G20: Bất đồng sâu thêm hay cơ hội để thiết lập trật tự mới?

ThienNhien.Net – Hội nghị thượng đỉnh nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi lớn nhất thế giới (G20) năm nay diễn ra trong một bối cảnh thế giới đứng trước nhiều thách thức.

Cả một danh sách những thách thức lớn nhất đã được đặt lên bàn hội nghị như chủ nghĩa khủng bố, biến đổi khí hậu, chủ nghĩa bảo hộ, châu Phi… Tước tình hình thế giới  ngày nay đang chia rẽ hơn bao giờ hết,  liệu Hamburg sẽ là sân khấu cho kịch bản chia rẽ, bất đồng thêm hay trở thành diễn đàn để tình đoàn kết quốc tế hồi sinh?


Hội nghị thượng đỉnh nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi lớn nhất thế giới (G20) năm nay diễn ra trong một bối cảnh thế giới đứng trước nhiều thách thức.

Sự thiếu  tiếng nói chung  trên thể hiện rõ nhất ở ba nhà lãnh đạo có mặt tại Hamburg những ngày này: Tổng thống Mỹ Donald Trump, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Erdogan. Ba nhà lãnh đạo này đến hội nghị và theo đuổi lịch trình của riêng mình. Ông Erdogan sẽ tận dụng cơ hội này để nói về người Thổ Nhĩ Kỳ đang sống tại Đức, nhưng Chính phủ Đức sẽ không cho phép. Ông Putin sẽ nhân diễn đàn này để kêu gọi phương Tây dỡ bỏ trừng phạt chống lại Nga và thể hiện thiện chí hợp tác. Còn ông Trump muốn sử dụng hội nghị này như một cơ hội để gặp trực tiếp nhà lãnh đạo Nga lần đầu tiên. Đây là một trong những cuộc gặp được chờ đợi nhất giữa hai nguyên thủ quốc gia này, nơi sẽ tràn ngập những tính toán kinh tế, chính trị và địa chiến lược. Có nhiều điều để thảo luận, từ cuộc khủng hoảng Syria đến cuộc nội chiến tại Syria, các lệnh trừng phạt Nga và cáo buộc Nga can thiệp cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016.

Sẽ là thiếu sót nếu không nhắc tới nhà lãnh đạo của một siêu cường khác của thế giới là Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, người cũng đang có mặt ở thành phố này và sẵn sàng lặng lẽ lấp đầy khoảng cách đang ngày càng rộng giữa ông Trump và các đồng minh lâu năm, đồng thời khẳng định vị thế của Bắc Kinh như một người bảo vệ mới nhất, lớn nhất cho hệ thống đa phương dựa trên luật lệ. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng có lẽ ông Tập Cận Bình sẽ thể hiện thái độ kín tiếng tại Hamburg. Sẽ tốt hơn nếu ở Hamburg, dư luận tập trung chú ý vào ông Trump, ông Putin, và thời kỳ hậu Brexit. Bởi tại diễn đàn Hamburg, ông Trump có thể dùng chính sách đối ngoại để lẩn tránh các vấn đề trong nước. Đả kích Trung Quốc, tuy kéo theo đôi chút rủi ro, là canh bạc an toàn để ông Trump tập hợp lực lượng tại Mỹ. Trung Quốc cũng không muốn chọc giận Nga, nhất là trong bối cảnh hiện nay. Do đó, Trung Quốc sẽ đóng vai trò quan sát nhiều hơn tại Hamburg, sẵn sàng quan hệ với tất cả, đặc biệt là với các nước châu Âu.

Thách thức là tìm ra một công thức làm nền tảng cho Hiệp định Paris mà không có những quan điểm cực đoan (kiểu cô lập). Nhiều chủ đề khác có lẽ dễ thảo luận hơn, như cuộc chiến chung chống chủ nghĩa khủng bố, chính sách đối với phụ nữ và chăm sóc y tế… Bà Merkel nói rằng bà “rất lạc quan” về các chủ đề này. Dự kiến cũng sẽ có ít tranh cãi về chính sách đối với người tị nạn. Ngoài ra, vấn đề Triều Tiên cũng “có chỗ” trên bàn nghị sự, nhất là khi Bình Nhưỡng đã gửi đi một thông điệp mạnh mẽ bằng vụ thử tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) đầu tiên chỉ vài ngày trước khi diễn ra hội nghị này.

Vì hội nghị thượng đỉnh G20 là diễn đàn chính về hợp tác kinh tế toàn cầu, nên kinh doanh tất nhiên có một vị trí nổi bật trên bàn đàm phán. Tự do thương mại sẽ đóng một vai trò quan trọng. Bà Merkel sẽ muốn G20 gửi đi một thông điệp rõ ràng về sự cần thiết của các hệ thống thị trường tự do và thương mại đa phương.

Ngoài ra, nước chủ nhà Đức cũng muốn tập trung vào hợp tác châu Phi tại hội nghị này. Sáng kiến Thỏa thuận với châu Phi nhằm thu hút các nhà đầu tư công và tư cho các dự án của châu lục này, nhưng không thay thế viện trợ phát triển. Lịch trình Phát triển bền vững đến năm 2030 của LHQ sẽ được đưa ra bàn thảo tại hội nghị.

Đằng sau tất cả các vấn đề và thách thức lớn được đưa ra bàn thảo tại Hamburg, hội nghị G20 lần này còn được chú ý đặc biệt bởi nó sẽ đưa ra câu trả lời cho chiếc “ghế trống” của vị trí lãnh đạo toàn cầu sau khi Mỹ có nhiều dấu hiệu thoái lui. Nếu như 8 năm cầm quyền của cựu Tổng thống Barack Obama được đánh dấu bởi kiểu “lãnh đạo từ phía sau” rất khiêm tốn, thì tân Tổng thống Trump đã đưa ra nhiều quyết định – như rút Mỹ ra khỏi Hiệp định Paris và  Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) – cho thấy “chú Sam” thực sự đang rút lui khỏi vai trò truyền thống của mình như nhà bảo trợ toàn cầu cho ổn định và an ninh.

Không khí thảo luận tại G20 cũng như các tuyên bố đưa ra trong và sau hội nghị này sẽ cho thế giới thấy Mỹ rốt cuộc đang đứng ở đâu, và hé lộ ít nhiều những dấu hiệu để dự báo tình hình thế giới trong thời gian tới.