ThienNhien.Net – Ngày 7/7, Bộ Tài nguyên và Môi trường có buổi làm việc với Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Thuận và các Sở, ngành liên quan về việc triển khai phối hợp thực hiện Giấy phép nhận chìm ở biển số 1517/GP-BTNMT ngày 23/6/2017 của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Ngày 23/6/2017, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã cấp Giấy phép số 1517/GP-BTNMT cho phép Công ty Trách nhiệm hữu hạn Điện lực Vĩnh Tân 1 được nhận chìm vật liệu nạo vét xuống biển, thuộc xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong (Bình Thuận).
Vật chất được phép nhận chìm có khối lượng là 918.533 m3, bao gồm 20% là bùn, 80% là cát, vỏ sò, sạn sỏi, cát kết phong hóa, cát pha, sét, đá phong hóa thu được từ hoạt động nạo vét vũng quay tàu và khu nước trước bến chuyên dùng phục vụ Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1. Khu vực biển được sử dụng nhận chìm có diện tích 30ha, có độ sâu lớn nhất là 36m.
Theo Bộ Tài Nguyên và Môi trường, Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1 tỉnh Bình Thuận là một trong 5 nhà máy nhiệt điện than thuộc Trung tâm điện lực tỉnh Bình Thuận (với tổng quy mô công suất lắp đặt khoảng 6.180 MW), khi hoàn thành đầu tư xây dựng sẽ là Trung tâm nhiệt điện than lớn nhất cả nước, góp phần quan trọng vào cung ứng điện cho sản xuất và sinh hoạt của người dân.
Sau khi nhận được Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép nhận chìm ở biển của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Điện lực Vĩnh Tân 1, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thành lập Hội đồng thẩm định hồ sơ cấp giấy phép với sự tham gia của 22 thành viên là các chuyên gia trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, sinh thái, hải dương học, một số hội nghề nghiệp liên quan, Ban Quản lý Khu bảo tồn Hòn Cau, đại diện Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Thuận và đại diện các Bộ, ngành liên quan.
Các ủy viên Hội đồng thẩm định đã tập trung thảo luận và kiến nghị về đánh giá tác động môi trường, biện pháp bảo vệ môi trường, quan trắc, giám sát trong quá trình nhận chìm nhằm ngăn ngừa tác động của hoạt động nhận chìm đến môi trường biển, đặc biệt là Khu Bảo tồn Hòn Cau.
Kết quả thẩm định, đa số các thành viên Hội đồng yêu cầu chỉnh sửa, bổ sung hồ sơ theo các ý kiến góp ý để xem xét cấp giấy phép nhận chìm ở biển cho Công ty Trách nhiệm hữu hạn Điện lực Vĩnh Tân 1.
Tại buổi làm việc, nhiều ý kiến của Sở, ngành đề nghị phải giám sát chặt chẽ và thêm phương án giám sát việc nhận chìm vật liệu sau nạo vét xuống biển.
Ông Huỳnh Quang Huy, Chi cục Trưởng Chi cục Thủy sản Bình Thuận cho biết theo giấy phép số 1517/GP-BTNMT, thông số đánh giá chất lượng hệ sinh thái chỉ thực hiện 2 lần, trước khi nhận chìm (7/2017) và sau khi nhận chìm vào tháng 10/2017.
Nếu có vấn đề xảy ra đối với hệ sinh thái từ việc nhận chìm này, sẽ không có biện pháp xử lý kịp. Trong vòng 30ha biển nhận chìm, bùn đất sẽ cao từ 6-7m.
Đặc điểm khu vực này là vùng nước trồi, có hai dòng chảy trong 1 năm; dòng Nam sẽ chảy tới Mũi Cà Mau, dòng Bắc sẽ chảy ra khỏi Vịnh Cam Ranh (Khánh Hòa).
Như vậy, nếu có sự cố xảy ra, vì nơi đây có chất trầm tích, mấy trăm năm nay vẫn ổn định, nếu chúng ta đào xuống, bề mặt bị phong hóa có thể hình thành chất mới, vấn đề này chúng ta chưa xác định có độc hay không, nếu có độc thì độ lan tỏa sẽ rất lớn.
Do vậy, trong việc đánh giá chất lượng hệ sinh thái đánh giá ít nhất ba lần, ngoài hai lần theo phê duyệt, sau 1 tháng khi nhận chìm vật chất sau nạo vét cần tiến hành quan trắc lại.
Ông Trương Khương Hải, Phó Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ Bình thuận cho biết hiện nay, các đơn vị chỉ đề cập giám sát quá trình nạo vét, vận chuyển và nhận chìm xuống biển, chưa giám sát quá vật chất nạo vét, chưa xác định được vật chất nạo vét có chứa chất độc, phóng xạ hay không.
