%, trong khi yêu cầu của tỉnh ủy Đồng Nai là năm 2016, có gia hạn tới năm 2017 còn dưới 15%.
Ông Đặng Minh Đức – GĐ Sở TNMT tỉnh Đồng Nai cho biết: Các khu xử lý chúng tôi đều có giám sát môi trường. Hiện nay, rác thải được xử lý chôn lấp, do đó giải pháp tới đây trước hết chúng tôi yêu cầu các khu xử lý tập trung hoàn thiện xây dựng tiến tới lộ trình tái chế tái sử dụng và chuyển hóa đốt rác tạo năng lượng sạch thu hồi năng lượng. “Chúng tôi yêu cầu chủ đầu tư có cam kết và làm việc với cả 9 khu xử lý để kéo giảm tỉ lệ rác thải sinh hoạt chôn lấp xuống mức thấp” – ông Đức khẳng định.
Đối với Nhà máy xử lý chất thải nằm trên địa bàn xã Xuân Mỹ, huyện Cẩm Mỹ, ông Hoàng Minh Hải – Chủ tịch UBND xã Xuân Mỹ cũng đồng tình rằng, việc đặt vấn đề nghi ngại vị trí nhà máy đặt ngay đầu nguồn lâu ngày sẽ thẩm thấu đi các dòng suối và đẩy nước về hồ Đá Đen chứa nguồn nước thô cho tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.
“Hiện nay khối lượng rác thải chưa nhiều, nhưng về lâu dài thì chuyện lo xa là đúng” – ông Hải nói.
Ông Hải cũng cho biết thêm, nghi ngại nêu trên là có lý nhưng đó là vấn đề chuyên môn sâu, xã không làm nổi, do Bộ TNMT cấp phép cho dự án. “Chúng tôi cũng chỉ được mời để biết thông tin chứ cũng không có thẩm quyền để kiểm tra” – ông Hải khẳng định.