ThienNhien.Net – Tỉnh Bình Thuận hiện có 15 điểm mỏ quặng titan chủ yếu tập trung tại các huyện Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam, Hàm Tân và Tuy Phong. Tuy nhiên, việc quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản, sa khoáng titan còn nhiều bất cập, chưa đem lại hiệu quả cao.
Ngày 8/7, UBND tỉnh Bình Thuận, Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật tỉnh Bình Thuận phối hợp với Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature), tổ chức tọa đàm đánh giá tiềm năng và bước đầu đề xuất khai thác và sử dụng khoáng sản titan Zircon trên địa bàn tỉnh Bình Thuận theo hướng bền vững.
Phát biểu đề dẫn tọa đàm, ông Nguyễn Văn Quang, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Thuận cho biết, Bình Thuận hiện là địa phương có trữ lượng và tài nguyên titan lớn nhất cả nước. Theo dự báo, toàn tỉnh có khoảng 599 triệu tấn, chiếm 92% tổng trữ lượng quặng titan của cả nước.
Trên địa bàn tỉnh hiện có 15 điểm mỏ quặng titan chủ yếu tập trung tại các huyện Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam, Hàm Tân và Tuy Phong. Tuy nhiên, việc quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản, sa khoáng titan còn nhiều bất cập, chưa đem lại hiệu quả cao.
Một trong những bất cập trong quá trình quản lý và khai thác titan hiện nay là các dự án được cấp phép khai thác titan đang chồng lấn với các dự án du lịch, dự án kinh tế xã hội. Theo quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến titan được Chính phủ phê duyệt, trên địa bàn tỉnh có 25 khu vực với tổng diện tích đưa vào quy hoạch titan là 19.339ha, trong đó có chồng lấn 33 dự án đầu tư phát triển kinh tế xã hội đã được chấp thuận với tổng diện tích 4.576ha.
Ngoài ra, diện tích quy hoạch titan còn chồng lấn với các dự án điện gió, điện mặt trời, nuôi trồng thủy sản…gây ảnh hưởng đến tiến độ của các dự án và thu hút đầu tư của tỉnh.
Tại buổi tọa đàm, các đại biểu cũng nhìn nhận khó khăn trong việc quy hoạch, khai thác và sử dụng quặng titan hiện nay là nguồn nước ngầm. Bình Thuận là địa phương khô hạn nhất cả nước, nguồn nước mặt, nước ngầm tại địa phương rất khan hiếm. Tuy nhiên, hoạt động khai thác titan thì lại cần rất nhiều nước.
Phần lớn các khu vực quy hoạch, dự án khai thác titan đều nằm ven biển, nơi có nhiều diện tích phân bố cát rộng lớn và hạn chế nguồn nước ngọt. Tại đây chỉ có các ao, hồ có nước vào mùa mưa nhưng chỉ đủ đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của người dân, không đủ nguồn nước để phục vụ khai thác titan. Vì vậy nếu càng nhiều khu vực được quy hoạch thì nguồn nước phục vụ cho sinh hoạt và canh tác của người dân càng ít và chất lượng càng bị ảnh hưởng.
Phó GS.TS Đoàn Văn Cánh, Chủ tịch Hội Địa chất Thủy văn Việt Nam cho biết, khai thác titan Zircon cần một lượng nước lớn đồng thời cũng thải ra một lượng nước thải rất lớn. Nếu khai thác titan, tuyệt đối không được sử dụng nước biển để bơm vào moong khai thác, vì sẽ làm mặn hóa tầng chứa nước và không biết bao giờ mới phục hồi lại được.
Ở Bình Thuận, do các tầng chứa ít nước nên tuyệt đối không nên lấy thêm nguồn nước ngầm phục vụ khai thác mỏ. Nếu không đủ nước để phục vụ khai thác thì phải có giải pháp cấp nước vào moong bằng các nguồn nước từ xa chuyển tới…
Theo GS.TS khoa học Đặng Trung Thuận, đại diện đoàn chuyên gia Trung tâm con người và thiên nhiên, khai thác titan ở Bình Thuận cần cân nhắc các vấn đề về thay đổi bề mặt địa hình, không nên khai thác quá ngưỡng phục hồi nguồn nước ngầm trong cồn cát, phân tán các chất phóng xạ trong quặng titan Zircon… Những tác động bất lợi của khai thác, chế biến titan đến môi trường như: xáo trộn các tầng cát, phá hủy thảm thực vật trên cồn cát, nguy cơ hoang mạc hóa và sự cố môi trường… và những ảnh hưởng đến việc phát triển du lịch ven biển cũng được các đại biểu nhìn nhận và thảo luận.
Bàn về giải pháp để khai thác khoáng sản đi đôi với phát triển bền vững và bảo vệ môi trường, các đại biểu cho rằng nên rà soát để điều chỉnh lại quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng cho phù hợp với thực tế hiện nay, khu vực nào có ảnh hưởng đến dân sinh, không an toàn mỏ, không đảm bảo nguồn nước… thì đưa vào dự trữ quốc gia và điều chỉnh lại quy hoạch.
Cũng có đại biểu cho rằng, Bình Thuận nên chủ động phối hợp với các chuyên gia, các nhà khoa học để xây dựng quy hoạch cho riêng mình, từ đó có những đề xuất phù hợp cho trung ương. Đồng thời quá trình khai thác phải bám sát quy hoạch, phải gắn khai thác với chế biến sâu theo đúng lộ trình, khai thác phải gắn với hiệu quả kinh tế và bảo vệ môi trường…
Đến nay, Bộ Tài nguyên và môi trường đã cấp 8 giấy phép khai thác trên địa bàn tỉnh với tổng diện tích 2.542 ha, tổng trữ lượng 7,5 triệu tấn, trong đó 1 giấy phép đã hết hạn, 2 giấy phép chưa đầu tư xây dựng cơ bản mỏ, các giấy phép còn lại có triển khai nhưng hiện tạm dừng khai thác để hoàn tất thủ tục theo quy định.