Ông Hải đề nghị tăng thêm các trạm quan trắc môi trường ven bờ và cho người dân cùng tham gia giám sát. Bên cạnh đó, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Điện lực Vĩnh Tân 1 cần tiến hành nhận chìm với trách nhiệm cao đối với môi trường; quan tâm đến cộng đồng, cuộc sống người dân và hệ sinh thái Hòn Cau.
Ông Nguyễn Ngọc Hai, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Thuận nhấn mạnh Bình Thuận là địa phương đầu tiên được cấp phép nhận chìm trên biển của cả nước.
Do đó, việc tiến hành nhận chìm phải hết sức thận trọng. Hơn nữa đây là vùng nước trồi, có dòng chảy mạnh, gần Khu bảo tồn biển Hòn Cau; ngoài giá trị bảo tồn còn có cuộc sống người dân khu vực này, vì vậy cần phải làm từng bước.
Hiện nay, phải triển khai công việc trước khi nhận chìm theo đúng quy định, tiến hành cắm móc khu vực nhận chìm, lắp đặt hoàn thành hệ thống quan trắc và tăng thời gian quan trắc; xây dựng quy chế giám sát.
Phải cung cấp các thông số quan trắc cho người dân được biết, để người dân giám sát theo dõi, đồng thời tiến hành phân tích các mẫu bùn đất nạo vét, đảm bảo không có chất độc hại.
Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận Nguyễn Mạnh Hùng cho biết hoàn toàn nhất trí việc nhận chìm vật chất sau nạo vét xuống biển, vì vật chất nạo vét này đã nhiễm mặn, nếu để trên đất liền sẽ gây ô nhiễm nghiêm trọng và không có nơi chứa vật chất sau nạo vét này.
Vấn đề hiện nay là giám sát chặt chẽ vị trí nạo vét, phương pháp nạo vét, địa điểm nhận chìm vật chất…
Nếu để xảy ra sự cố khi nhận chìm sẽ ảnh hưởng rất lớn đến Trung tâm nhiệt điện Vĩnh Tân và tình hình an ninh trật tự tại địa phương. Do đó, phải tiến hành công khai việc nạo vét, nhận chìm cho người dân địa phương được biết và giải thích rõ đây không phải là chất thải.
Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, trước mắt cần thống nhất bổ sung một số điểm quan trắc ven bờ, thực hiện đối chứng các thông số môi trường trước, trong và sau khi nhận chìm. Tỉnh sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ, ngành, nhà khoa học để thực hiện quy chế trong quá trình nạo vét và nhận chìm.
Các đơn vị giám sát, chính quyền địa phương phối hợp thực hiện đúng phương pháp đã cam kết trong quá trình kiểm tra việc nhận chìm. Bên cạnh đó, lực lượng phối hợp phải chuẩn bị kế hoạch xử lý tình huống không mong muốn xảy ra, bảo đảm an ninh trật tự.
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi Trường Nguyễn Linh Ngọc nhấn mạnh trong quá trình cấp phép nhận chìm, Bộ Tài nguyên và Môi Trường đã làm đúng trách nhiệm của mình, hạn chế thấp nhất khả năng sự cố xảy ra khi nhận chìm vật chất sau nạo vét.
Vật chất sau nạo vét ở đây là vật liệu nạo vét tại khu vực cảng, gồm cát, bùn của ô quay tàu trước cảng. Vật chất tại điểm nạo vét này và tại điểm nhận chìm là tương đồng với nhau, các nhà khoa học đã lấy mẫu và đảm bảo an toàn.
Vị trí nhận chìm có diện tích 30ha, cách Khu bảo tồn biển Hòn Cau 8km, cách biên bảo vệ xa nhất của Hòn Cau là 2km.
Địa hình khảo sát đổ ở dưới đáy chỉ là cát bùn. Bộ sẽ cùng với tỉnh Bình Thuận và các đơn vị liên quan sẽ giám sát chặt chẽ trong suốt quá trình nạo vét, vận chuyển và nhận chìm vật chất xuống biển.
Sở Tài nguyên và Môi trường Bình Thuận đã ban hành Dự thảo Kế hoạch kiểm tra, giám sát hoạt động nhận chìm ở biển theo Giấy phép nhận chìm ở biển số 1517/GP-BTNMT, nhằm chủ động, giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường biển, hạn chế thấp nhất khả năng xảy ra các vấn đề và sự cố môi trường.
Việc kiểm tra của Sở Tài nguyên và Môi trường Bình Thuận bắt đầu từ ngày 1/7 đến ngày 31/10/2017.