ThienNhien.Net – Mặc dù Ủy ban Nhân dân huyện Sóc Sơn (Hà Nội) đã yêu cầu các cơ sở sản xuất hạt nhựa gây ô nhiễm tại xã Tiên Dược dừng hoạt động trước ngày 15/5, báo cáo cấp có thẩm quyền áp dụng hình thức buộc di dời trước ngày 20/6/2017, nhưng đến nay, những cơ sở này vẫn ngang nhiên nhả khói, bất chấp những bức xúc về ô nhiễm của người dân trong khu vực.
“Rõ ràng các cơ sở sản xuất tạo hạt nhựa đang sai. Quan điểm của xã, huyện là yêu cầu các cơ sở này dừng ngay hoạt động. Tuy nhiên, do thẩm quyền địa phương có hạn, nên chúng tôi cũng chỉ biết chờ chỉ đạo của thành phố,” ông Dương Văn Năng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Tiên Dược, huyện Sóc Sơn cho biết.
Quyết định “chìm xuồng”?
Liên quan đến nội dung “Sóc Sơn vẫn nhức nhối với cơ sở sản xuất nhựa gây ô nhiễm” do VietnamPlus phản ánh, mới đây, Ủy ban Nhân dân huyện Sóc Sơn đã có báo cáo số 980/UBND-TNMT, công bố thực trạng ô nhiễm của 40 hộ gia đình hoạt động tạo hạt nhựa, làm gioăng kính, cán ép giấy trong khuôn viên đất ở, trong đó có 5 hộ tạo hạt nhựa.
Báo cáo nêu rõ, kết quả phân tích mẫu khí thải, nước thải của Viện Công nghệ môi trường công bố tháng 12/2016 cho thấy hoạt động sản xuất tạo hạt nhựa của các hộ gia đình có phát sinh các khí bụi TSP, CO, NO2, SO2, Vinylclorua, tiếng ồn ảnh hưởng đến môi trường, đơn thư phản ánh của nhân dân.
Trên cơ sở kết quả phân tích, ngày 28/4/2017, Ủy ban Nhân dân huyện Sóc Sơn đã có báo cáo số 146/BC-UBND gửi Thường trực Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố. Đồng thời chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện phối hợp với Ủy ban Nhân dân xã Tiên Dược thiết lập hồ sơ xử lý vi phạm về bảo vệ môi trường đối với 13 hộ gia đình có mẫu nước thải và khí thải vượt Quy chuẩn Việt Nam.
Ủy ban Nhân dân huyện Sóc Sơn cũng yêu cầu các hộ gia đình tạo hạt nhựa, sản xuất gioăng kính dừng ngay hoạt động trước ngày 15/5/2017; tổ chức lấy mẫu khí thải đột xuất để hoàn thiện hồ sơ xử lý vi phạm và báo cáo cấp có thẩm quyền áp dụng hình thức buộc di dời đối với các cơ sở vi phạm xong trước ngày 20/6/2017.
Đến đầu tháng 6/2017, Ủy ban Nhân dân huyện Sóc Sơn đã ban hành 13 quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Đồng thời, yêu cầu 7 hộ tạo hạt nhựa, sản xuất gioăng kính dừng hoạt động do sử dụng đất không đúng mục đích đất ở nông thôn, phát sinh khí thải, tiếng ồn…ảnh hưởng đến môi trường và sinh hoạt của cộng đồng dân cư.
Tuy nhiên, theo thông tin từ Ủy ban Nhân dân huyện Sóc Sơn, đến nay trên địa bàn xã Tiên Dược vẫn còn 5 hộ tạo hạt nhựa, 2 hộ làm gioăng kính hoạt động trong khuôn viên đất ở.
Ghi nhận của phóng viên và phản ánh của người dân vào những ngày đầu tháng 7/2017 cũng cho thấy, hoạt động sản xuất của các hộ tạo hạt nhựa, sản xuất gioăng kính tại thôn Dược Hạ, xã Tiên Dược vẫn diễn ra bình thường. Tiếng máy nổ gầm gào, khói được “nhả” ra môi trường với mùi hắc rất khó chịu.
Thực tế trên đặt ra câu hỏi, tại sao Ủy ban Nhân dân huyện Sóc Sơn đã ban hành nhiều văn bản, 13 quyết định yêu cầu các cơ sở sản xuất hạt nhựa gây ô nhiễm tại xã Tiên Dược dừng hoạt động, kiến nghị hình thức buộc di dời trước ngày 20/6/2017, nhưng đến nay, những cơ sở này vẫn ngang nhiên nhả khói như vậy?. Liệu quyết định xử phạt mà Ủy ban Nhân dân huyện Sóc Sơn đưa ra có bị “chìm xuồng”?.
Để làm rõ hơn về thông tin trên, phóng viên VietnamPlus đã nhiều lần liên hệ làm việc với ông Đỗ Minh Tuấn – Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Sóc Sơn (người trực tiếp ký các văn bản, quyết định liên quan đến việc xử phạt các cơ sở tạo hạt nhựa, sản xuất gioăng kính vi phạm trên địa bàn xã Tiên Dược), tuy nhiên ông Tuấn không phản hồi.
Chờ chỉ đạo của thành phố
Trong khi đó, ở góc độ địa phương để xảy ra vi phạm, ông Dương Văn Năng – Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Tiên Dược, huyện Sóc Sơn khẳng định chính quyền xã đã nhiều lần tuyên truyền vận động và ra thông báo dừng hoạt động, huyện cũng đã có quyết định yêu cầu dừng, nhưng các hộ sản xuất này vẫn chưa chấp hành.
Theo ông Năng, điều khó trong quá trình xử lý các cơ sở sản xuất tạo hạt nhựa là, việc thiết lập hồ sơ xử lý vi phạm và đề nghị cấp có thẩm quyền áp dụng hình thức buộc di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng thuộc thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố, nên địa phương vẫn phải chờ.
Cụ thể, tại điểm a, khoản 2, điều 58 Nghị định số 155/2016/NĐ-CP ngày 18/11/2016 của Chính phủ quy định Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố chỉ đạo thực hiện quyết định cưỡng chế áp dụng hình thức xử phạt bổ sung đình chỉ hoạt động, cưỡng chế áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc di dời cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
“Trong việc này, quan điểm của tôi là yêu cầu các cơ sở tạo hạt nhựa dừng hoạt động, chấm dứt sản xuất. Tuy nhiên, thẩm quyền của xã chỉ được yêu cầu dừng, còn việc ra quyết định cưỡng chế phải do huyện báo cáo thành phố. Hiện tại, chúng tôi cũng chỉ biết chờ chỉ đạo của thành phố. Khi nào có chỉ đạo, địa phương sẽ xử lý ngay,” ông Năng nói./.
Trước đó, ngày 7/6/2017, Ủy ban Nhân dân huyện Sóc Sơn cũng đã có báo cáo số 219/BC-UBND về việc giải quyết các cơ sở tạo hạt nhựa, làm gioăng kính trong khu dân cư trên địa bàn xã Tiên Dược.
Theo đó, để áp dụng hình thức buộc di dời đối với các cơ sở tạo hạt nhựa trong khu dân cư xã Tiên Dược, Ủy ban Nhân dân huyện Sóc Sơn đã đề nghị Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với Ủy ban Nhân dân huyện Sóc Sơn và các đơn vị liên quan thiết lập hồ sơ trình Ủy ban Nhân dân thành phố áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả, buộc di dời cơ sở tạo hạt nhựa, gioăng kính theo quy định./.